Linh cảm
Mặc cho người tài xế thắc mắc, anh vẫn làm theo ý của mình. Cho xe đỗ cách nhà một khoảng chừng trăm mét; mình anh khệ nệ với gói quà mà không cần đến sự giúp đỡ… Đừng nói chi đến người tài xế, với cách ăn mặc giản dị cùng với cách hành xử như lần này, khó có ai nghĩ anh là một doanh nhân trẻ giàu có, thành đạt. Anh đến trước cửa một ngôi nhà cũ kỹ, lọt thỏm phía sau dãy nhà mới cao tầng trông có vẻ sầm uất. Chần chừ một lúc, anh gõ nhẹ. Một người đàn ông luống tuổi bước ra. Anh kính cẩn cúi người:
- Chào thầy…
Người đàn ông được anh gọi bằng thầy hơi băn khoăn và hình như đang cố lục tìm trong ký ức một hình bóng quen thân nhưng chưa kịp…
- Thầy không thể nhớ con đâu!
- Anh là ai? À, xin lỗi… Mời anh vào nhà!
Anh theo chân người thầy già. Đặt gói quà lên bàn, giọng run run:
- Thưa thầy… con … con là… là người học trò được thầy cô cứu… giúp!
- Sao lạ thế nhỉ? Anh có nhầm không chứ… gia đình tôi chưa từng cứu giúp ai được như lời anh nói!
Người thầy già vừa nói vừa đi thẳng xuống bếp nấu nước pha trà. Anh nhìn vào trong phòng ngủ bên đường luồn đi xuống nhà bếp. Cửa vẫn mở, bên góc phòng cạnh cửa sổ, chiếc rương bằng gỗ vẫn giữ nguyên vị trí. Một kỷ niệm xốn xang bất chợt ùa về khiến anh nhắm nghiền đôi mắt rơm rớm đỏ…
Tiếng người thầy mời uống nước làm anh bàng hoàng:
- Con xin phép thầy…
Anh hớp một ngụm, hình như không phải để thưởng thức mà để lấy lại cái giọng bình tĩnh:
- Thưa thầy, con không nhầm! Thầy cô đã cứu con khi con lỡ dại… vào nhà lấy trộm…
- Ồ, người thầy thốt lên như gỡ được một nước cờ bí. Ờ…ờ… tôi nhớ rồi! Mà nè, tôi có cứu anh chi mô. Bà nhà tôi mới cứu anh đó! Để tôi kể anh nghe, tại sao tôi lại nói như thế. Chắc anh còn nhớ, tôi là người đầu tiên tri hô khi phát hiện anh lẻn vào nhà tôi. Hàng xóm chạy đến vừa lúc bà nhà tôi đi chợ về. Thấy bộ dạng chết đứng của anh bên cái rương mở nắp, nhà tôi mới thương tình bảo với hàng xóm: “Tôi nhờ thợ sửa lại cái bản lề mà quên nói với ông nhà tôi, chứ cái rương chỉ có ba cái đồ cũ, nào có của nả chi mô mà trộm. Chúng tôi thành thật xin lỗi bà con”. Hàng xóm ra về, bà nhà tôi quay sang bảo với anh: “Lần sau nhớ phải nói với chủ nhà trước, may mà tôi về kịp chứ không thì mang vạ. Anh sửa xong chưa, thôi về đi bữa khác rảnh tôi tính tiền công cho!”.
Anh nhớ lại đúng từng chi tiết theo lời kể. Lúc ấy, anh còn đứng chết trân, gói giấy đang nằm trong túi quần anh cộm lên theo nỗi hổ thẹn cứ mỗi lúc một dày thêm trên da mặt của mình. Anh không đoán được chủ nhà đã biết mình mất của hay chưa nhưng họ đã mở cho anh một con đường thoát lẽ nào từ chối!? Anh “dạ” lí nhí trong miệng rồi lẳng lặng quay ra với những bước đi nặng nề hơn đeo đá.
- Thưa thầy, lúc ấy cô có biết mình mất của không ạ?
- Lúc đầu có nghi vì chiếc nhẫn ba phân nhà tôi mới đổ về để ở góc rương…
- Thưa thầy, sao lúc đó thầy không lục túi con?
- Do bà nhà tôi cả, mất của tiếc lắm chứ! Hồi đó ba phân vàng lớn lắm chứ đâu phải chơi, đó là tiền lương tôi dành dụm cả nửa năm! Xót của đứt ruột, tôi giận bả y một tháng vì bả dám lừa cả tôi. Sau này nguôi giận, tôi mới hỏi vì sao bà không cho tôi biết ngay lúc đó để tôi lấy lại của. Nhà tôi nói rằng linh cảm của người mẹ mách bảo, hắn - bà nhà tôi gọi anh lúc đó, không phải là loại người xấu chẳng qua là có việc gì đó hóa liều. Thôi kệ, xem như mình cho con của mình! Ôi chao, cả một đời không sinh đẻ được một lần nào mà bả lại nói linh cảm của người mẹ. Hồi đó, tôi nghĩ chẳng qua nhà tôi khao khát có một đứa con nên mới nói vậy. Anh biết không, bà nhà tôi khao khát con lắm! Nỗi khao khát đó còn quý hơn bất cứ thứ gì kể cả hạnh phúc mà mình đang có. Đã biết bao lần, nhà tôi khuyên tôi cưới vợ bé nhưng tôi đâu có nghe. Mình là nhà giáo không thể sống như thế được. Hơn nữa, chuyện không con chưa chắc là do ai? Nếu cưới thêm vợ bé mà cũng vậy thì hóa ra tôi phạm một lúc hai lỗi với cả hai người đàn bà, một người đáng trân quý và một người đáng thương. Nghĩ vậy, tôi chấp nhận cảnh sống không con, bỏ qua hết mọi chuyện để gắn kết tình cảm vợ chồng bền chặt cho đến đầu bạc răng long, mặc dù lúc đó tôi không hề tin vào chuyện nào là linh cảm, nào là trái tim mách bảo như nhà tôi nói…
- Thưa thầy, trường hợp của con đúng như lời cô, con lỡ tiêu pha hết số tiền khá lớn mà mẹ con gửi xuống, ỷ lại vào kinh tế gia đình và sự nuông chiều của mẹ, con về nhà định… thì hay cha mình vừa mới phát hiện mắc bệnh nan y. Mẹ thu vén hết tiền bạc đưa cha vào Sài Gòn chạy chữa. Con hoảng quá nghĩ liều… phải nghỉ học thôi nhưng mẹ con bảo: “Nếu nghỉ học mà cha con khỏi bệnh thì nên nghỉ còn nghỉ một cách vô tích sự thì thôi. Cha mẹ đang chịu đựng một nỗi đau quá lớn rồi, đừng tạo thêm cho cha mẹ nỗi đau nào khác nữa. Cũng đâu phải dư dả gì mà một lúc gửi cho con một món tiền lớn, chẳng qua là mẹ sợ con biết chuyện rồi phân tâm không học được, nên mẹ mới trí phần mấy tháng liền tiền ăn học cho con, để con khỏi về mà thấy tình cảnh gia đình ta như hiện nay. Con đừng nghĩ quẫn, mẹ tự lo liệu được hết mà. Dù có bán nhà cửa mẹ cũng lo chạy chữa cho cha con lành bệnh”. Mẹ vừa khóc vừa nói: “Thôi, con biết như vậy là đủ rồi. Hãy quay lại trường mà học tập cho tốt thì mẹ mới an tâm mà lo cho cha con được”. Con trở lại trường mà tâm trạng rối bời. Phần thương cha, thương mẹ, phần lo lắng tiền đâu mà trả tiền ăn, tiền trọ để tiếp tục học hành. Và phút giây đánh liều với số phận lại đến, con đã vô nhà thầy… Con ghi lòng tạc dạ ơn nghĩa thầy cô và chờ đợi cho đến lúc này đây…
Anh trịnh trọng mở gói quà bày biện lên bàn, sau đó lấy từ túi áo ngực chiếc nhẫn ba phân được gói cẩn thận trong mảnh giấy báo cũ. Anh khoanh tay lễ phép:
- Thưa thầy con có ít quà mọn gửi biếu thầy cô, còn đây là chiếc nhẫn đã từng cứu vớt đời con nay con xin được gửi trả lại. Con cũng xin phép thầy cô cho con được lui tới gia đình mình thường xuyên như con cháu trong nhà!
- Thú thật với anh, tôi đã nghỉ hưu, số lương hưu cũng đủ qua ngày. Bây giờ già rồi không có nhu cầu gì nhiều, vàng bạc làm chi. Thôi anh cứ giữ lấy coi như đó là vật kỷ niệm của vợ chồng tôi tặng anh. Còn quà thì tôi nhận cho anh vui lòng nhưng chỉ lần này thôi nhé. Tôi đang cố gắng sống đạm bạc, thanh thản, gọt bỏ được chừng nào thì nhẹ lòng chừng nấy để rồi còn theo về với nhà tôi…
Giọng người thầy bỗng trở nên nghẹn ngào làm anh điếng hồn. Tiếng anh thảng thốt: “Cô mất rồi hả thầy? Tha lỗi cho con cô ơi, con vô tình quá… cô ơi!”. Người thầy không để tâm đến lời anh, lẳng lặng đi lên gác, anh cũng lẳng lặng bước theo với khuôn mặt ràn rụa.
Họ thắp nhang…
Thời gian vẫn trôi đi trong sự lặng im của nước mắt…
Anh điện thoại bảo người tài xế đánh xe tới trước cổng nhà. Hai thầy trò bước lên. Họ đi đến nghĩa trang cùng một bó hoa tươi mua ven đường. Người tài xế dìu thầy đi trước. Anh ôm bó hoa theo sau. Đặt bó hoa trên mộ. Anh quỳ xuống gục đầu vào bia mộ. Bức di ảnh của người đã khuất với nụ cười thật đôn hậu làm anh nhớ đến nụ cười của mẹ sau mỗi lần tha thứ cho anh một lỗi lầm. Có tiếng nức nở của người thầy lẫn trong tiếng gió thì thào: “Người mong đợi của bà đã đến thăm bà đây!”. Hai tiếng “mong đợi” làm anh đau lòng quá. Anh đã phụ tình của một người mẹ tuy không sinh ra anh nhưng dám hết lòng vì anh… Bất giác, anh buột miệng:
- Mẹ ơi! Con có lỗi thật nhiều với mẹ… Hãy tha thứ cho con mẹ nhé!
Tiếng khóc sụt sùi. Không ai nói thêm lời nào cả.
Hoàng hôn sắp tắt. Trên đường về, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ. Bỗng, người thầy nói một cách bâng quơ như lời tự thú với lòng: “Bây giờ thì tôi hoàn toàn tin vào sự linh cảm của bà!”. Anh ngước mặt nhìn thầy. Riêng người tài xế thì cứ băn khoăn suy nghĩ: “Không biết bà mẹ nào là mẹ ruột của giám đốc? Chắc phải tìm hiểu thì mình mới rõ ngọn ngành khúc nhôi!”
NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG