Gió thổi mây bay

TRƯƠNG KHÁNH CHI 12/05/2013 10:12

Chị về làm dâu xóm Mới vào một ngày mưa gió bão bùng khắp dải đất miền Trung. Mang theo cái lạnh tơi bời của Bảo Lộc, chị ngơ ngác bước chân vào nhà anh. Đối nghịch đến lỡ làng, chị như một sợi dây níu kéo ràng rịt 5 người đàn ông trong nhà lại với nhau một cách lộn xộn.

Nhà có 5 người đàn ông. Anh là con trai thứ nhì. Ông anh cả cưới vợ sau 3 năm yêu nhau và bỏ nhau chỉ 3 tuần sau khi cưới. Người vợ cũ thi thoảng vẫn ghé qua chơi. Trong ngôi nhà giữa xóm Mới ấy, anh cả là người khiến chị ý thức rõ rệt nhất mình không phải là người phụ nữ duy nhất trong ngôi nhà tưởng chừng toàn đàn ông. Anh cả - chứ không phải chồng chị - đi chợ, thấy cái buộc tóc đẹp liền mua về cho em dâu. Thấy mảnh vải hoa mà anh bảo nhìn yêu ơi là yêu, lại mang về cho em dâu may áo. Có cảm giác như chị là nơi để anh cả thử nghiệm những gì anh khao khát được mang lên người. Này là thỏi son màu cam rực rỡ đến lạc lõng ở cái xóm nhà quê này. Rồi đôi giày cao gót mà hình như chị chỉ mang một lần vào ngày cưới của cậu em út. Bộ váy hoa li ti mà mỗi khi chị bận vào, anh cả lại xuýt xoa sao mà như công chúa vậy. Lần đầu tiên nhận món quà là hộp phấn hồng anh cả mua từ chợ về cho, chị hoảng hốt, lo sợ không dám nhận. Ba chồng ái ngại: Con “đánh” đi, cho anh con vui. Chị rụt rè thoa lên mỗi khi đi đám tiệc. Anh cả cứ ngẩn ngơ, hít hà, phải chi anh mà là con gái, anh xài mấy thứ này thường xuyên cho đẹp da. Thấy chị buộc tóc bằng cọng dây chun, anh cả mang về cả chục sợi dây buộc tóc đủ màu sắc, bảo: Trời cho đàn bà quyền làm đẹp. Anh mà được như cô, anh đổi chục năm tuổi thọ cũng cam.

Người-đàn-ông-của-anh cả cũng là thành viên của gia đình, mặc nhiên trở thành con nuôi của bố chồng. Chồng chị ở vai thứ nhì bị người-đàn-ông-của-anh-cả đẩy xuống thứ 3. Anh lặng lẽ bên anh cả như một chiếc bóng. Về làm dâu hơn năm trời, duy nhất chị chỉ thấy anh ồn ào, cười to, nói lớn trong ngày cưới cậu em trai út. Hôm ấy, anh uống rượu say mềm, nhìn anh cả chạy qua chạy lại, hát hò, lăng xăng như một bà chị gái lo cho em trai chứ không phải ông anh đầu. Chồng chị kể: Anh cả và người-đàn-ông-của-anh là bạn thân, chơi với nhau từ hồi mẫu giáo. Đến giờ, họ vẫn cứ như thế, dính liền nhau, có lẽ vì thế mà chị dâu không chịu nổi nên dứt áo ra đi sau 3 tuần làm vợ. Ngày chị dâu đi, bố chồng và 2 đứa em trai kế anh buồn hiu hắt, rười rượi. Cậu út hồi ấy mới 15 tuổi, ôm chị dâu khóc tu tu như đứa trẻ mất mẹ. Anh cả và người-đàn-ông-của-anh bỏ đi đâu không ai biết. Khi họ về, người còn nồng nặc mùi rượu. Không hỏi, không thắc mắc và cũng câm lặng trước những câu hỏi vì sao chẳng ai níu giữ chị dâu lại. Rồi mọi ồn ào cũng lắng xuống. Người xóm Mới vốn vậy. Ít thắc mắc. Không để ý những lời giải thích. Họ ứng xử mọi thứ theo cách của riêng họ, điềm nhiên tiếp nhận mọi chuyện như thể vốn dĩ nó là vậy.

Khi về làm dâu nhà anh, chị chẳng có gì mang theo. Thậm chí chẳng có lễ cưới. Ngơ ngác bước chân vào ngôi nhà 5 người đàn ông mà không ai thắc mắc vì sao chị lại xuất hiện trong ngôi nhà này. Ở quê cũ, chị bị xem là tội đồ, bởi ai cũng tưởng người chị gái mới là cô dâu của xóm Mới chứ không phải chị. Thi thoảng, trong cơn buồn tê tái, chồng chị lại gầm gừ như một con sói hoang: “Tại cô. Tại cô mà giờ tôi thế này!”. Nhưng chính anh cầm tay chị dắt ra khỏi ngôi nhà hiu hắt bên chân đèo Bảo Lộc để về xóm Mới, bỏ lại sau lưng tiếng nức nở của chị gái, tiếng gào giận dữ của cha chị. Bỏ lại nơi cột nhà vết dao cha chị chém hằn lên với lời nguyền: Bọn mày bước qua xác tao thì mới về lại được nơi này. Vậy thì còn biết hỏi tại sao… Ở xóm Mới, học cách chấp nhận mọi thứ như vốn dĩ nó là vậy.

Duy nhất chỉ có cậu út là người luôn thắc mắc, luôn đặt câu hỏi và buộc chị phải thắc thỏm tìm câu trả lời. Ngày chị bước chân về ngôi nhà ở xóm Mới, chị mới 18, cậu út 16. Lần đầu gặp chị, cậu Út òa lên nức nở, bảo rằng tưởng mẹ về. Mẹ cậu đã bỏ đi từ hồi cậu mới hơn 2 tuổi, khi ba cậu đồng ý nhận người-đàn-ông-của-anh-cả làm con nuôi. Rồi từ sau đó, cậu chỉ da diết nhìn chị. Da diết dõi theo mỗi khi chị cuốc đất trước sân để trồng nhúm ớt, hành, tỏi. Đau đáu phía sau ót mỗi khi chị cặm cụi bẻ nhúm ngô vào nấu chè. Tắc lưỡi líu quíu mỗi khi thấy chị nhễ nhại mồ hôi bước vào nhà sau buổi chợ chiều. Vì thế mà chị cũng cứ da diết câu hỏi vì sao. Vì sao cậu út lại đối xử với chị như một cô em gái chứ không phải như một bà chị dâu. Vì sao cậu Út luôn xuất hiện đúng lúc, dù chỉ là đứng lặng lẽ sau lưng chị, mỗi khi chồng chị say lè nhè điệp khúc: “Tại cô. Tại cô mà đời tui héo úa như ri nè”. Những lúc ấy, chị chỉ muốn chực chờ quăng ra câu hỏi: Vậy tại ai mà chị héo hon ở ngôi nhà xóm Mới này... Nhưng lần nào, chị cũng nuốt nghẹn câu hỏi lại trong vòm họng, chỉ còn thoát ra những tiếng rên i ỉ khi biết chắc cặp mắt của cậu Út đang đau đáu dõi theo chị từ phía sau lưng. Chị quen với cách mặc nhiên chấp nhận mọi biến cố. Như chị cũng mặc nhiên chấp nhận sự thật rằng cái níu giữ chị ở lại với ngôi nhà ở xóm Mới, giữ chân chị lại với héo hon sầu muộn trong lòng một phần chính là vì ánh mắt của cậu Út.

Ba chồng chị từ lâu đã câm lặng trước mọi biến cố xảy ra trong gia đình. Chỉ một lần, ông hỏi: “Con có biết cô ca sĩ gì đó chuyển đổi giới tính không? Con tìm hiểu giùm ba cô ấy làm được như rứa mất bao nhiêu tiền”. Hỏi chỉ để là hỏi thôi. Rồi ba chồng cũng im lặng không thắc mắc gì nữa. Bao nhiêu tình thương ông đổ vào chăm chút cho anh cả và người-đàn-ông-của-anh như thể hai người ấy là những đứa con tội nghiệp nhất của ông. Ông cứ thắc thỏm mỗi khi người-đàn-ông-của-anh cả không về. Cứ bắt chị ngược xuôi tìm anh cả mỗi khi anh đi khỏi nhà vài ba ngày. Lần nào tìm được anh cả ở một quán bar nào đó bên kia phố để đưa về nhà, chị cũng rùng mình vì mùi son phấn, nước hoa tỏa ra thơm lừng từ anh cả. Những lúc ấy, chị biết, cậu Út đang đau đáu dõi theo chị từ phía sau. Còn cha chồng thì ái ngại: Tội nó quá. Phải chi hồi đó ba đừng ép nó phải thành đàn ông mạnh mẽ…

Ngày cậu Út dẫn cô bé ấy về ra mắt, chị lăng xăng, lụi cụi dưới bếp nấu đủ món để đãi mà không hay nước mắt ràn rụa trên má. Cả nhà ai cũng quen mặc nhiên chấp nhận chuyện chị khóc và tin vào lời giải thích của chị là do bụi tro bay vào cay mắt. Anh cả và người-đàn-ông-của-anh thì háo hức bàn chuyện áo váy cho cô dâu ngày cưới. Chồng chị vẫn cứ tù tì nốc rượu, vu vơ những lời vô thưởng vô phạt: Tao với chị có cưới nhau đâu vẫn sống tốt. Ba chồng thì im lặng trôi đi trong muôn vàn câu thắc mắc: Liệu anh cả và người-đàn-ông-của-anh có thể xin con nuôi? Có thể sống cùng nhau cả đời, ngay cả khi ông không còn bên cạnh để bảo vệ họ nữa không? Chỉ có cậu Út, như bao lần khác, không mặc nhiên chấp nhận mọi thứ, cứ chực chờ hỏi chị tại sao chị lại khóc. Chị bảo vì mừng, vì từ nay nhà có thêm người đàn bà ra vào với chị, vì cậu Út từ nay có người chăm sóc. Chắc chắn cậu Út không tin vào câu trả lời của chị. Ánh mắt nhìn chị từ phía sau ót của cậu nói thẳng lên điều ấy. Nó làm chị héo hon, ủ rũ, thấy xấu hổ vì bị lột trần trụi.

Rồi ngày cưới của cậu Út cũng đến. Hôm ấy, không đợi anh cả hay bố chồng nhắc, chị tự động mang bộ váy chấm hoa li ti ra bận. Xỏ chân vào đôi giày cao gót. Bôi phấn. Đánh son màu cam. Rồi tự động hỏi anh cả. Hỏi luôn người-đàn-ông-của-anh rằng xem chị vầy đã đẹp chưa. Chồng chị hơi ngạc nhiên khi thấy chị se sua trong bộ dạng ấy. Rồi lập tức cũng im lặng. Mặc nhiên chấp nhận như cái cách người xóm Mới vẫn chấp nhận mọi thứ. Không nhọc công tìm hiểu vì sao chị lại luýnh quýnh, lại lạ lùng, lại đểnh đoảng như thế. Tay lỡ đánh rơi cái ly uống trà lúc chú rể đeo nhẫn cưới cho cô dâu. Rồi lại khóc như ngày chạy theo anh ra khỏi ngôi nhà bên chân đèo Bảo Lộc khi thấy cậu Út mời rượu vợ chồng chị.

Lúc chị đang cắm mặt vào đống chén bát sau tiệc cưới ở chái bếp, cậu Út khẽ khàng nắm bàn tay bợt bạt vì ngâm nước của chị, đau đáu chờ câu trả lời: Chị khóc vì tui hả?

Duy nhất, lần ấy, chị không mặc nhiên chấp nhận mọi điều trôi qua như những lần khác. Chị thoáng thấy sau phên liếp nơi chái bếp, cái gật đầu của anh cả. Chị thấy rõ ánh mắt đồng tình, khuyến khích của người-đàn-ông-của-anh. Sau lần duy nhất ấy, ngôi nhà chỉ còn lại 4 người đàn ông và tiếng khóc ngỡ ngàng của cô dâu mới. Nếu có ai đó thắc mắc chị đi đâu với cậu Út  thì họ cũng sẽ quên, sẽ thôi không hỏi nữa mà chấp nhận mọi thứ y như nó vốn vậy. Rồi họ sẽ tắc lưỡi: Ừ, chỉ là gió thổi mây bay thôi mà…

TRƯƠNG KHÁNH CHI

TRƯƠNG KHÁNH CHI