Chim vạc bay về
(QNO) - Nắng cuối chiều vàng như mật vung vãi cả triền đổi cỏ xanh ửng lên một màu vàng pha trong vắt. Màu nắng dìu dịu trông đến mát mắt thế kia, ấy vậy mà con mắt hội họa của chị Thiêm, chả rõ cái nhãn quan nghệ thuật chị nhìn ra cách gì, lại bảo: “Nó úa vàng quá thể, dường như đấy là thứ nắng biết quang chiếu soi rọi vào tận ngõ ngách tâm hồn con người ta, gọi tên từng niềm xa vắng”.
Hình như để toa rập với cái quãng vắng mà chị Thiêm phát hiện từ màu nắng úa vàng ấy, một vài cánh vạc lẻ loi từ bụi cây lúp xúp dưới lưng đồi nghe tiếng động vụt bay lên. Đã thế, anh Tiệp đi bên chị lại ngâm nga phụ họa mấy câu thơ như đồng thanh tương ứng với vợ mình: “Đường về thu trước xa xôi lắm/ Mà nẻo đi về chỉ một tôi”. Đúng là trời đất khéo chọn lựa ghép đôi lứa “thi - họa” này thành cặp với nhau, làm như họ sinh ra trên cuộc đời này là để tự thân làm một cuộc kiểm nghiệm về siêu lý, rằng: Quả thực có một “ông tơ bà nguyệt” của định mệnh đứng ra mối duyên kết tóc se tơ cho từng đôi từng cặp, dẫu rằng kẻ ở đầu nguồn người nơi cuối bể. Hoặc giả, hiểu theo nghĩa nào đó của triết lý nhà Phật, thì đấy có khác gì là cuộc hành trình huyền nhiệm của sợi chỉ xuyên qua lỗ kim dưới đáy đại dương.
Nguyện thả mình đánh rơi nghe rõ một tiếng “phịch” êm ái trên cỏ, cái cảm giác nhẹ tênh phiêu bồng được giải phóng khỏi cái khối thịt xương cơ thể nặng chịch như một niềm hoan lạc tự do bay lên. Mặc kệ cho vợ chồng chị Thiêm, anh Tiệp lang thang xướng họa cùng nhau. Kẻ tha thẩn khắc khoải với nắng vàng kia soi rọi lục tung từng quãng vắng, người thì đồng cảm tụng ca niềm cô đơn mà nẻo đi về chỉ một tôi. Mông lung nghĩ vậy, nhưng Nguyện vẫn hướng con mắt nhìn theo, có vẻ như hai người vừa đi vừa say sưa chuyện gì đó thả mặc cho bước chân tùy hứng trên con đường mòn quanh co dẫn xuống chân đồi. Nhìn hai chiếc bóng ốm tong teo dài thòng của họ ngược nắng đổ về phía sau khẳng khiu theo từng nhịp bước chân, không dưng Nguyện lầm thầm như nói với chính mình: “Chao ôi mong manh đến thế ấy mà anh chị dám tát cả biển đông, sức mạnh tình yêu ghê gớm thật!”.
“Tát cạn biển đông” là cách mà mẹ của Nguyện lúc sinh thời thường ví von răn dạy chị em Nguyện. Tuồng như bao giờ cũng vậy, những lúc mẹ trò chuyện về tương lai, về đường đời, về “phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”, cái triết lý cuối cùng rút từ kinh nghiệm một đời lam lũ tảo tần nuôi con của mẹ là: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Không “thuận” thì không có gì hết. Cái không có lớn nhất rồi lại thường đổ lỗi lên số phận là: không có hạnh phúc. Thời bà ngoại đã dạy mẹ như thế, đến thời mẹ cũng khuyên dạy các con như thế. Cho dù cuộc sống có văn minh đến đâu, hiện đại đến chừng nào cũng không thể lấy gì thay thế được. Chừng như sinh con, lại toàn con gái, định mệnh khắc nghiệt lại gieo xuống đời mẹ nỗi đau chồng mất sớm, thế nên niềm ưu tư thường hằng như người bạn đường sóng đôi cùng mẹ qua những bước truân chuyên, có khi còn lẫn cả vào trong giấc ngủ. Mà những bài ca dao, những khúc hát ru ở đâu mà mẹ nhiều lắm thế. Từ cái thủa: Mẹ bống đi chợ đường trơn/ Bống ra gánh chạy đỡ cơn mưa rào.
Bống thời cổ tích ấy là chị Thiêm, tuổi chừng mới lên năm lên bảy, còn Nguyện thì mới lẫm chẫm chạy quanh sân nhà. Thường mỗi chiều mẹ chạy chợ về là chị Thiêm ra tận đầu ngõ đón mẹ. Lũn cũn cao mới hơn chiếc nấm mà đòi gánh đôi quang gánh giúp mẹ, những lần như thế chị Thiêm lại được mẹ bế lên hôn “chụt” vào má, rồi cứ như vậy mẹ vừa bế con vừa đi vừa hát: Cái bống là cái bống bang/ Khéo sẩy khéo sàng cho mẹ nấu cơm. Lẽ đương nhiên út Nguyện vẫn thường được chia phần. Có khi mẹ còn bế cả hai tay hai đứa quên ngày lam lũ, đi mấy vòng quanh sân hát lên như reo vui một niềm hạnh phúc. Có ai ngờ những bài hát ru mà tuổi thơ nghe chưa tròn từng lời ấy, kỳ diệu thay đã hòa lẫn vào tâm hồn con trẻ lớn lên từng ngày, đã neo đậu vào trí nhớ tơ non của chị Thiêm, của Nguyện cho đến mãi tận bây giờ mà không dâu bể thời gian nào có sức tẩy xóa hết được.
Nguyện ơi, Nguyện à.
Tiếng chị Thiêm và cả anh Tiệp dưới chân đồi gọi lên.
Ới, Nguyện xuống đây.
Trả lời rồi Nguyện đứng dậy gỡ những bông cỏ may bâu dính đầy trên quần áo, xong lững thững bước xuống đồi. Chiều xuống nhanh thật, mới đó mà chỉ còn vuông nắng mỏng mảnh trên chóp đỉnh đồi. Sắc trời đã dần chuyển qua màu lam tím. Dọc theo con suối dưới chân đồi, khói chiều lơ thơ trong những khu vườn ven suối bay la đà như khoanh lại một thế giới vừa xa vắng, vừa như tự tại bình yên, chẳng bận bịu chút gì với cái thế giới ồn ào tấp nập đang ngược xuôi trên con đường quốc lộ phía bên kia mái đồi.
***
Thiêm xắn quần lội dưới dòng suối cạn. Chim vạc bay về tức là trời đã chớm thu. Một vài cơn mưa giông sấm chớp đầy trời, hung hăng thế mà chưa đủ sức cho nước suối dâng lên. Dòng suối mát lạnh và trong vắt nhìn rõ những viên sỏi đủ màu sắc tròn trĩnh mòn nhẵn lăn trôi cùng với cát. Thiêm lội ngược dòng, bóng người và tóc bay rối tung in dưới dòng nước. Nhìn bóng mình dưới dòng suối, Thiêm lại nhớ mẹ thường ví von chị em Thiêm như những cánh vạc, lại là những cánh vạc ăn sương nữa nghe mới buồn chứ.
Sau này lớn lênThiêm mới hiểu chim vạc là loài chim chịu thương chịu khó quạnh quẽ nuôi con. Không hiểu đấy có phải là dự báo cho ngày sau hay không mà Thiêm lại lựa chọn làng SOS làm tương lai của mình. Cắm cúi nhặt những viên sỏi đẹp cho vào túi xách, trò chơi này tuổi thơ Thiêm từng mê mải mỗi khi theo mẹ xuống suối gánh nước tưới rau trên vườn đồi. Bây giờ tất cả đã ngày xưa, mẹ cũng đã phủi tay một đời gian nan theo ba về nằm yên nghỉ giữa khu vườn đồi. “Ngày xưa ơi ngày xưa!”, Thiêm gọi thì thầm như ca lên niềm hoài cảm, ngẫu nhiên mà nhịp nhàng với động tác nhặt từng viên sỏi bỏ vào cái túi xách đeo bên hông, làm như mỗi từng viên sỏi ấy cũng biết bật lên từng câu nói gọi ngày xưa quay về.
Rằm tháng Bảy - mùa Vu Lan, vợ chồng Thiêm rủ út Nguyện lên vườn đồi viếng thăm mộ ba mẹ. Lang thang gần hết buổi chiều trên đồi, đến giờ còn đủng đa đủng đỉnh lội dưới suối nhặt sỏi. Anh Tiệp ngồi trên bờ sốt ruột, còn Thiêm thì thích thú với cái trò chơi trẻ con tưởng như quên khuấy hết thời gian.
- Mặt trời lặn xuống rồi Thiêm ơi, lên vườn thắp hương mộ ba mẹ rồi về kẻo tối.
Nghe anh Tiệp giục, Thiêm vẫn chẳng ngẩng mặt lên, cứ vừa cắm cúi như giành giật với chiều muộn từng viên sỏi, vừa trả lời anh Tiệp.
- Thêm ít viên sỏi đẹp nữa anh ơi, chờ út Nguyện xuống rồi cùng đi một thể.
Út Nguyện đã xuống đứng bên bờ suối tự bao giờ mà cả hai chẳng hề hay biết. Tiệp thì chăm chú nhìn Thiêm, còn Thiêm thì con mắt sục sạo nhìn xuống dòng suối tìm những viên sỏi đẹp cứ như loài chim bói cá.
- Ối dào, chị Hai tôi đang cút bắt với ngày xưa đấy, anh Tiệp sao không lội xuống “đồng ca” với chị Thiêm đi.
Nghe tiếng Nguyện, Tiệp giật mình quay lại, rồi hỏi:
- Nguyện nằm mơ trên đồi hay làm gì mà lâu rứa?
Tại vì em cũng bắt chước anh Đường về thu trước xa xôi lắm… nên làm sao mà đi cho nhanh được.
Nghe Nguyện trêu đùa với Tiệp, Thiêm bước lên khỏi bờ suối giục giã mọi người:
- Thôi đừng thơ phú bát ngát nữa, lên vườn viếng mộ kẻo ba mẹ trông. Rằm tháng Bảy - mùa lễ Vu lan Thắng Hội, đợi trăng lên rồi chúng mình hãy về.
Nghe tiếng động ba người băng lên vườn đồi, những con chim vạc từ trong những lùm cây vỗ cánh bay lên. Nhìn những cánh chim vạc bay loanh quanh trên bầu trời khu vườn đồi ửng sắc ráng chiều lam tím, bỗng nhiên Thiêm nói giữa trời trổng không như nói với hư vô: “Nhìn chim vạc bay nhớ mẹ quá mẹ ơi! Bầu trời của tuổi thơ con cho đến bây giờ vẫn chật đầy các giống loài chim bay về trên khu vườn đồi nầy. Mùa hạ chim cu ngói, cu cườm, cu đất. Mùa thu, mùa đông chim vạc. Mùa xuân chim sáo… Nhìn các loài chim bay là con hiểu từng mùa màng đi về”.
Tiệp và Nguyện dừng chân đứng lại, cả hai ngây người nhìn Thiêm lòng tràn ngập xúc động và chừng như vô cùng kinh ngạc. Tiệp thì người ở phương xa về đây làm rể, chẳng thể thông thuộc chim chóc theo từng mùa bay về, thì chẳng nói làm gì. Nhưng còn Nguyện, vườn đồi của mẹ, Nguyện thuộc lòng đến từng cành sương cọng cỏ, mà sao nghe chị Thiêm nói về các giống loài chim, hễ mùa màng nào thì chim ấy bay về, lời ấy như ở tận đẩu tận đâu trong những giấc mơ.
- Chị à. Nguyện đi kề bên Thiêm khẽ khàng hỏi - Sao chị tài thế, nghe được cả tiếng mùa màng qua từng cánh chim bay.
- Lúc sinh thời mẹ từng bảo như thế Nguyện ạ!
Chị Thiêm còn giải thích về loài chim vạc, cứ y như đúng hẹn mùa thu cho đến mùa đông là chim vạc về xây tổ trong khu vườn đồi này. Nhất là về đêm ,tiếng kêu sương của nó ru con buồn như một loài linh điểu. Dường như chim vạc lựa chọn nơi này là chốn bình yên nhất cho chúng trú qua mùa gió mưa lạnh lẽo. Mẹ còn bảo loài chim vạc là loài nuôi con đến độ hy sinh quên mình. Cái nghĩa “Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn” mô tả sự hy sinh của người mẹ nuôi con có thể ví loài chim vạc là đúng nghĩa nhất. Có lần, sau một đêm mưa gió tơi bời, sớm mai ra vườn mẹ thấy chim vạc mẹ nằm ướt mèm chết cóng nơi miệng tổ chim trong bụi chồi xơ xác…
Câu chuyện về các giống loài chim đã dẫn đường hai chị em Thiêm, Nguyện và Tiệp đứng trước hai ngôi mộ sát bên nhau nằm giữa vuông sân trong khu vườn đồi. Thiêm mở túi xách lấy chiếc bao nhựa đựng mấy nhánh hoa hồng rút ra từng nhánh đặt dưới chân bia mộ ba mẹ. Không biết có phải vì xúc động làm bàn tay run rẩy hay vì vô ý mà túi xách chứa sỏi đổ cả ra ngoài. Thiêm đùa: “Ba mẹ quở chị cái tội lội suối nhặt sỏi quên cả thời gian thăm mộ ba mẹ đó”. Chị Thiêm nói như phân trần: “Sỏi màu sắc đẹp như thế này chị nhặt về cho bầy trẻ trong làng SOS có thêm đồ chơi đấy em ạ. Đi đâu bây giờ chị cũng nhớ bọn trẻ, những đứa trẻ mồ côi mồ cút trên đời này còn đói hơi chim vạc mẹ lắm đấy”.
Cho đến bây giờ Nguyện mới nghiệm ra, hiểu ra, vì sao cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật vào loại giỏi, chọn vào đâu không chọn, chị Thiêm nhất quyết xin bằng được vào làng SOS. Ôi chao tâm hồn đẹp đẽ bao la mênh mông của mẹ, của chị Thiêm suốt đời gần gũi Nguyện mà Nguyện nào thấy hết cho được.
Anh Tiệp loay hoay che chắn gió bật lửa que diêm thắp bó hương. Xong, anh chia đều cho từng người . Đứng trước mộ ba mẹ, cả ba quỳ xuống thì thầm lời nguyện cầu. Chẳng ai nghe rõ lời nguyện cầu của ai. Chỉ có điều rất lạ, không hiểu vì sao trên tầng không cao vời, chính vào khoảnh khắc ấy, loài chim vạc vỗ cánh bay qua bay lại đan kín dưới ánh trăng bàng bạc chiếu chênh chếch từ vầng trăng vừa nhú lên khỏi mái đồi phía bên kia dòng suối.
NGUYỄN NHÃ TIÊN