Tết muộn
Một mùa xuân lại đến. Tôi tất tả đạp xe trên đường Hùng Vương để xin việc làm. Quang cảnh phố phường vốn quen thuộc giờ trở nên xa lạ với tôi. Nhìn thiên hạ rộn ràng vui xuân khiến tôi chạnh lòng. Tôi nhớ nhà và chỉ muốn về nhà, dù đó là ngôi nhà rách nát ở một vùng quê hẻo lánh. Mấy hôm nay tôi suy nghĩ rất nhiều. “Về ư? Ra tết lấy tiền đâu đi thực tập. Ở lại ư? Tôi sẽ cô đơn và nhớ nhà. Tôi cần được ở bên gia đình vào ngày tết”. Chuyện về quê hay ở lại phố phường làm tôi khó nghĩ... Hôm qua tôi điện thoại cho ông chú hàng xóm ở bên nhà để nhờ nhắn gọi gặp má. Tôi nói:
- Tết ni con không về.
Má im lặng, thở dài.
Tôi cũng im lặng hồi lâu. Tôi rất mong má bảo về quê ăn tết nhưng má cứ im lặng mãi, rồi tắt máy.
Ra tết, tôi cần khoảng vài triệu đồng để đi thực tập. Đó là số tiền còm đối với người giàu nhưng lại rất lớn đối với gia đình tôi. Gia đình tôi là dân tộc thiểu số sống ở vùng quê hẻo lánh Bắc Trà My. Cuộc sống lam lũ, vất vả quanh năm nhưng vẫn không đủ cái ăn cái mặc. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà chật hẹp, ẩm thấp. Mỗi khi mùa mưa đến, nước mạch từ dưới đất trào ra lênh láng khắp nhà. Mẹ tôi thường xuyên ốm đau. Ba tôi bị tật, lại mất sức lao động. Còn ba đứa em nhỏ đang đi học. Biết làm sao bây giờ? Không còn cách nào khác hơn, tôi đành phải ở lại phố phường làm thêm trong dịp tết để kiếm tiền đi thực tập.
Tôi cố nuốt nước mắt khi nghe những bài hát ngày tết, về sự sum họp gia đình. Tôi buồn, rất buồn. Đạp xe loanh quanh hết phố này sang phố khác, cuối cùng tôi cũng xin được việc làm. Đó là chạy bàn cho một quán café. Công việc nhẹ nhàng nhưng lại khó khăn với một cô sinh viên quê mùa như tôi. Về phòng trọ tôi lại điện thoại cho má với hy vọng má sẽ bảo về quê. Nhưng… Tôi biết má không muốn ngày tết tôi lại xa nhà. Má cũng rất khổ tâm. Có người mẹ nào muốn con mình đón tết nơi xứ người? Mẹ rất thương tôi. Nhưng hoàn cảnh gia đình như vậy, làm sao tôi có thể về quê ăn tết, bởi tôi sắp chuẩn bị đi thực tập.
Đi làm thêm mấy bữa đầu ở quán café, tôi luôn bị la mắng vì công việc chưa thành thạo. Dần dà rồi cũng quen, tôi mặc kệ tất cả lời càm ràm của bà chủ. Tôi làm để quên đi nỗi buồn trong lòng.
Tôi làm ca sáng và tối. Đó là khoảng thời gian khiến tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Thời gian còn lại tôi gặm nhấm nỗi buồn, sự cô đơn, đặc biệt là khi đêm về khuya. Đối diện với tôi là bốn bức tường im lìm của căn phòng nhỏ hẹp mà tôi ở nhờ của một người bạn. Bên ngoài là những âm thanh sống động, những tiếng cười nói vui vẻ của mọi người đón tết. Nó đối lập hoàn toàn với sự trống vắng nơi tôi đang ở một mình.
Nhớ ngày xưa, mỗi khi tết đến, tôi chạy lăng xăng khắp nhà, phụ giúp mẹ làm nhiều việc vặt vãnh. Nào dọn dẹp, giẫy cỏ quanh nhà. Nào rửa chén, chùi nồi. Nào tắm táp, giặt quần áo cho các em… Mấy chị em chúng tôi đều hớn hở, đón chờ tết đến. Nhà nghèo, mấy chị em tôi chẳng có quần áo mới nên giặt những bộ quần xanh áo trắng lúc đi học để mặc tết. Có một lần bé Út nói với tôi:
- Áo Út hư hết rồi, Hai.
- Để khi nào có tiền Hai mua cho cái khác.
- Dạ.
Nói vậy thôi, chứ tôi cũng chẳng biết khi nào nữa! Con bé Út tuy còn nhỏ nhưng nó cũng hiểu nên không nói gì. Nhìn nó mà tôi thấy xót xa trong lòng. Nhà nghèo, không quần áo mới mặc tết nhưng mấy chị em tôi vẫn cười nói, ríu rít cả ngày. Đêm giao thừa cả nhà tôi ngồi quanh nồi bánh tét nghi ngút khói để kể chuyện. Một cái tết đơn giản nhưng thật hạnh phúc và ấm cúng. Năm nay có lẽ gia đình tôi rất buồn khi thiếu vắng tôi. Ôi… Tôi nhớ... Và rồi tôi thiếp đi trong giấc mơ được về nhà.
Ngày 28… 29… 30 tháng chạp. Đêm giao thừa. Tôi vẫn đi làm thêm ở quán café với tiền công được trả cao gấp năm lần so với bình thường. Thiên hạ vui còn tôi lại buồn. Tôi nghĩ về ba mẹ, về mấy đứa em, về ngôi nhà rách nát nơi xóm núi heo hút. Tôi bưng bê phục vụ cho khách mà đầu óc cứ nghĩ đâu đâu. Bịch. Leng keng... Leng keng...! Tôi thót tim. Ôi trời, tôi đã làm rơi những đồ dùng của khách. “Lại bị bà chủ mắng nữa đây”. Tôi thầm nghĩ. Tôi cố gắng tỉnh táo để làm việc, nhưng đầu óc không sao tập trung được. Tôi luôn nhìn đồng hồ. Để làm gì? Tôi cũng chẳng biết nữa. Để đón giao thừa ư? Chắc không phải vậy.
19h… 20h… 21h… 22h…23h… Nỗi nhớ nhà vỡ òa. Tôi chạy lên tầng trên của quán café ngồi khóc. Tôi khóc nức nở như đứa trẻ bị bỏ rơi. Và tôi cần một bàn tay ấm áp của người mẹ dỗ dành. Tôi cần ba mẹ, mấy đứa em và ngôi nhà rách nát nơi xóm núi heo hút. Ôi, tôi muốn về nhà, về ngay lúc này! Tôi nghĩ: “Nếu có ai cho tôi một điều ước thì tôi sẽ ước được về nhà”.
Một cô bạn (chắc cũng là sinh viên trường cao đẳng) mới đi làm thêm ở quán nhìn thấy tôi ngồi khóc, lại gần an ủi. Cô bạn càng an ủi, tôi càng tủi thân và khóc nấc lên. Tôi nghẹn ngào:
- Mình nhớ nhà và muốn được về nhà!
- Bạn phải cố gắng lên chứ! Làm được tới bữa nay rồi mà.
Cô bạn lau nước mắt cho tôi. “Hoàn cảnh của mình cũng như bạn. Tết năm nào mình cũng ở lại phố phường làm thêm để kiếm tiền đi học. Bởi gia đình mình ở quê nghèo lắm!”. Cô bạn động viên tôi. Tôi nói:
- Bạn xuống trước đi. Rồi mình sẽ xuống ngay.
Tôi lau những giọt nước mắt và xuống tầng dưới tiếp tục công việc của một bồi bàn. Nhìn khách vào quán vui vẻ, hạnh phúc cùng gia đình, tôi phát thèm. Tôi thèm được ngửi mùi bánh tét đêm giao thừa. Thèm được ngắm cảnh quê với con đường làng có nhiều người đi chơi tết. Tôi bưng nước uống cho mấy vị khách vừa bước vào quán café. Chợt một người hỏi tôi:
- Sao em không về ăn tết mà ở lại đây?
Tôi cười bảo: “Không về quê được thì ở lại thôi”. Dường như họ không hiểu lời tôi nói. Họ quay qua trò chuyện với nhau.
Thời gian trôi mau. Sau tết, tôi kiếm được một khoản tiền công làm thêm ngày tết nhiều hơn mong đợi. Tôi gọi điện thoại cho ông chú hàng xóm ở bên nhà để nhờ nhắn gọi gặp má. Khi nghe tôi báo tin đã kiếm được tiền đi thực tập, má tôi không giấu được niềm vui. Rồi má tôi bất ngờ chùng giọng: “Giá như nhà ta không quá nghèo thì con không phải xa gia đình trong ba ngày tết...”. Tôi an ủi má: “Ở đời, được cái này thì mất cái kia... Trước khi đi thực tập, con sẽ về quê. Lúc đó, nhà ta sẽ có một cái tết muộn nhưng mà rất vui...”.
NGUYỄN THỊ ĐƯƠNG