Hương chuối
Cuối tuần, cán bộ huyện đua nhau hạ sơn về đoàn tụ với gia đình, còn ông Bắc lại khăn gói “đi dân” - cách nói của cánh lái buôn, khi lên làng nóc ở vùng cao này trao đổi hàng hóa. Cả trung tâm hành chính huyện vắng hoe, chỉ có mấy tên lâm tặc lảng vảng tìm đường chở gỗ lậu. Ông Bắc lên Tắk Pok để họp dân bàn chuyện thoát nghèo. Việc “đi dân” được ông hoạch định vào lịch công tác, theo đó, vào tuần cuối cùng của tháng, ông đi cơ sở gặp nhân dân để nắm tâm tư nguyện vọng của bà con. Có lúc, ông đi với chuyên viên. Có khi, ông cưỡi xe máy một mình. Hình ảnh một ông chủ tịch huyện tuổi trạc 50 đã trở nên quen thuộc với người dân Ca Dong ở vùng cao này.
Từ ngày ông được điều chuyển lên làm chủ tịch huyện, ngót nghét cũng đã gần hai năm. Siêng đi cơ sở nên các làng nóc trong huyện ông thuộc lòng như bàn tay. Ngày đầu đến đây mọi thứ rối như tơ vò. Nhất là việc làm sao để người dân thoát nghèo, lãnh đạo huyện hết sức lúng túng vì không tìm ra lối thoát. Cả ngàn tỷ đồng Nhà nước đổ cho huyện nhưng dân vẫn nghèo, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Còn cán bộ huyện lại đua nhau mua ô tô, xây nhà lầu dưới phố, thật trớ trêu vô cùng. Mỗi lần họp giao ban, cơ quan nào cũng kêu kinh phí hoạt động ít, thiếu nhân lực. Khi ông đề nghị ai có kế sách giúp dân thoát nghèo, tất cả cúi gằm mặt xuống, lặng thinh như học trò không thuộc bài. Lâu nay, huyện cứ khăng khăng bắt dân trồng quế, trồng keo. Hai loại cây này, cho không cũng chẳng ai thèm lấy, nói chi tới chuyện bán buôn, giảm nghèo. Khi về cầm trịch ở địa phương, ông Bắc nhận thấy cây chuối mốc đem lại triển vọng nhất, vì loại cây ăn quả này thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao. Mỗi lần xuống xã, ông chỉ đạo đia phương vận động người dân trồng chuối mốc. Bởi theo ông, cuộc sống bây giờ khấm khá hơn, phú quý sinh lễ nghĩa, người ta cúng quẩy nhiều hơn. Vì thế, chuối mốc luôn được giá. Ngày rằm, mùng một, ở ngoài chợ người ta bán 50.000 đồng/nải chuối.
Có lần, một chủ tịch xã nọ hỏi ông Bắc:
- Trồng chuối ra bán có được không? Hay là ế nhễ như cây keo, cây quế...”.
- Bán được hết! - Ông Bắc trả lời - Một buồng chuối ít nhất cũng bán được ba mươi nghìn đồng. Ông cứ vận động người dân trồng đi, có chi tôi chịu!
Thế là phong trào trồng chuối dậy lên khắp các làng nóc. Nhà nhà trồng chuối. Người người trồng chuối. Ông chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối mốc cấp về từng nóc để người dân áp dụng. Cũng từ đó chuối mọc khắp nơi, từ các triền đồi tới ven sông, đâu đâu cũng phủ một màu xanh tơ nõn của chuối. Những cây chuối mốc oằn mình vì phải gánh buồng tới mười, mười lăm nải, trái chuối mập mạp như cánh tay em bé. Người Ca Dong ở các làng nóc gọi ông với cái tên trìu mến: Chủ tịch Chuối!
Vụ chuối đầu tiên, lái buôn dưới xuôi ồ ạt lên mua. Ban đầu họ mua với giá 30.000 đồng/buồng, về sau thấy béo bở, họ liên kết với nhau ép giá hạ xuống còn 5.000 đồng/buồng. Người Ca Dong phẫn nộ vì giá cả quá rẻ mạt, không bù lại công trồng và chăm sóc chuối, họ thà vứt bỏ chứ không thèm bán. Huyện, xã bó tay vì không có chế tài ngăn chặn. Số phận cây chuối lại điêu đứng như cây quế, cây keo. Chuối chín vàng rực khắp các vườn. Sóc, đồi tha hồ đánh chén no nê. Nhiều hộ chặt bỏ hết chuối để trồng lồ ô lấy măng. Dân làng giận ông Bắc không biết để đâu cho hết. Câu chuyện trồng chuối sáng nào cũng nóng ran ở các quán cà phê. Đám cán bộ công chức huyện thích chơi hơn thích làm được dịp bóng gió này nọ. Họ bảo, hô hào trồng chuối để rồi... chúi nhủi! Ông Bắc lẳng lặng xuống tận chợ Tam Kỳ, Bà Bầu, Quán Gò... để tìm mối tiêu thụ chuối cho dân nhưng khổ nỗi chẳng có doanh nghiệp hay chủ hộ nào thu mua với số lượng lớn.
Nhìn những buồng chuối chín vàng đang bị chặt bỏ ngổn ngang, ông Bắc thấy lòng quặn đắng, xót xa. Chuối chín đầy rẫy, lâu ngày rục úng tỏa mùi chua khiến ông không thể đứng lâu một chỗ. Sực nhớ huyện có website, ông lấy smatphone chụp hình những buồng chuối xanh múp đăng lên mạng với hy vọng mong manh.
Phiên chất vấn kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện gay cấn cả buổi sáng. Có đại biểu đặt câu hỏi: Chủ tịch huyện hô hào người dân trồng chuối chừ bán không được, bà con cử tri bất bình, phẫn nộ. Bây giờ xử lý như thế nào về trách nhiệm của Chủ tịch huyện? Nhức đầu với chuyện xây dựng cơ bản sai quy hoạch giờ thêm câu hỏi về chuối rớt giá khiến ông Bắc cảm thấy mệt mỏi. May sao, hết giờ làm việc buổi sáng, phần trả lời chất vấn chuyển qua buổi chiều.
Ăn vội chén cơm ở khu tập thể, ông Bắc về phòng làm việc, cắm đầu biên soạn nội dung trả lời câu hỏi chất vấn dành cho ông. Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa phòng cộc cộc.
- Mời vào - Ông nói, mắt vẫn không rời khỏi tờ giấy A4 trước mặt.
- Chào anh! Xin được tự giới thiệu tôi là Nguyễn Hoàng - Giám đốc Công ty kinh doanh chuối ở thành phố X. Xem website của huyện, biết địa phương trồng nhiều chuối, tôi lặng lẽ đi khảo sát xem thực hư thế nào. Nói chung, diện tích chuối của huyện đầy tiềm năng, vì vậy, hôm nay tôi muốn gặp anh để cùng bàn thảo về kế hoạch hợp tác làm ăn giữa địa phương với doanh nghiệp...
Quá bất ngờ với những thông tin mà “vị khách không mời mà tới”, ông Bắc không giấu nỗi niềm vui vì đã tìm được đầu ra cho cây chuối. Ông mời Nguyễn Hoàng uống trà và trao đổi chuyện làm ăn. Khi hai bên đã cơ bản thống nhất những vấn đề đặt ra, ông hỏi Nguyễn Hoàng:
- Anh cần diện tích bao nhiêu để làm bãi tập trung hàng nông sản?
- Không nhiều, khoảng vài nghìn mét vuông! Trong đó, nhà kho cỡ bảy trăm mét vuông, còn lại chỗ đỗ xe bốc hàng vận chuyển về thành phố.
- Huyện thống nhất với đề nghị của công ty. Anh làm thủ tục trình lên đây tôi ký.
Khi mọi chuyện đã bàn thảo xong, ông Bắc mới sực nhớ ra cái điều mà ông luôn băn khoăn lo lăng nên hỏi Nguyễn Hoàng về phương thức hợp đồng với từng hộ dân, về giá cả thu mua mặt hàng chuối... Nguyễn Hoàng cho biết, vùng ven biển bà con ngư dân đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ, chuối là nguyên liệu chủ yếu để chế biến thức ăn nuôi tôm nước lợ. Nguyễn Hoàng cũng nói rõ việc ký hợp đồng với các hộ dân, trong đó, công ty sẽ hỗ trợ cây giống và phân bón để các hộ dân trồng theo quy trình kỹ thuật mà huyện đã hướng dẫn. “Trước mắt, trong vụ mùa này, công ty sẽ thu mua chuối loại 1 với giá 10.000 đồng/kg, loại 2 với giá 7.000 đồng/kg, loại 3 với giá 5.000 đồng/kg” - Nguyễn Hoàng nói.
Ông Bắc nhẩm tính thầm trong bụng, như vậy, một buồng mười nải, bán cho công ty ít ra cũng được cả trăm nghìn đồng. Ông hứa với Nguyễn Hoàng, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty làm ăn lâu dài với người dân địa phương. Buổi chiều, khi trả lời chất vấn của đại biểu, ông Bắc thông tin về đầu ra của cây chuối khiến mọi người không khỏi ngỡ ngàng. “Với huyện ta, cây chuối là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất. Cho nên, tôi đề nghị các xã vận động người dân không nên chặt bỏ chuối, mà cần đầu tư chăm sóc tốt hơn để bán được giá hơn” - ông nói.
Từ đó, cây chuối mốc ở huyện vùng cao dã lên ngôi trên đất gò đồi. Nhiều người nhờ chịu khó làm ăn, trồng chuối với diện tích lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Dân làng Ca Dong mang ơn ông. Họ chọn những buồng chuối to, đẹp nhất, cõng xuống tận trung tâm huyện tặng ông Chủ tịch chuối. Chưa bao giờ ông Bắc cảm thấy vui đến vậy. Cứ rảnh là ông lại “đi dân” kiểm tra tình hình trồng cây chuối. Ông về Tắk Pok - nơi người dân trồng chuối còn hạn chế, để vận động tuyên truyền. Chuyến này, ông dự tính phải vận động thế nào để người dân Tắk Pok trồng một nghìn bụi chuối để giết con ma nghèo. Hai bên đường, những buồng chuối trĩu nặng oằn cây, phía dưới gốc các mầm chồi non tơ đội đất nhô lên khiến ông mỉm cười vui sướng. Ông thầm nghĩ với đà này, người dân sẽ thoát nghèo trong nay mai thôi.
Bất chợt một làn gió nhẹ thoảng qua phảng phất hương chuối chín. Ông Bắc hít một hơi thật sâu để tận hưởng hương thơm từ cây xóa đói giảm nghèo mà ông vận động người dân không ngừng mở rộng diện tích...
NGUYỄN HOÀNG THỌ