Lỡ một chuyến đò
Leo dốc gần hai giờ, Hà mới tới điểm trường Tu Ton - một nóc nhỏ của người Xê Đăng, cô lăn ra sàn nhà trưởng nóc thở hổn hển. Mới sau ba tháng hè mà điểm trường Tu Ton đã hư hỏng nặng. Cơn lốc làm mái tôn bay gần hết. May mà căn nhà nhỏ mà dân làng làm cho cô ở để dạy học chỉ bị xiêu vẹo. Hà cảm thấy oải người. Mồ hôi dán những sợi tóc lên đôi má ửng hồng vì nắng của cô. Hai lăm tuổi, chưa chồng, nhưng khuôn mặt Hà hốc hác, bơ phờ như đàn bà đã có hai mặt con. Năm ngoái cô giành giải ba cuộc thi giáo viên thanh lịch cấp huyện. Nhưng giờ đôi mắt lá răm đã thâm quầng, cổ dài ra, môi tái nhợt. Khuôn mặt trái xoan đã hóp lại giống trái đu đủ dựng ngược. Tóc tai bù xù, hai gò má cơi ra.
Hà đang lơ mơ thì bà vợ ông trưởng nóc gọi dậy ăn bắp nấu. Leo núi mệt đuối nuốt không nổi, Hà bốc vài trái đứng dậy mang xách qua trường. Trong mớ bề bộn, cô vội dọn lại giường chiếu, sửa sang bếp củi, rửa mấy cái nồi để tối còn nấu nướng.
- Chào cô giáo! Nghỉ hè vui không? - Giọng của ông trưởng nóc đột ngột từ sau lưng khiến Hà giật mình.
- Dưới quê nắng nóng lắm, không có chi vui hết, bắp (*) à ! Mà trường lớp hư hết chừ tính răng đây, bắp?
- Tối, mình sẽ qua bàn với cô giáo để vận động dân làng sửa lại trường thôi.
Ăn vội gói mì tôm, Hà lôi mùng mền trong rương ra ngả lưng. Bỗng cô khựng lại khi nhìn thấy lá thư tình và bức tranh của Sơn vẽ cô gái chèo đò trên sông. Sơn bảo: “Em là cô giáo, ngày ngày làm người lái đò đưa trẻ sang sông...”. Là người cùng làng, lớn lên bên lũy tre, bờ lúa, Sơn và Hà là đôi bạn thân thiết quấn quýt bên nhau. Cả hai cùng theo nghề sư phạm với ước mong được gieo chữ cho đời. Ngày ra trường, Hà xin lên núi dạy học mong kiếm biên chế xong rồi sẽ chuyển về quê. Với tấm bằng đại học chính quy hẳn hoi nhưng không có tiền “chạy chọt” nên Hà phải dạy tiểu học ở tận nơi xa thẳm của huyện vùng cao. Còn Sơn là một chàng trai phong độ, đẹp trai, có mái tóc dài, nói chuyện rất có duyên, vẫn ở lại quê nhà chờ đợi để được tuyển dụng dạy học tại trường trung học cơ sở.
Bốn năm lên núi dạy học, nỗi nhớ quê nhà lúc nào cũng khiến Hà trằn trọc khi màn đêm buông xuống. Rồi cô viết thư giãi bày tâm sự cùng Sơn. Thời đại ngày nay thư từ là một thứ rất quê mùa vì di động, email, facebook… đã thế chỗ. Nhưng với Sơn, dân văn, nên rất muốn soi mói chữ nghĩa viết tay người khác. Những cánh thư cứ thế chuyển xuống, gửi lên để động viên nhau, hỏi han sức khỏe, rồi cách đây hơn một năm, giữa họ tình yêu đã thế chỗ cho tình bạn.
- H. ơi! Chừ 11 giờ khuya rồi. H. ngủ chưa? S. nhớ H. lắm! Muốn gửi vào cơn gió đưa nụ hôn nồng nàn khẽ chạm vào môi H… Đọc những lời yêu thương đó, Hà cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
- Bữa mô rảnh, S. lên đây chơi cho biết. Nhớ mua dầu xứt kẻo ruồi vàng cắn thối thịt, nghe!
Cứ thế, những cánh thư với những lời yêu cứ vun đắp tình cảm cho họ. Có lúc đợi thư sốt ruột, Hà lại nhờ mấy người trong nóc nếu có xuống trung tâm xã nhớ ghé lại ủy ban hỏi giùm cô có thư hay không? Thời gian nhanh chóng trôi qua. Năm học kết thúc. Hà về quê nghỉ hè. Sơn thường chở người yêu ra phố sắm sửa, dạo chơi để bù lại những tháng ngày lẻ loi trên núi. Họ quấn quýt mãi bên nhau nên gia đình hai bên cũng sốt ruột bảo cưới. Ba mẹ anh rất thương Hà, coi cô như con trong nhà.
- Mình cưới nhau hì? Năm ni anh sẽ xin lên núi dạy với em - Sơn thủ thỉ và nhẹ nhàng hôn lên đôi má ửng hồng của cô.
- Anh xin ba má em chưa mà đòi cưới hỏi? Hà thẹn thùng nũng nịu.
Sơn chở người yêu ra phố mua nhẫn đính hôn. Ngồi phía sau xe ôm eo Sơn, Hà thấy lòng mình trào dâng hạnh phúc, bởi chỉ còn chưa tới một tuần nữa là họ tổ chức đám hỏi. Đêm đó, Hà nằm thao thức chuyện tương lai chồng con mãi nên không tài nào chợp mắt được. Bỗng có tiếng xe máy rú ga ở đầu làng như xé tan màn đêm tĩnh lặng.
- Huớ làng, trộm chó! Ví theo nó, bà con ơi!
Tiếng người la hét, tiếng chó sủa, tiếng xe máy rồ ga náo loạn. Thanh niên trong làng phóng xe máy đuổi theo cẩu tặc. Hà vẫn nằm ôm gối lắng nghe những âm thanh náo động ở bên ngoài. Lát sau, có tiếng người nói oang oang:
- Bắt được hai tên trộm. Nhưng có người bị té xe nặng lắm.
Tự nhiên Hà thấy ruột gan nóng ran một cách kỳ lạ. Cô vội mở cửa bước ra đường. Thấy cô, một thanh niên hớt hãi chạy tới nói: “Anh Sơn bị té xe dưới cầu bản, nặng lắm! Chị lên xe em chở xuống”.
- Trời đất! Ảnh bị có nặng không? Chi mà khổ kinh rứa trời!
Hà ngồi lên xe máy, người thanh niên chở cô đi. Hà thấy đầu óc u u, khắp người nổi gai ốc, tim đập thình thịch. Tuần sau tổ chức lễ ăn hỏi, chừ anh Sơn bị tai nạn... Vẳng bên tai Hà lời người thanh niên. Trong lúc rượt đuổi cẩu tặc, Sơn bị chúng ép vào thành cầu, tông vào lan can khiến chiếc Warve sụm lại, còn anh Sơn bị chấn thương sọ não, nôn mửa liên tục. Hà đến nơi thì Sơn đã mê man trong vòng tay người cha. Nước mắt ngắn dài, cô lao tới ôm Sơn, vừa khóc vừa gọi lạc giọng nhưng anh vẫn nằm bất động. Mũi, tai, mắt bắt đầu rỉ máu. Trong lúc chờ đợi xe cứu thương, Hà thấy thời gian trôi qua sao mà chậm chạp như rùa, chậm chạp như những tháng ngày cô dạy học trên núi.
- Anh ơi! Anh đừng xa em nghe! Tuần sau, mình thành vợ chồng rồi... Cô thì thầm.
Quơ vội áo quần nhét vào túi xách, Hà nhờ người thanh niên đã báo cho cô hung tin chở xuống bệnh viện huyện, khi cả làng đang vây quanh hai tên trộm chó để trút cơn giận dữ bằng những nắm đấm. Vừa tới cổng bệnh viện huyện, Hà chết điếng khi thấy băng ca đẩy Sơn nằm bất động trở lại xe cứu thương. Cha anh theo bên cạnh nức nở: “Con ơi là con! Sao con nỡ bỏ cha bỏ mẹ mà đi... Chừ ba mẹ biết sống với ai đây?”. Hà đã ngất lịm bên thi thể Sơn.
Đám tang Sơn, Hà xin ba mẹ anh cho chịu tang nhưng cả hai bên gia đình không đồng ý vì không muốn cô mang tiếng có một đời chồng. Từ ngày tiễn Sơn về cõi vĩnh hằng, Hà như người vô hồn. Ngủ thì ý ới gọi Sơn, thức dậy nước mắt cứ lăn dài trên má. Cô cứ oán trách ông trời sao nỡ cướp đi người chồng tương lai của mình. Ba tháng hè vèo trôi. Hà lại lên điểm trường Tu Ton để làm người chèo đò đưa các em nhỏ sang sông như lời Sơn nói. Trường bị lốc xoáy bay sạch mái tôn, để lại bao ngổn ngang khiến cô ngán ngẩm. Cô nằm vật ra giường. Hình ảnh Sơn lại hiện ra trước mắt.
- Cô giáo ơi! Ăn tối chưa? Mình lên bàn với cô giáo về việc sửa trường đây - Trưởng nóc vừa tới sân trường, giọng đã ồm ồm.
Hà ngồi dậy, quơ chiếc khăn lau vội nước mắt. Khi trưởng nóc đẩy cửa bước vào, cô chống tay vịn thành giường đứng dậy. Bỗng cô thấy mặt mày xây xẩm, tối sầm, người lạnh cóng, mồ hôi toát ra, cô loạng choạng. Trưởng nóc vội đỡ cô nằm xuống giường và nói: “Cô giáo về xuôi lâu quá nên quên mất khí hậu ở núi rồi. Để mình nói vợ nấu cháo thịt chuột cho cô ăn rồi khỏe ngay thôi. Chưa kịp trả lời trưởng nóc thì Hà đã nôn ọe. Mì tôm, bắp... vương vãi dưới nền đất. Trưởng nóc kéo mền đắp cho cô rồi đi đâu mất. Hà thấy trong người khó chịu, không biết ngộ độc hay sốt rét đây? Giữa trời quê hương thế này, lỡ ngã bệnh biết nhờ ai đưa xuống viện bây giờ? Hà lo lắng.
Trưởng nóc quay lại với mế (**) Nút.
- Mế xem bệnh cho cô giáo đi. Làng mình cần cô giáo để dạy chữ cho lũ trẻ. Không được để ma rừng nó dẫn cô giáo đi!
Mế Nút sờ trán, thoa bụng, rồi lấy cái kiềng bạc có nhiều hoa văn chà vào lòng bàn tay Hà. Một lát sau, mế Nút xem kiềng và kéo trưởng nóc ra ngoài nói nhỏ điều gì đó. Hà mệt lả, không biết mình có bị bệnh nặng hay không mà thấy vẻ mặt mế Nút đầy căng thẳng.
Trưởng nóc quay vào, cười trách: “Cô giáo cưới chồng mà không cho làng mình biết với. Em bé trong bụng cô giáo không thích hạt bắp nên nó đổ ra ngoài hết đó. Mế Nút sẽ nấu lá cho cô giáo uống, khỏe liền. Chừ mình về đem cháo qua cô giáo ăn nghe. Hà nghe lời trưởng nóc như sét đánh ngang tai. “Ôi! Mình có con với anh Sơn? Anh ơi! Em đã giữ được giọt máu cho anh rồi”. Cô mừng rỡ gượng cười trong nước mắt. Và cô thấy người khỏe dần. “Khuya nay mình sẽ chong đèn viết thư báo tin vui với gia đình anh Sơn. Nhất định ba mẹ anh ấy ở quê sẽ mừng vui khôn xiết”. Cô mỉm cười thầm nhủ.
..........................................
(*) Bắp: Cha.
(**) Mế: Mẹ.
NGUYỄN HOÀNG THỌ