Lan rừng

NGUYỄN HOÀNG THỌ 24/03/2014 15:15

Hôm qua làng Tăk Rân có lễ hội đâm trâu. Hôm nay nhà lão Thon có hôn sự. Cưới chồng cho con gái xong, lão ngồi bó gối, vẻ mặt trầm ngâm. Thổi ngọn lửa bùng cháy, lão lom khom vào góc nhà bưng ra ché rượu cần đặt cạnh bếp. “Con Liên đâu? Dọn dẹp xong chưa? Vợ chồng bây lên đây tau nói chuyện” - lão nói. “Có chuyện chi rứa pắp(1)? Sao pắp không ngủ sớm đi trời lạnh ngắt mà?” - Giọng con gái lão vọng lên từ nhà dưới. “Tau già rồi. Làm ít, ăn ít thì ngủ ít thôi! Lấy cho tau thau nước với cái chén chế rượu cần uống cho ấm bụng”. Nói xong, lão quay qua thổi sạch tro và bồ hóng dính trên miếng lá chuối đậy miệng ché rượu, lão cúi mặt sát miệng ché hít một hơi thật mạnh rồi gật đầu ra vẻ đắc ý.

Liên cùng chồng mới cưới bưng thau nước lên ngồi cạnh bếp lửa dõi theo từng cử chỉ của lão Thon. Nét mặt đôi vợ chồng trẻ tràn đầy niềm hạnh phúc khi nhìn nhau.

Vẻ mặt pắp nghiêm nghị khiến Liên cảm thấy có điều gì lạ lắm. Mọi ngày pắp thường hay nói chuyện vui vẻ  mà, hay là hôm nay mình có chồng nên pắp sợ mình ra ở riêng?  Ngồi trầm ngâm một lúc, lão Thon buông lưỡi: “Con rể này. Rượu này vợ mày làm đấy. Nó thật khéo tay. Mày là người được thần linh ban phúc nhiều nhất làng mình đó!”. Lão vừa nói vừa cầm cần hút rượu thọc thọc xuống đáy ché, nước rượu bắt đầu sôi bong bóng. “Phúc chi rứa pắp? Hôm nay bắt được vợ, con vui quá uống hết hai ché rượu cần nên chừ say quá, không chịu nổi”. “Mày uống thêm mười ché nữa cũng chưa sướng hết cái đời mày đâu!”. Lão Thon chồm miệng ngậm cần hút kéo một hơi chừng nửa lít rượu. Lão chắp miệng khen: “Rượu ngon quá!”.

- Vợ mày nó là Zoan chứ không phải người Xê Đăng mình đâu. Làng mình ngàn đời nay chỉ có mày mới cưới được vợ Zoan(2) đấy!

- Pắp nói chi con không hiểu! Vợ con lớn lên trong làng cùng con mà. Nó ăn thuốc bột, nhai trầu và nói tiếng Xê Đăng, sao lại là Zoan được?

- Ừ! Nó ăn cơm gạo đỏ, ngủ nhà sàn, mặc váy, nói tiếng Xê Đăng, mang họ Xê Đăng nhưng máu trong người nó là máu Zoan thì suốt đời nó vẫn là Zoan! Mày có thấy da nó trắng nhất trong đám con gái làng mình…

- Không thể như thế được! - Con rể quả quyết rồi ngồi gật gù trong men say.

Liên nghe như có sấm đầu núi nổ trong tai mình.

Từ nhỏ, Liên thấy mình khác lạ so với đám con gái ở làng Tăk Rân. Thân hình dỏng cao, da trắng mịn, tóc đen, khuôn mặt trái xoan, hai hàng lông mày thưa và đôi mắt không đục ngà như mắt người Xê Đăng. Thi thoảng cô nghe mọi người xì xầm rằng cô là Zoan, nhưng vẫn không tin. Nhiều lần gặng hỏi, pắp Thon vẫn không nói. Chợt nhớ, có lần đi rẫy với mế(3) Dinh trong làng, bà bảo: “Mày có cái bụng tốt như người Xê Đăng nhưng không phải là người Xê Đăng. Về hỏi pắp mày sẽ rõ!”. “Pắp ơi, sao con lại là Zoan? Mế đẻ con đang ở đâu?”. Mắt Liên loáng nước nhưng như có lửa cháy.

Lão Thon lại cầm cần hút. Nước rượu chảy qua cổ họng ừng ực nghe như ống nhựa bị e nước. Lão lại khen:  “Rượu ngon quá!”.

- Mày là con Kinh sinh ra và người Xê Đăng nuôi lớn. Pắp, mế mày là bộ đội ở ngoài Bắc vào đây chiến đấu.

- Vậy bây giờ pắp mế ruột con ở đâu?

Lão Thon chậm rãi kể. Tau nhớ hồi ấy, ở chiến khu Đỗ Xá này rất ác liệt. Tau nghe kể, pắp mế mày là sinh viên, vì yêu nước nên họ bỏ dở việc học để đi bộ đội. Vào đây, pắp mày đi tuyên truyền dân làng đứng lên đánh Mỹ, mế mày bày dân cách trồng cây lúa nước. Địch phát hiện căn cứ bí mật, đánh phá liên miên nên họ chuyển về Tăk Rân này để ở cùng người Xê Đăng. Sau đó mế mày bụng to ra và đẻ mày. Giọng lão vẫn đều đều, lộ nguyên hàm nướu trên không còn cái răng nào, hàm dưới thì mốc thếch, dính đầy thuốc bột ở kẻ răng. Khi mày được một tuổi, pắp mày mấy đêm liền thức trắng, tau biểu uống rượu cần cho hai con mắt sập lại dễ ngủ nhưng nó cứ trằn trọc mãi. Hôm sau thấy mắt mế mày chảy nước, ngồi xếp ba lô cho chồng. Pắp mày không nói gì chỉ bồng mày ôm chặt vào người, hình như mắt nó cũng chảy nước. Hắn bảo tau chăm sóc giùm mế con mày, đừng để sốt rét hành hạ, đi hết mùa rẫy nó về. Mế mày - con Phượng, đứng dậy ôm chặt pắp con mày, vuốt tóc và hôn lên mặt thằng Minh, việc này chưa có người đàn bà Xê Đăng nào làm với chồng như thế...

Lão Thon kể đến đây, đôi mắt Liên chảy dài hai dòng nước, mếu máo gọi: “Pắp mế ơi!”.

Lão Thon lại hút rượu cần. Lần này không nghe lão khen ngon nữa. Nuốt ực  ngụm rượu, giọng lão vẫn chậm rãi.

Pắp mày đi rồi, mế mày vẫn bám cái làng này để trồng lúa, tỉa ngô. Nó ít nói cười hơn trước. Khi mùa rẫy thu hoạch xong, mế mày lại buồn bã vì không thấy thằng Minh về. Tối nào nó cũng ôm mày khóc miết. Cho đến một ngày có anh bộ đội người cao gầy, đầy vết sẹo trên mặt tới tìm mế con mày. Nó vừa là đồng đội vừa là bạn tù của pắp mày ở Tây Nguyên. Nó ôm hôn mày rất lâu. Tau thấy mắt nó đỏ và chảy nước như mắt pắp mày ngày trước. Nó nói mới vượt ngục về báo tin pắp mày đã hy sinh. Khi vào Tây Nguyên được hai tháng, trong một lần đi công tác, địch phục kích bắt sống pắp mày đem về nhốt ở nhà tù Kon Tum. Chúng hành hạ, đánh đập bắt khai về cách mạng. Thằng Minh không khai, chúng đánh đập, mổ bụng, moi gan. Pắp mày đã chết một cách ngay thẳng như cây chò trong rừng. Sau khi biết chuyện, mế mày đã quỳ sập hai chân xuống sàn nhà, người run lên bần bật, đôi mắt đỏ rực như bếp lửa. Nó khóc lóc gọi chồng. Anh bộ đội cúi xuống đỡ mế mày dậy, vỗ về. Tau bảo nó ở lại uống rượu cần, ăn thịt chuột nhưng nó bảo phải xuống Nước Là có việc gấp.

Từ ngày hay tin chồng hy sinh, mế mày trở nên bơ phờ như vạt rẫy vừa bị lũ quét, tối nào cũng khóc. Một hôm nó dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, cho mày ăn uống xong rồi nhờ tau chăm sóc mày để nó đi trả thù cho chồng. Tau nói việc đó có cách mạng lo rồi nhưng mế mày không nghe. Vậy là thêm một người nữa trong cái nhà này mang gùi thẳng hướng Ngok Linh... Khi vắng mế, mày khóc đêm nhiều lắm. Chắc thiếu hơi ấm và khát sữa nữa? Mấy phụ nữ trong làng đến ru, cho mày ngậm vú mới chịu ngủ. Mế mày đi biền biệt. Sau này tau nghe bộ đội kể là nó vào Kon Tum mở quầy bán nước gần nhà tù. Nó lập mưu giết được hai thằng lính cai, sau đó bị địch phát hiện, giết chết. Lão Thon vừa dứt lời, Liên đã khóc òa, hai tay ôm mặt cúi gằm xuống sàn nhà. “Biết tin pắp mế mày chết nên dân làng đòi chôn sống mày, nếu không hồn ma của thằng Minh, con Phượng về tìm mày và gieo rắc điều xấu cho cả làng Tăk Rân. Tau đã cầm giáo đứng ra ngăn cản mọi người giết mày, tau bảo pắp mế mày chết ở xa lắm không biết đường tìm về làng mình đâu! Cả làng không chịu cho mày con đường sống nên tau phải đem tính mạng ra cam kết với già làng họ mới chịu tha.  

Lão Thon nhìn ché rượu đã vơi, múc nước đổ đầy. Rồi lão cầm cần hút thọc lên thọc xuống. Lão không hút rượu nữa! Khi pắp mế của Liên hy sinh, người thương của lão cũng bị bom Mỹ dẫn theo thần núi. Lão quyết định ở vậy nuôi Liên. “Pắp Minh, mế Phượng đặt tên mày là Lan. Không biết ngoài Bắc tên này đẹp không nhưng ở đây tau thấy nó xấu. Lan là loài hoa rừng đẹp đó nhưng sống gửi thân lên cây chò, cây huỷnh... Lỡ mấy cây này gãy thì lan cũng chết khô. Tau đã tự ý đặt lại tên mày là Liên. Liên Xô đấy!”. Lão Thon lại trầm giọng nói.

Chồng Liên ngủ nằm há mồm ra ngáy khò khè như heo con no sữa.

“Mày là người Xê Đăng nhưng lại là con Zoan là như vậy đấy! Tau không biết quê pắp mế mày ở đâu, cũng chẳng rõ cách làm chế độ con liệt sĩ cho mày. Mày đã cưới chồng, tau không cất giấu bí mật của mày làm chi!”.  Nói xong, lão Thon đứng dậy bước lại góc nhà sàn kéo tấm chiếu làm bằng lá dứa rừng ra ngả lưng. Đêm vắng. Bếp lửa sắp tàn. Càng về khuya, làng Tăk Rân càng chìm trong sương núi. Tiếng côn trùng hòa cùng tiếng con suối réo rắt ở suối sau làng, tạo nên bản hòa âm của núi rừng hoang sơ. Liên vẫn ôm khuôn mặt đẫm nước, ngồi đó. Cô không ngờ mình lại là nhánh lan rừng mà cha Minh mẹ Phượng gửi cho pắp Thon từ những năm chiến tranh xa lắc xa lơ...

NGUYỄN HOÀNG THỌ
(1) Pắp: cha
(2) Zoan: người Kinh
(3) Mế: mẹ

NGUYỄN HOÀNG THỌ