Cầu nối sang mùa

TƯỜNG LINH 07/04/2013 08:56

Chiếc xe khách dừng xế cổng chợ thị trấn. Mưa càng nặng hạt. Khu trung tâm chợ đã vắng người. Mấy hành khách tại chặng cuối cùng này là người địa phương nên ai cũng thủ sẵn áo đi mưa, họ đã xuống xe rồi mất hút vào các đường nhỏ giáp với đường chính. Cuối tháng chín đầu tháng mười âm lịch, vùng cận nguồn này chịu mưa nhiều nhất trong năm và hễ có trận lụt nào đều là lụt lớn. Tuy đã nhiều năm mới trở về đây nhưng ông Luân không lạ gì tính “thủy văn” đặc thù ấy.

Ông Luân xách túi hành lý nhưng còn đứng tại cửa xe nhìn ra bên ngoài. Về đến đây rồi, ông không có gì phải vội cả. Từ Sài Gòn ra Đà Nẵng ông đáp máy bay nhưng từ đó lên quê ông phải ngồi xe khách. Gần ngàn cây số chỉ mất hơn một giờ nhưng nối thêm cự ly non bảy chục cây phải hơn nửa buổi.

Thời gian ngồi trên xe, ông Luân để ý các câu chuyện giữa những người đồng hành mà đa số cùng về một địa phương. Tuy đều là đồng hương nhưng chẳng ai biết ông và ông cũng vậy. Ông xa quê đến nay là đã 57 năm rồi. Thời gian ấy gần bằng tuổi trung bình của một đời người.

Ông cố nghe từng câu chuyện, không phải vì tính tò mò mà chỉ để biết qua tình hình của làng và của những người cùng làng nhưng khác thế hệ. Qua từng câu chuyện của họ, ông có thể biết họ ở những xóm nào, thôn nào, thậm chí họ là con cháu của ai. Như hai cô trẻ ngồi ghế phía sau tài xế nhất định có nhà ở ngay thị trấn vì họ say sưa nói về giá đất nền ở đó đang lên. Đất chợ ngày xưa chẳng nghe ai nói giá, thậm chí còn không biết đến đơn vị mét vuông, nhưng cũng đất ấy tại thị trấn bây giờ lại khác hẳn cả trăm lần.

Còn cái chị trung niên cứ nhìn ra ngoài trời mà xin “ổng” đừng lụt sớm khiến nước khe ngập mất cây cầu khỉ về nhà của chị. Ông Luân ngạc nhiên vì nghe nói quê ông đã xây cầu, làm đường tráng nhựa khắp nơi rồi, tại sao còn có nhà sợ lụt như vậy?

Điều thắc mắc của ông được giải toả ngay khi có ông đội mũ nỉ chê:

- Là tại ông bà không chịu bỏ cái gò Miếu ấy. Bộ chôn giấu cả tấn vàng ở đó hả? Làm đường, bắc cầu là nhắm cho cộng đồng, chí ít cũng một xóm chứ tiền của đâu đổ ra phục vụ chỉ một hộ của ông bà? Mình phải ăn theo thuở ở theo thời mới khỏi kẹt.

Ông Luân nhớ ra và biết gia đình chị này ở sát chân gò Miếu, đi về phải qua con khe có bắc cây cầu ván thấp, cơn lụt nào gia đình này cũng nội bất xuất ngoại bất nhập.

Ông Luân chỉ nghe chuyện và thầm đoán thử họ là con cháu của những vị nào ở làng xưa. Tất cả những người ông ngồi chung xe với họ đều nhỏ tuổi hơn ông. Kể cả cái ông vừa chê gia đình chị sợ lụt vừa rồi cũng chỉ cỡ sáu mươi tuổi. Ngày ông rời làng ra đi, ông đó mới chừng 3 tuổi. Họ làm sao biết ông được?

Ông Luân vẫn cố tình chưa để lộ tông tích của mình với tất cả mọi người là đồng hương với ông.

Sửa xong cái gì đó, khi thấy ông Luân còn đứng tại cửa xe, anh tài xế nghĩ rằng vị khách lớn tuổi này ngại trời mưa nên với tay lấy cây dù bật lên và nói:

- Bác còn đi đến đâu nữa? Mùa này mưa lâu dứt lắm. Cháu che dù cho bác vào nghỉ tạm trong quán cà phê kia, đợi bớt mưa hãy đi. Quán cà phê này là nhất của thị trấn đấy.

Ông Luân cảm ơn và xuống xe, cùng sánh vai đi dưới mưa tầm tã với anh tài xế tốt bụng.

Quán ngày mưa dầm, lại đang giờ làm việc nên rất vắng khách. Chị chủ quán chào, kéo ghế mời ông Luân ngồi và hỏi ông uống gì.

- Cô cho tôi cà phê đen, nóng.

Đây vẫn là cái tật của ông từ hồi còn trẻ đến bây giờ vẫn không thay đổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học văn khoa Sài Gòn, ông theo nghề báo chí. Còn trẻ và khỏe, ông thường đi đây đi đó để viết những phóng sự về các sự kiện của từng địa phương. Hễ tới một thành phố, một thị xã nào, thức uống mà anh chàng phóng viên - thi sĩ Việt Luân gọi dùng đầu tiên là cà phê đen nóng. Anh chàng vừa nhấm nháp cà phê vừa trò chuyện với chủ quán và những khách uống hiện diện. Có đồng nghiệp hỏi về cái “tật” này, ông cho biết rằng qua chất lượng ly cà phê và cung cách pha chế, phục vụ, cách nói chuyện của chủ quán và những câu trao đổi với khách uống cũng cho ông biết sơ khởi về mặt bằng văn hóa, tập tục của địa phương tuy chưa thể đầy đủ.

Chị chủ quán bưng chiếc dĩa đựng tách cà phê bốc khói. Ông thầm bằng lòng nhưng cũng hỏi thử:

- Tại sao chị không pha phin?    

- Thưa bác, mưa lạnh thế này pha phin bị mau nguội, nếu châm thêm nước sôi, chất cà phê sẽ bị loãng. Cháu phải pha trực tiếp nước thật sôi thế này. Cách pha và uống cà phê như rứa mới hợp cảnh mưa dầm gây lụt ở đây ạ!

Ông Luân cười đắc ý về sự trình bày của chị chủ quán và hai tiếng “như rứa” ông vừa nghe lại.

Chị chủ quán nhìn ông khách mấy giây rồi hỏi:

- Xin lỗi, có phải bác từ xa mới đến đây lần đầu?

Câu hỏi khiến ông Luân ngập ngừng. Suýt chút nữa thì ông đã trả lời rằng không phải ông tới đây lần đầu mà ông xa nơi đây đã 57 năm. Ông đang giấu danh tính của mình với mọi người của quê nhà, ít ra cũng hết ngày hôm nay. Ông làm như không nghe và đánh trống lãng bằng một câu hỏi:

- Chị và gia đình có làm việc gì khác ngoài việc bán cà phê không?

- Thưa, cháu là cô giáo trường Trung học cơ sở của thị trấn, năm tới cháu nghỉ hưu. Lúc rảnh việc, cháu chỉ phụ buôn bán với chị giúp việc thôi.

Ông Luân tính thầm: thế là sau 3 năm mình bỏ làng ra đi, cô giáo này mới chào đời. Ông hỏi mau:

- Trường THCS của thị trấn có phải nhìn ra gành đá bờ sông, phía sau dựa lưng dãy đồi thấp?

- Thưa đúng thế ạ! Mà sao bác biết?

Ông Luân cười nhẹ chứ không trả lời. Thời gian! Trường làng sơ cấp ngày xưa đã thành trường trung học và cậu học sinh Luân ngày ấy nay đã là… lão trượng. Thời gian có hai mặt. Mặt tích cực là với sự học hành, trải nghiệm, nghiên cứu, phát minh… nhưng nó lại nghiệt ngã với tuổi tác con người. Thế nào ông cũng dành thì giờ đến thăm trường, viếng Trung Phúc tự, miếu Tam vị và cái khu phế tích của đình làng. Cô giáo chủ quán cà phê sẽ gặp và biết ông như nhiều người khác. Ông sẽ ở lại quê nhà lâu hơn dự tính lúc đầu vì biết đâu sau lần này sẽ không còn dịp nào nữa. Người cao tuổi nào về thăm quê cũng có ý nghĩ ấy.

- Trời còn mưa, bác cứ ngồi chơi, cần gì xin cứ gọi cháu.

Câu nói của cô giáo gọi ông trở lại với thực tại.

- Xin phép bác, cháu vào trong có việc.

Cô đi vào ngồi lại chiếc bàn nhỏ đặt sau quầy không quên đặt lên bàn ông Luân bình trà và phích nước sôi. Lúc này, trước mắt ông Luân hoàn toàn là một cô giáo chứ không phải chị chủ quán cà phê. Mười ngón tay cô lượn nhanh trên phím chữ máy laptop. Máy nghe nhạc đang phát bản giao hưởng số 2 của Schumann với tiếng dương cầm tuyệt kỹ.

Ông Luân đứng lên đi lại phía cửa sổ nhìn qua bên kia con đường chính của thị trấn. Dãy nhà xây hai tấm lợp ngói đỏ giống nhau lùi vào bên trong. Con đường tráng nhựa rộng hẳn ra. Ông nhớ tên từng vị chủ nhà ngày xưa ở đây thuộc hàng chú bác của ông. Phần lớn các vị đều đã yên nghỉ. Còn chăng là một số con cháu của họ làm chủ những căn nhà hiện tại.

Ông Luân nhớ ngày xưa hai bên đoạn đường này có những cây ngô đồng, thứ cây rụng lá từ những ngày đầu mùa thu. Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu. Nghe đâu hai hàng cây “nên thơ” ấy được trồng cùng lúc khi chư vị tiền hiền của làng lập chợ. Ngô đồng đã không còn và chợ làng từ lâu đã dời để khoảnh đất ấy mang địa danh chợ cũ.

Ông Luân không khỏi se lòng về một hình ảnh tình cảm đối với ông, của chính ông. Ấy là thời gian “cậu học trò Luân” ra Huế học tiếp bậc trung học tại trường Khải Định. Cuối năm học đầu thì phụ thân Luân từ trần. Mẹ kiên quyết không cho Luân nghỉ học dù cảnh nhà đã lâm vòng khốn khó. Năm sau, vào cuối dịp về quê nghỉ hè, Luân thấy mẹ và chị hàng xóm lo xay, giã lúa, nếp nhiều hơn mọi ngày. Luân không suy nghĩ gì về sự kiện này. Buổi sáng cách một ngày trước khi trở ra Huế, Luân đi xuống thôn cuối làng để chào biệt vị thầy cũ dạy trường làng. Khi về qua khúc đường này, chợ đang đông, Luân gặp mẹ đứng dưới bóng cây ngô đồng bên gánh gạo, nếp. Thì ra mẹ đã xay, giã cật lực lúa, nếp để gánh xuống chợ bán lấy tiền cho Luân ra Huế học tiếp. Đồng tiền nơi làng quê thuần nông chỉ đánh đổi bằng cách ấy.

Ông Luân nhớ lại và ngậm ngùi. Mẹ đã không còn nữa. Nhiều người thuộc lứa tuổi mẹ ở quê nhà đã không còn nữa. Mọi thứ từ cảnh đến người đối với “trò Luân” của làng xưa và của “ông Luân” đang về tại thị trấn đã hoàn toàn đổi thay, xa lạ.

Chỉ còn một cảnh không hề thay đổi là thứ mưa dầm gây lụt, dù mưa với làng xưa hay với thị trấn bây giờ.

Ông Luân ngồi nhìn ra ngoài rất lâu. Đoạn ông quay vào hỏi cô chủ quán:

- Dường như cơn mưa cuối đông ở đây ít khi xảy ra phải không cô?

- Thưa đúng vậy ạ! Thời tiết năm nay thất thường, sắp Tết rồi mà “ổng” mưa thêm thế này làm chi chẳng biết!

Ông Luân gật đầu vì ông đã có ngay một quyết định: ông sẽ ở lại quê nhà cho đến hết mùa xuân. Năm mới chỉ còn vài tuần nữa. Không những ông sẽ lập một chiếc cầu thời gian nối giữa mùa đông mưa lạnh và mùa xuân tươi ấm mà còn nối tâm hồn của một trí thức cao tuổi với những người trẻ của quê ông. Những gì thuộc về phong tục tập quán, hương ước; những sự kiện, nhân vật, địa danh, cảnh trí…

ngày trước ở quê ông có thể nhiều bạn trẻ không biết. Ông tự trao cho mình cái trách nhiệm ấy.

Ông Luân mỉm cười, bằng lòng với quyết định vừa mới nảy sinh trong ý nghĩ của ông.

Tự rót thêm tách trà, ông lấy điện thoại di động gọi về báo cho gia đình biết. Chiếc cầu này xa hơn vì đầu cầu bên kia ở tận Sài Gòn.

TƯỜNG LINH

TƯỜNG LINH