Vào nghề
Hắn đứng trước biển, lòng bộn bề những nghĩ suy, trăn trở. Ngày mai, hắn sẽ ra khơi. Ngày mai, hắn sẽ bắt đầu con đường mà cha và ông hắn đã từng bước.
Đêm nay, biển đẹp quá. Ánh đèn của những chiếc tàu ngoài khơi xa như những ngôi sao trên mặt biển, sáng lấp lánh. Đâu là ranh giới giữa trời và biển? Một khoảng không mênh mông, xa xăm, vô tận. Gió mát rượi. Trong không gian yên ắng, hắn tưởng tượng linh hồn cha hắn đang lướt trên mặt biển, chạm mũi những con thuyền. Tiếng sóng biển rót vào tai hắn điệu nhạc gì nghe lạ lắm. Hắn chưa nghe biển hát bài này bao giờ. Tựa lưng vào chiếc thúng con, vùi bàn chân mình xuống lớp cát biển, hắn chợt nhớ ra rằng,hồi bé, những đêm sáng trăng không ra khơi, cha hắn, lão Hoan cũng dẫn hắn ra biển trải chiếu ngủ. Hắn nhớ lại câu nói quen thuộc mà cha hắn cứ lặp đi lặp lại: “Con phải cố gắng học thật giỏi. Sau này lớn lên con sẽ vào đại học. Cuộc đời con sẽ khác. Cuộc đời con không được giống ba. Cuộc đời ba coi như bỏ đi rồi. Ba sẽ nuôi con học hành đến nơi đến chốn, con sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư”.
Cha hắn là lão Hoan, sớm thành trẻ mồ côi. Lão Hoan chưa bao giờ thấy mặt cha. Mẹ lão kể rằng: mùa mưa năm ấy, gia đình đói kém, bà vì bận chăm con dại nên không chạy cá lên Bình Lãnh, An Quy được. Mùa biển động, đàn ông trong làng thường tranh thủ đi thuyền thúng vào những ngày trời êm. Nhưng không ai biết được may rủi thế nào. Hôm ấy, cũng như mọi hôm, ba giờ sáng bà dậy chuẩn bị cơm cho ông. Ông đoán biển hôm nay êm vì đêm qua trời đẹp. Ai ngờ gần sáng, trời nổi cơn dông. Thế là, ông không bao giờ về nữa.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, Hoan ao ước một buổi nào đó đi học về, sẽ có một nồi cá liệt nấu canh thơm ăn với cơm trắng. Là cơm trắng không hề ghé khoai vào. Chao ôi! Cảm giác đó sẽ sung sướng biết chừng nào. Lão thấy tụi bạn lão, mỗi khi cha tụi nó đi ghe về bao giờ cũng mang về một bát cá liệt. Vậy mà, đó mãi là ước ao to lớn suốt những năm tháng bé thơ của lão. Mỗi trưa đi học về, nồi cám heo, ảng nước khô đang đợi lão. Và xong hết các công việc, lão sẽ vào xúc một phần tư lon gạo với một bát khoai để nấu. Lão sẽ ăn với cá vụn hoặc với ít muối trắng rang.
Mẹ lão là một người đàn bà đẹp, nét đẹp ấy gắn với cái tai họa mãi đi theo cuộc đời bà. Người ta nói con gái có hai gò má cao là tướng sát phu. Khi cha lão mất đi, bên nội không quan tâm đến mẹ con lão nữa. Mẹ lão cứ vậy, lầm lũi làm lụng. Càng ngày, tính tình mẹ lão càng trở nên chua ngoa, đanh đá.
Lên bảy tuổi, Hoan theo người ta đi hôi cá. Hoan không biết hôi cá có được gọi là một cái nghề không. Cứ sáng ra, bà già hoặc trẻ em đợi thuyền cá vào là đến xin. Nếu không cho họ cứ nài mãi, hoặc sấn tới những chỗ người ta để cá, lấy một ít rồi đi. Người ta hoặc không thấy hoặc làm lơ bởi một ít đó cũng chẳng là gì. Lão bao giờ cũng tranh thủ buổi sáng ra biển xin một bát cá vụn rồi về ba chân bốn cẳng chạy đến lớp. Một lần, ông Năm, lão thường gọi là bác Năm, bơi thúng chở cá vào. Sau khi người ta mua hết cá, tụi con nít xúm xít lượm cá vụn trong thúng. Vì muốn dọa tụi nhỏ, ông Năm úp chiếc thúng câu. Lũ trẻ hoảng hốt chạy ra, một vài đứa bị úp lại trong đó có lão. Hôm đó, lão về nhà trên đầu bê bết cá vụn và nước biển. Về nhà, mẹ lão vừa gỡ cá, vảy cá trên đầu cho con, vừa khóc. Bà khóc cho cái phận của đứa con mồ côi cha, khóc cho cái thân phận góa bụa của bà.
Năm 1984, Hoan đỗ vào lớp mười. Trong xã, số người đỗ chỉ tính trên đầu ngón tay. Hoan không thấy vui nhiều mà chỉ thấy lo. Trước mắt lão là những ngày tháng đói kém, thiếu thốn. Lão chỉ có duy nhất bộ áo quần, lão vẫn gọi đó là bộ đồ vía. Sáng đi học cũng bộ đó, chiều đi lao động cũng bộ đó, đi đâu cũng một bộ đó. Rách thì cứ thế mạng đi mạng lại. Về đến nhà là cởi ra, mặc mỗi cái quần xà lỏn chạy nhông nhông. Mặc cả tuần không dám giặt, sợ giặt không khô thì lấy đâu mà đi học. Có lần bà ngoại lão vì thương cháu, nói với mẹ lão:
- Bay xem, nó cũng lớn rồi, cũng biết xấu hổ, bay may cho nó bộ đồ đường hoàng nó mặc cho bằng bạn bằng bè.
- Mẹ xem, mẹ đốt tui ra thử có tiền không. Làm được bữa mô lo bữa đó là tui mừng lắm rồi.
Mỗi lần cô thầy ghé thăm nhà học sinh là lão lại bảo mẹ sập tấm phên xuống để người ta có đến thì cũng nghĩ là không có nhà. Thăm gì căn nhà không bằng cái bếp nhà người ta. Có mỗi cái giường tre đã xập xệ. Căn nhà không có nổi một cái ghế con mời khách. Những lúc như thế, lão thấy mẹ cúi đầu, quay lưng giấu đi giọt nước mắt chảy vội.
Học được nửa năm lớp mười, lúc bắt đầu biết xấu hổ với bạn bè, với con gái cùng trang lứa thì lão thôi học.
Lão theo nghề cá, như tất cả những thằng trai tráng khác lớn lên ở cái đất này. Người ta có cha thì được cha chỉ dạy, cho đi theo cho quen việc. Vì lão chẳng có ai thân thích nên lần đầu tiên ra khơi, lão phải cậy nhờ mấy ông anh đi trước. Mấy ông cậy thế, suốt ngày sai vặt. Cuối cùng, lão cũng được ra khơi làm chân phụ việc. Cuộc đời lão từ đấy gắn với chiếc ghe mê, cái thúng con, mái dầm, rồi sau này là chiếc thuyền lớn lênh đênh dài ngày trên biển.
Hai mươi hai tuổi, lão lấy vợ. Vợ lão là một người đàn bà dung nhan trung bình nhưng tháo vát, lanh lợi. Thị là con út trong một gia đình khá giả. Lúc thị yêu lão đã có kẻ độc miệng bảo rằng “ưng làm chi cái thằng không có nổi cái nhà để ở”. Thị tay không xách nón theo lão. Hai vợ chồng cứ thế quần quần với biển giã quanh năm. Cuối cùng cũng con cái, nhà cửa dù không thể sánh bằng thiên hạ nhưng cũng tạm gọi là hài lòng.
Lão Hoan đã kể về cuộc đời lão, có khi giọng kể của lão nghẹn ngào không thành tiếng. Hắn sung sướng hơn cha hắn vì cuộc đời hắn có cha. Lão Hoan vẫn thường bảo với hắn như vậy. Hắn chưa bao giờ hiểu hết, thấm thía hết những câu cha hắn nói, những điều cha hắn kể. Chỉ đến bây giờ, cuộc đời đã lấy đi lão Hoan của hắn, không còn người cha đã vẽ cho hắn một cuộc đời không có tiếng sóng, hắn mới thấu hết từng câu, từng chữ. Từng đoạn đời của lão Hoan như hiển hiện trước mắt hắn.
Cuộc sống gia đình hắn vào giai đoạn sung túc nhất thì cha hắn ra đi mãi mãi. Hắn nhớ buổi sáng kinh hoàng một năm trước. Hắn đứng trước biển chờ cha. Hắn chạy dọc bờ biển gọi mãi, gọi mãi. Đáp lại hắn là tiếng khóc vật vờ của mẹ. Và tiếng gọi “ba, ba” của bé Út chưa đầy một tuổi. Một đêm sau ngày cha mất, hắn vụt trở thành người lớn. Con bé Út ngước đôi mắt tròn xoe nhìn hắn cười toe toét. Con bé Nhì vừa khóc vừa mếu “sao mi vô duyên thế, ba mất rồi mi biết không, sao mi cười tươi thế”. Một tháng trời vật vờ, mẹ đứng dậy, mắt ráo hoảnh không còn giọt nước. Kể từ đó, hắn thấy mẹ không còn thường xuyên ở nhà. Mỗi ngày mỗi chuyến cá lên Bình Lãnh, An Quy. Mẹ không còn thời gian ngơi nghỉ. Ban ngày, mẹ như cái xác khô không cảm xúc. Nhưng đêm về, hắn vẫn nghe mẹ thút thít. Bà cố nén tiếng khóc trong căn buồng tối.
Mái trường, thầy cô, bạn bè đối với hắn mãi là một miền ký ức đẹp đẽ mà cha hắn đã cho. Hắn cũng phải cho những đứa em của hắn một miền ký ức như vậy. Sau này, hắn sẽ kể cho con út nghe về cha. Hắn sẽ bắt đầu kể như thế nào đây?
Rồi đây, hắn sẽ tiếp tục cái công việc mà cha và ông hắn còn bỏ dở. Trai làng bằng tuổi hắn đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm nghề biển gần một nửa. Mẹ không muốn hắn theo cái nghề hiểm nguy này. Nhưng mẹ không hiểu hắn. Mảnh đất này, cái mảnh đất đã sinh ra hắn, đã hằn dấu chân ông và cha hắn. Nơi giấu tiếng nấc tuổi xuân của bà và mẹ hắn. Nơi, hằng đêm, hắn vẫn mơ về một bóng áo trắng xa xăm. Và bây giờ, đó là nơi con Út bi bô tập nói.
Hắn nhắm nghiền mắt lại. Hắn mơ. Trước mắt hắn là một con thuyền to vững chắc, được trang bị máy móc hiện đại, có thể phòng tránh và chống chọi với những tai ương bất ngờ trên biển. Hắn đứng trước mũi thuyền ấy, nói lớn với con hắn rằng: “Nghề của cha ông mình là đấy, con à”. Ngày mai, hắn vào nghề.
SA TRƯƠNG