Hoàng hôn An Thuận…
Dạo rày, Thanh hay về thăm ông Mãnh. Không bà con ruột rà, cũng chẳng phải hàng xóm láng giềng, nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi là anh lại về làng An Thuận thăm ông. Thanh quen ông Mãnh vào một buổi chiều tà khi đoàn khảo sát thực tế xây dựng nông thôn mới ở xã An Tâm và dừng chân trước cánh đồng làng An Thuận. Đang mơ màng cùng cảnh quê bảng lảng sương chiều thì một cụ già xuất hiện giữa màu lúa xanh khiến anh để ý. Thanh xắn quần, lội dọc theo bờ ruộng nhắm hướng cụ già thẳng tới. Cụ ông đang mải mê nhìn lúa. Sợ phá tan bầu không khí ấy, một lúc sau Thanh mới rụt rè bắt chuyện.
- Cháu chào bác ạ!
Không ngoảnh đầu lại, cụ già cất lời:
- Ờ, chào cậu! Chớ cậu đi đâu giờ này?
Thanh hơi bất ngờ. Hóa ra ông cụ đã biết mình đến gần. Vậy mà cứ tưởng cụ mải mê ngắm nhìn đồng lúa chẳng để ý gì xung quanh.
- Dạ, cháu ở Phòng Điều phối nông thôn mới của huyện, đi khảo sát đồng làng ta bác ạ!
- Vậy à, sắp tối rồi răng chưa về. Thanh niên như cậu giờ này phải áo quần tinh tươm mà đi tán gái chứ?
Thanh cười bởi cách nói pha chút hài hước ấy.
- Dạ, cháu muốn nấn ná một tí với cánh đồng. Còn bác, sao giờ này vẫn ở đây?
- Ừ, thì tôi cũng như cậu, muốn ngắm thêm một chút đồng làng. Mai này lỡ có đi xa…
Ông cụ bỏ lửng câu nói giữa chừng. Thanh nghĩ, ai ở tuổi ấy cũng có chút lưu luyến với mảnh ruộng, làng quê, bờ tre, giếng nước...
- Hình như bác sắp đi xa phải không ạ? - Thanh chợt hỏi
- Ừ, chúng nó đã ra “nghị quyết” rồi. Mình già, khó cưỡng lại tuổi tác và quyết định của con cái.
Ra vậy. Thanh lờ mờ hiểu hoàn cảnh của ông cụ. Có lẽ ông cụ lưu luyến với ruộng lúa trước lúc phải ra đi làm cuộc sum họp cùng con cháu ở một nơi xa xôi nào đó. Bất giác, Thanh thấy lòng chùng xuống. Không biết anh đang đồng cảm với nỗi niềm của một lão nông sắp phải rời xa đồng bãi quê nhà, hay chạnh lòng trước một thực trạng đáng lo ngày càng hiện hữu ở những làng quê. Đang miên man suy nghĩ, Thanh bị kéo về thực tại bởi giọng nói trầm của lão nông:
- Thôi, tôi về. Nếu không bận, xin mời cậu ghé vào nhà tôi uống bát nước chè.
- Dạ, thế cũng được ạ!
Băng qua cánh đồng lúa, ông cụ ngoặt vào một lối nhỏ được ôm ấp bởi những rặng tre kẽo kẹt trong vi vu gió chiều.
- Quên hỏi, cậu tên gì?
- Dạ, cháu tên Thanh ạ!
- Ừ. Còn tôi tên Mãnh. Võ Mãnh.
- Tên bác nghe mạnh mẽ quá!
- Ngày xưa tôi là du kích vùng này, bọn chúng khiếp tôi lắm…
Thanh theo sau ông Mãnh về một ngôi nhà cổ, tọa lạc trong khu vườn rộng có tre xanh giăng tứ phía. Một khung cảnh quá đỗi yên bình, càng hút hồn anh bởi tiếng chim trong veo nơi rặng tre già. Ngôi nhà mái ngói ba gian, có cây khế tỏa bóng che mảnh sân gạch phía trước, tạo nên sự yên bình tĩnh lặng. Thanh mải mê nhìn ngắm và tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời trong khu vườn nhà ông Mãnh. Sợ phá tan giây phút lắng lòng của chàng trai trẻ, ông Mãnh cứ để mặc Thanh như thế, lặng lẽ vào nhà sửa soạn ấm nước rồi loay hoay tìm cây sào tre hái khế. Khi những trái khế vàng ươm rơi lộp độp xuống sân, Thanh mới chợt nhận ra cây khế già này lủng lẳng trái, vàng xanh lẫn lộn. Nhìn dáng ông Mãnh lom khom nhặt khế trong chiều hoàng hôn, Thanh nhớ cha mình quá đỗi. Nhớ dáng cha lầm lũi trên đồng, nhớ lời dặn dò trước lúc lâm chung. Rằng, con phải gìn giữ những mảnh ruộng mà đời ông, đời cha đã cày sâu, cuốc bẫm nuôi nấng cả gia đình. Vì thế, Thanh không hề do dự khi quyết định thi vào trường đại học nông lâm để nuôi ước mơ trở về trên đồng đất quê nhà. Và, lời ủy thác của cha giờ đây đã thành hiện thực khi Thanh đang từng ngày đem những kiến thức học được áp dụng vào công việc ở Phòng Điều phối nông thôn mới ngay trên quê hương Ninh Phú của anh.
Ông Mãnh đã chuẩn bị xong món khế ngọt và nước chè xanh đãi khách. Họ ngồi xuống bên thềm ngôi nhà cổ, vừa ăn khế, uống nước, vừa trò chuyện như thể là tri kỷ của nhau từ lâu rồi. Thanh biết thêm, ông Mãnh đang sống một mình, vợ ông đã mất cách đây gần ba mươi năm. Ông nhọc nhằn nuôi năm người con ăn học thành tài. Bây giờ, tất cả đều sống và làm việc ở Sài Gòn, mỗi năm về thăm quê, thăm cha nhân giỗ mẹ hay tết nhứt rồi lại ra đi. Ngày qua ngày, ông Mãnh lặng lẽ với cuộc sống tuổi già. Thấy tình cảnh cha như thế, mới đây, các con ông quyết định cùng nhau về quê và ra “nghị quyết” buộc ông phải đi. Ông Mãnh cười buồn:
- Ngày xưa mình đánh nhau với giặc, mỗi lần định làm việc gì cũng phải họp bàn và ra nghị quyết. Ra nghị quyết rồi thì yên tâm vững dạ mà làm cho kỳ được. Bây giờ, chúng nó cũng ra nghị quyết cho mình, biết là phải đó, nhưng sao lòng lại thấy không yên.
Thanh hiểu nỗi lòng ông Mãnh. Mà, không riêng gì gia đình ông, ở làng quê An Thuận này, cứ mười gia đình thì hết bảy tám hộ có hoàn cảnh na ná như thế. Thanh chợt nhớ lời tâm sự của Lê Kim Bùi - Bí thư Đảng ủy xã An Tâm, khi dạo quanh một cánh đồng mẫu lớn. Mấy năm bắt tay xây dựng nông thôn mới, địa phương đã gặt hái được ít nhiều thành tựu. Nhưng nỗi lo thì vẫn canh cánh bên lòng. An Tâm có tiếng là đất học. Nhưng học thành tài rồi, các em, các cháu lại đi tìm nơi thích hợp để làm. Có ai quay về với chốn cũ làng xưa. Thành thử, xóm làng trở nên vắng vẻ, mùa cấy hái, thu hoạch, đốt đuốc chạy khắp làng cũng không tìm thấy bóng dáng thanh niên. Cứ đà này thì chuyện xây dựng nông thôn mới ở An Tâm sẽ gặp vô vàn khó khăn vì thiếu hụt nguồn lao động trẻ.
Thanh nghĩ, mình cần an ủi ông Mãnh vài lời trước hoàn cảnh hiện tại:
- Bác ạ, phận làm con phải lo cho cha mẹ lúc xế chiều. Các anh chị nghĩ như thế cũng phải. Tuổi già như chuối chín cây, biết mô mà lần. Bác cũng nên vào với cháu con...
- Giá tôi có một đứa con như cậu thì hay biết mấy. Cũng học hành có chữ mà vẫn bám giữ ruộng đồng. Chừ tôi có nài nỉ rớt răng cũng không đứa mô chịu về quê ở.
- Các anh chị làm việc ở thành phố, sống khỏe hơn, thu nhập cũng cao hơn.
- Phải chi ở quê mình có công ăn việc làm phù hợp thì tôi lại ra “nghị quyết” để yêu cầu chúng nó về…
Thanh thấy phấn chấn bởi cách nghĩ của ông Mãnh. Quả thật rất khó “bứng” một lão nông cả đời gắn bó với mảnh ruộng cái cày… ra khỏi làng quê. Thanh nghĩ mình là người may mắn vì có điều kiện để thực hiện lời ủy thác của cha trước lúc lâm chung. Còn bao nhiêu trí thức trẻ khác của làng An Thuận, của xã An Tâm và rộng ra cả tỉnh nông nghiệp này, liệu họ có muốn quay trở lại làng quê sau khi đã học thành tài? Lão nông Võ Mãnh lại trăn trở:
- Tôi già rồi nhưng cũng hiểu, xây dựng nông thôn mới là mở ra một hướng đi lớn chứ không thể cò con như cái thời trước được. Tương lai là dồn điền đổi thửa để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn rồi còn vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Những người già như tôi thì làm nên cơm cháo gì?
- Để làm được điều đó, cần phải tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực trẻ có tri thức, có nghề nghiệp thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ thuận lợi hơn. Cũng như gia đình bác, muốn giữ được ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa... cũng cần phải có người gắn bó với quê...
Ông Mãnh thầm cảm phục chàng trai trẻ chỉ bằng tuổi đứa con gái út ông. Còn ông, liệu quanh quẩn được bao lâu với làng quê, nhà xưa vườn cũ. Đời người, ai rồi cũng đến lúc ra đi, thời gian trôi nhanh như chớp mắt, ngoảnh lại thì khế xanh kia đã úa vàng…
Thanh dựng xe ngoài đầu cổng ngôi nhà ông Mãnh rồi nhẹ nhàng thả những bước chân một vòng quanh khu vườn. Vườn cây vắng lặng khác thường. Ngôi nhà cửa đóng then cài nằm im lìm dưới vòm khế xanh. Quanh gốc cây khế già như trải một thảm vàng xác khế. Thanh thẫn thờ trước sự trống vắng đến ngỡ ngàng trong vườn nhà ông Mãnh. Vậy là ông cụ đã đi. Thanh thấy nhớ dáng ông cụ lom khom nhặt khế ngày nào. Nhớ nụ cười móm mém khi ông cụ vừa nhai khế ngọt vừa nhấm nháp ngụm chè xanh trong những chiều cùng anh trò chuyện… Chẳng có khói bếp mà mắt Thanh cay xè. Phải một lúc lâu, Thanh mới lặng lẽ nhặt cây chổi dựng bên hiên nhà, quét dọn xác khế dưới ánh hoàng hôn giăng tím trời An Thuận.
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC