Lồng lộng Eo Gió
1. Người bán chiếu dựng gánh chiếu Bàn Thạch bên bờ suối, ưỡn người hít thở sâu rồi quay nhìn lại mênh mông xóm làng và đồng lúa phía đông nam, nơi ông vừa lội bộ hôm qua. Cuộc hội kiến thú vị với nhân sĩ làng Đồng Tranh đến lúc này vẫn còn làm ông sảng khoái, giờ lại thêm nỗi say gió. Gió mát từ thung lũng xa xanh thổi lên, dịu nhẹ mùi lúa trổ đòng; gió mát từ sườn núi Bàn Thùng thổi sang, ngan ngát hương rừng.
Vận nước đang dịch chuyển nhanh qua những khúc khuỷu lắt léo, thời gian đối với ông còn quý hơn vàng. Bằng mọi giá ông phải đến cho được Trung Lộc trước khi trời tối. Đèo đã bắt đầu thẫm đen, màu lá rừng, đá núi và bóng đêm nhập nhòa vào nhau rất khó phân định. Xắn cao hai ống quần bằng đũi thô, ông nhảy qua mấy bậc đá núi lớn nhỏ lô nhô, vục đôi tay vào nước suối, khoát lên rửa mặt. Nước mát thấm vào da thịt, len tận tim óc, làm nhẹ hẫng những bước chân đường xa. Âm thanh rừng núi dậy vang và hồn núi như đang cựa quậy trong ông, thầm thì trong ông những lời gọi mời tha thiết.
Cọp? Hay là cướp? Quảy gánh chiếu đổ đèo chưa được mươi thước, ông chợt dừng lại quan sát, lắng nghe. Chân tay ông sẵn sàng bung bó chiếu ra khỏi đầu đòn xóc bịt bạc. Những đường côn rẽ gió từng luyện với thầy hồi còn ở kinh đô đang chờ đợi được thử sức. Xào xạt, yên ắng, rồi lại xào xạt… Một chàng trai mặc bộ quần áo nâu bước ra khỏi lối mòn rậm rì cỏ dại:
- Xin mời đại huynh vào nghỉ chân uống nước. Sư huynh Liêu đang chờ ngài bên trong - Chàng trai vừa nói vừa tiến đến ghé vai đỡ gánh chiếu.
2. Lều vách nứa, lợp lá đùng đình nằm bên bờ một nhánh suối con. Nước líu ríu, khi ẩn mình trong kẹt đá, cỏ dại, khi dương ra dưới bóng chiều. Trên thạch bàn bày sẵn ấm chè xanh đang còn xì khói ra cái vòi gốm cong cong. Từ đây chỉ mỗi một hướng nhìn ra phía nam là có thể thấy được trời trong veo và nắng chiều vàng mượt. Ba hướng còn lại đều là đại ngàn sừng sững.
-Đệ đã đợi huynh từ quá ngọ hôm nay. Lẽ ra là sẽ đón huynh ở bên kia đèo Le nhưng vì đang lở dở mấy đường Thái Sơn quyền dạy cho học trò trên chùa Vân Du nên đệ đã ngồi nán lại. Hơn nữa, có lẽ chúng ta cũng nên nghỉ đêm tại đây một lần. Dễ gì được ngồi thù tạc với nhau trên đỉnh gió này. Biết đâu cảm hứng mây trời, sao trăng, gió núi và nhiều điều thú vị khác lại gợi được cho huynh những ý tưởng mới về đại sự sắp tới.
Sau khi húp cạn bát nước chè xanh, người bán chiếu khăn điều vắt vai im lặng dạo ra phía trước lều, đứng nhìn trời mây, núi biếc. Liêu đệ bước theo.
- Đệ, chỗ này gọi là gì? - Người bán chiếu chỉ tay về phía eo núi, nơi con đèo ép mình lọt qua giữa hai sườn núi đá thoai thoải. Ông đang liên tưởng đến ải Chi Lăng, nơi đã từng vùi thây Liễu Thăng và lớp lớp quân Minh .
- Chỗ này là Eo Gió, còn gọi là Rập Cu. Giọt mưa rơi xuống đây một nửa sẽ chảy về Trung Lộc phía tây, nửa kia chảy về Thuận An phía đông. Cha mẹ đệ kể, gió đông gió tây muốn vượt núi đều phải qua đây. Đàn cu muốn về rừng già cũng sà cánh lách qua eo núi này. Vào những hoàng hôn gió lộng người ta hay giăng lưới bắt cu nên gọi là Rập Cu.
- Đất nước mình ở đâu cũng có những Chi Lăng, Bạch Đằng. Huynh chỉ nghĩ đến mẻ lưới tóm gọn bọn lính Tây và Việt gian.
Tiếng cười của hai người dội vào hang núi, kéo dài a… a… a…
3. Đêm nhiều sao. Chùa Vân Du thực ra chỉ là một cái am nhỏ. Sân sau phẳng và rộng. Chàng trai áo nâu khi chiều đang hướng dẫn một tốp trai trẻ thực hành phân thế hai câu thảo “Thái Sơn đích thủy địa xà liên/ Bổng thượng kỳ long thối bạch viên”. Ngọn đèn bạch lạp leo lét đùa cùng gió núi. Liêu đệ giới thiệu khách với đám học trò: “Đây là sư huynh của thầy từ dưới xuôi lên. Chúng ta rồi sẽ biết nhau nhiều hơn trong những ngày sắp tới”. Tất cả vái chào theo kiểu bái tổ: “Xin chào đại huynh”. Khách chào lại bằng lời giải thích: “Vạn vật đều có hồn cả đấy. nước có hồn nước, núi có hồn núi. Hồn của thảo Thái Sơn nằm trong ý nghĩa tiến thối thức thời và hợp đạo của những đường quyền này đây. Chỉ là ngọa long thì chưa phải giống rồng thật sự. Nhưng biết bay lên lúc nào, bay lên vì vì lẽ gì, đó mới là điều quan trọng”. Nói xong, khách vun vút múa đường quyền “bổng thượng kỳ long thối bạch viên”. Đôi mắt khách sáng lạnh, sắc sảo quyện theo những đường quyền cuồn cuộn, lúc vút cao, lúc thu mình chờ đợi. Mọi người vỗ tay rần trời.
- Huynh biết không, - Liêu đệ vừa song hành cùng người bán chiếu qua sân chùa vừa nói - được tiếp xúc với người dân vùng sơn cước này đệ mới thấy cuộc sống lớn rộng hơn nhiều chứ không chật chội như hồi còn ngồi nghiền ngẫm lý thuyết sách vở với thầy. Nông dân ở đây ngày lên rừng, ra đồng, tối về luyện võ, nghe giảng binh thư say như đang xem hát tuồng. Họ chưa biết thằng Tây mắt xanh mũi lõ thế nào nhưng lòng căm thù đã ngút trời hừng hực. Đối với họ, tay cuốc cày và đao kiếm là một, đất nước và gia đình là một. Lý tưởng thật giản đơn nhưng quyết tâm bảo vệ thì vô cùng….
- Huynh biết rồi, đồng ý với đệ, tự ru mình bằng những lý thuyết sách vở thì chưa phải là kẻ sĩ, chỉ quen ngồi nghe bẩm báo thì khó mà trở thành minh quân. Đi vào lòng người như lặn bể mò kim, không sát được thực tế thì biết đâu là bể nông sâu, huống chi là biết kim ở tận đáy góc nào. Chính vì vậy mà huynh mới quyết định cải trang lặn lội thị sát khắp vùng này trước khi chọn Trung Lộc để xây dựng căn cứ.
Hai người im lặng khá lâu.
- Đó, đệ nghe không? Ngoài sân đang vun vút âm thanh múa quyền, trong chùa vẫn đều đều tiếng mõ tụng kinh, thoảng trên kia là giọng ru con ngọt ngào của người mẹ trẻ… Cuộc sống vốn sôi động đa chiều. Tập hợp những âm vang đó lại thành tiếng gọi chung mới là điều quan trọng.
4. “Ầu ơ… ngó lên Hòn Kẽm đá dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu…âu…ấu…ơi!…”. Hai người đi ngược triền núi cao, hướng về nơi có tiếng hát ru con trong như suối, mượt như lụa đang thả trôi vào đại ngàn huyền bí. Nghe hát cũng đủ hiểu tấm lòng trong sáng của sơn nữ càng lúc càng trải loãng ra cùng mênh mang trời đất. Ngọn đuốc bã mía liên tục được quơ lên, quơ xuống, qua phải, sang trái để soi cho những bước chân gập ghềnh đá sỏi.
- Đôi vợ chồng này lạ lắm huynh ạ - Liêu đệ đi trước dẫn đường nói như đang độc thoại với chính mình - bàn đến gươm giáo, đánh nhau là họ lặng lẽ tránh xa. Anh chàng tên Thận, Trần Thận, gốc người miền xuôi, binh thư thuộc làu, phi ngựa như gió, múa quyền như mây. Anh ta theo ông nội lên đây từ sau ngày Tây Sơn thất bại. Cô vợ trẻ thì không biết từ đâu bỗng đến chùa Vân Du nương thân cửa phật. Sau, hai người thương nhau, hoàn tục và sinh được một trai, một gái.
Chiếc nôi tre treo ở một góc nhà lá. Thằng bé ngủ say, căng phúng phính hai má. Góc nhà cạnh đó treo cây nguyệt cầm đã cũ. Cô gái có khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt rực sáng, chớp chớp khi ngước lên nhìn khách. Chàng trai cỡi trần, da ngăm đen, cơ bắp rắn khỏe. Ngọn bạch lạp soi rõ chồng sách vừa chữ nho vừa chữ quốc ngữ được xếp gọn gàng trên chiếc bàn tre. Khách và chủ đều ngồi vào chiếc chiếu bông trải trên nền đất. Ấm chè xanh đặt chính giữa ba người.
Chủ kể, Trần Thận không phải là tên họ đúng của tôi. Nội tôi vốn họ Nguyễn, đã từng theo Tây Sơn vào Nam ra Bắc, công trạng đầy người. Tây Sơn mất, nội mất theo, cha con tôi đổi danh tánh, cải trang làm thường dân trốn chui nhủi khắp nơi. Vậy mà cuối cùng dòng họ vẫn phải gánh chịu cảnh ngộ sinh nghề binh đao, tử nghiệp binh đao. Cha chết không phải vì lưỡi gươm của giặc ngoại xâm mà vì chính những hận thù nội chiến vẫn âm ỉ kéo dài theo năm tháng…
- Không cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào- Bằng chất giọng ấm áp, người bán chiếu tiếp lời- Cũng có nghĩa, không phải lúc nào thái độ của kẻ sĩ đối với chiến tranh cũng giống nhau. Biết xuất xử đúng lúc, hợp đạo mới là nhân cách của kẻ sĩ. Đất nước đang cần những hiền tài như tráng sĩ, vô lẽ vì “kinh cung chi điểu” mà tráng sĩ lại bỏ phí cả một đời ẩn dật?
- Tất cả cuộc chiến đều dẫn đến sự hủy hoại tinh hoa. Dòng họ nhà tôi đã có người buổi sáng đội lễ đón quân nhà Trần thì bị chém đứt một tay, buổi chiều mang vàng bạc dâng Chế Bồng Nga lại bị mất thêm một tay nữa. Không lựa chọn được lịch sử nên tôi đành phải quay về lựa chọn cho mình một con đường riêng.
- Lựa chọn cho mình chính là lựa chọn lịch sử vậy - Liêu đệ từ tốn nhấp chút chè xanh, chen vào câu chuyện….
Trắng đêm huynh đệ vẫn chưa ngã ngũ được việc gì. Chủ tiễn hai người khách ra đến Eo Gió thì trời vừa hừng sáng. Lồng lộng gió núi. Vạn vật đang bắt đầu bản hợp tấu hoành tráng. Mây trắng hối hả hành quân về nẻo xa thôn xóm.
5. Chuyện kể rằng, trận đánh Tây đầu xuân năm Bính Tuất tại eo gió, trái mù u đã làm nên kỳ tích. Trần Thận đã bày mưu và chỉ huy một trận đánh Tây kiệt xuất tại đây. Nghĩa quân chỉ có đá núi, dao gậy, kiếm cung. Và vô số trái mù u mang từ Thuận An lên, từ Trung Lộc xuống. Quân Tây súng đạn cầm tay nhưng không biết bắn ai. Địa thế hiểm trở, đại ngàn trùng điệp đã che chắn cho nghĩa quân. Chỉ nghe tiếng thét dậy núi, chỉ thấy tên bay, đá núi lăn xuống từ trên những sườn núi dựng đứng. Hàng ngàn trái mù u đổ ra đường đèo quanh co dốc sỏi. Chạy tránh tên, tránh đá thì chân giày dẫm phải trái mù u trượt ngã. Lóc ngóc ngồi dậy thì đã thấy từ trong các bụi rậm dao phay thò ra kê cổ, rựa quéo giơ cao ngoặc chân…
Sau trận đánh đó, người ta thấy Trần Thận xuống núi chỉ huy một đạo nghĩa quân thiện chiến đóng ở Gò Đồn để án ngữ mặt đường thủy sông Thu Bồn ở phía tây Tân Tỉnh. Sau khi chủ tướng mất vào năm Đinh Hợi, không ai biết Trần Thận đã đi về đâu. Câu hát dưới xuôi gửi lên theo “đường cá chuồn” lọt qua Eo Gió, tan vào mây trắng: “Ầu ơ… Đèo Le đá núi mấy hòn/ Hỏi thăm Trần Thận có còn đánh Tây?”.
Sơn thủy nào đang giúp cho tráng sĩ những lựa chọn tiếp theo?
TIÊU ĐÌNH