Lão ăn xin
Này, cút ra khỏi quán tau ngay, thằng già ăn xin giả!
Lão ăn xin chưa dựng xong chiếc xe đạp cà tàng đã bị mụ chủ quán mắng té tát. Lão thoáng nhíu đôi hàng lông mày lại. Lão lấy lại ngay vẻ mặt bình thường, chậm rãi để xe và bước vào quán giải khát kiêm sửa chữa xe máy. Cái quán này lâu nay đã nổi danh về hét giá cao. Chủ quán lại là một người chua ngoa, độc mồm độc miệng. Mà những quán như thế, lão lại càng thích vào. Đời đi xin của lão đã không biết bao lần phải nghe những lời nặng nề như thế nên đã quen rồi.
Mụ chủ quán vẫn không chịu im, ré lên:
- Này, không mau cút xéo, tau lấy kìm nhổ luôn mấy cái răng còn sót lại cho coi! Già rồi, không có việc chi làm sao mà cứ đi ăn xin?
Đến nước này thì lão ăn xin không thể nhịn được nữa. Gần 70 tuổi rồi, sự nhẫn nhục đối với lão đã là hành trang không rời, nhưng đôi khi nhẫn không phải là chịu nhục. Lão bước nhanh vào quán, ghé sát tai mụ chủ, nhỏ nhẹ:
- Tui nói cho bà biết. Tui đi xin, ai thương thì cho, ai ghét thì không cho, thậm chí có thể xua đuổi, đó là chuyện thường. Nhưng vợ chồng bà, mở quán ra đây, bán đồ cắt cổ người ta, ấy mới là kẻ thất nhân thất đức. Một ly nước mía người ta bán 5.000 đồng, bà bán 10.000 đồng. Một lần thay nhớt xe máy, tiệm khác lấy 70.000 đồng, bà lại lấy đến 90.000 đồng...
Người ăn xin THANH QUẾ |
Mụ chủ quán giận tím mặt nhưng không nói lại được câu nào. Đành im lặng lui vào trong. Lão ăn xin lần lượt tới từng bàn trong quán, chìa đôi bàn tay gầy đã chai sần của mình ra, với một câu dường như lão đã thuộc lòng: “Các ông các bà thương tình, cho tui vài đồng mua gạo. Tui mới ở bệnh viện ra…”. Câu “rao hàng” chưa nói được đến lần thứ ba thì có một anh thanh niên quần áo chỉnh tề, túi áo giắt bút bi trông có vẻ trí thức bức xúc vùng đứng dậy. Anh này không thô lỗ như mụ chủ quán, nhưng bắt đầu triết lý:
- Ông ạ, không có sự giả dối nào đem lại cho chúng ta sự bình yên! Tui gặp ông nhiều lần rồi. Ông không nghèo đói chi cả, đi xin ăn bằng xe đạp điện. Con cháu đề huề, thôi về nhà đi ông ạ!
Lão ăn xin bật cười. Anh thanh niên ngạc nhiên, không hiểu tại sao lão lại cười. Thì có ai ở cái thành phố nửa quê nửa tỉnh này không biết lão. Một kẻ ăn xin đặc biệt, đi xin bằng xe đạp điện, có nụ cười rất khó tin khi tiếp cận người cần xin và chỉ có một “bài rao” duy nhất lặp đi lặp lại. Quần áo lão mặc cũng đàng hoàng, không bao giờ nhớp nhúa để gây lòng thương hại như những kẻ khác. Ừ, chàng thanh niên này muốn triết lý, lão sẽ triết lý cho mà nghe. Nghĩ là làm, lão ngồi ngay xuống bàn chàng thanh niên… Lần này, giọng lão đã lớn hơn so với khi nói với mụ chủ quán:
- Cậu thanh niên này! Tôi hỏi cậu nhé? Cậu đang xem tui là một loại tệ nạn xã hội đúng không? Vậy, cậu thấy một tên cướp của và có hung khí, cậu có dám liều mình đánh đuổi nó không? Cậu thấy một người con gái bị đám đông côn đồ hãm hại, cậu có dám lao vào cứu không? Cậu thấy một kẻ có uy quyền ức hiếp dân đen, cậu có dám lên tiếng không? Chẳng qua, tui nói cho cậu biết, cậu chỉ dám lý luận với một kẻ ăn xin như tui vì tưởng tui dễ bắt nạt nhất trong các loại tệ nạn như cậu nghĩ…
Anh chàng thanh niên đỏ mặt, lí nhí nói gì đó trong miệng không ai nghe rõ rồi đứng dậy trả tiền, phóng xe đi. Những người trong quán nước bắt đầu dè dặt hơn với lão ăn xin quái gở này. Còn lão thì không nói nhiều nữa, chào mọi người bằng một tràng cười dài hơn lúc nãy, rồi cũng từ từ đạp xe hòa vào dòng người hối hả trên đường. Những ánh mắt ái ngại, hoài nghi của khách và cả ánh mắt tức tối của mụ chủ quán vẫn dõi theo cho đến khi bóng lão lẩn khuất trong dòng người và xe…
Vòng bánh xe chậm chạp quay đưa lão ăn xin lang thang dạo quanh cái thành phố nửa quê nửa tỉnh. Lão vừa nhìn ngó khắp nơi vừa nghĩ ngợi lan man. Lão đi ăn xin đâu có tội tình chi? Lão xin đàng hoàng, ai cho thì cho, ai không cho thì thôi. Mà lão chỉ xin vài ngàn đồng mà đã có lắm kẻ lăm le dạy đời, xua đuổi. Còn biết bao kẻ khác, đi xin cao cấp, mỗi lần xin có khi được mấy trăm triệu đồng, hay cả trăm tỷ đồng, có thấy ai dám nói gì đâu? Lão cười là vì thế. Con người với nhau mà chỉ biết chà đạp, hiếp đáp kẻ yếu, kẻ cơ hàn; còn trước uy quyền, trước cái xấu thật sự thì im lặng, không dám hé một lời để giữ lấy miếng ăn và mạng sống của mình. Con mụ bán quán kia, tuổi nhỏ hơn lão cả giáp, còn cậu thanh niên ấy lại nhỏ tuổi hơn con út lão…
Đạp xe ra đến bờ sông, gần siêu thị Co.opMart, lão dừng lại, chọn cho mình một bóng mát, ngồi nhìn xuống dòng sông lững lờ trôi xuôi. Bờ bên ni ngày trước là một vùng lau lách, ruộng vườn trù phú. Vật đổi sao dời, chừ bờ sông đã thành một dãy quán nhậu để mỗi khi chiều xuống, mỗi lúc đêm về, biết bao kẻ đốt thời gian và đốt tiền vào những cuộc say túy lúy. Bọn họ là những kẻ đi xe máy xịn, xe con tiền tỷ, sẵn sàng ném bạc triệu để ăn chơi đàn đúm, lấy lòng những đứa con gái mặc quần sát háng, ăn nói õng ẹo, không thèm cho những người xin ăn như lão một đồng. Thậm chí, có hôm, lão còn bị một bợm nhậu cầm vỏ bia đập sưng cổ tay rồi thách lão kiện… Đúng là thế thái nhân tình. Lão thở dài.
Chiều buông hắt xuống dòng sông lững lờ trôi xuôi màu huyết dụ báo hiệu sự bắt đầu ngự trị của màn đêm. Đôi mắt lão ăn xin cũng thất thần, đờ đẫn nhìn sâu vào cái màn mờ ảo ấy, mong tìm một chút ánh sáng, mong tìm một chút tình người mà mấy năm nay lão cần mẫn đi tìm. Con cháu lão cũng đã trưởng thành, không đến nỗi không lo được cuộc sống cho lão. Nhưng lão muốn ra đường, muốn làm cái nghề mà nhiều người miệt thị nhất, để xem ở cõi đời trần tục này có còn ai thương người? Gần bảy mươi, lão không điên đến nỗi một ngày chịu hàng trăm lượt mắng mỏ, xua đuổi như là một sinh vật lạ… Đèn đường đã bật sáng. Quán xá đã ồn ào như thường lệ với tiếng văng tục nhiều hơn là những lời hòa nhã… Những cặp đôi lút chút loai choai thản nhiên ôm nhau uốn éo trên những chiếc xe đạp điện và xe máy lướt ào ào qua lại trên đường phố.
Lão ăn xin đạp xe về nhà, lòng bâng khuâng nghĩ về thành quả của chặng đời ăn xin của mình. Bốn chiếc xe đạp điện lần lượt được lão mua bằng tiền xin rồi cũng lần lượt bị kẻ trộm lấy đi khi lão để xe trước các quán rồi vào xin tiền khách. Giờ thì lão lại trở về với chiếc xe đạp cà tàng của ngày đầu bước vào nghiệp xin ăn. Đúng là của thiên trả địa. Cuộc đời này công bằng lắm. Lão đã tự chọn cho mình một con đường không giống ai, nhưng con đường ấy không thể vượt ra ngoài luật nhân quả… Lão cười. Và nụ cười như nghẹn lại trên môi.
NGUYỄN THÀNH GIANG