Những gì trong vắt
Tin nhắn của Hoài: “Chủ nhật tuần sau Hoài cưới, Trúc ra dự nhé! 11h30 quán Kim Long”.
Đã năm năm chúng tôi không liên lạc với nhau kể từ ngày ra trường. Mọi thứ đã khác xưa nhiều lắm. Cả những yêu thương giận hờn cũng khác. Mà sao Hoài vẫn chưa thể gọi điện cho tôi. Mà sao tôi cũng chưa lần nào gọi hay nhắn tin cho Hoài, dù chỉ một câu hỏi thăm. Chỉ những đêm không ngủ, hay những lúc buồn thê thiết, muốn nói với ai một câu gì đó, tôi dừng ở tên Hoài trong danh bạ, thật lâu. Rồi thôi.
Vậy mà đã một thời, chúng tôi như hình với bóng. Hôm nào Hoài nghỉ học, thể nào cũng có đứa huých tay tôi hỏi: “Hoài đâu Trúc?”. Chúng tôi mặc áo giống nhau, để kiểu tóc giống nhau. Và tất nhiên, ăn những món ăn giống nhau, vào buổi sáng. Vì sáng nào Hoài cũng chở tôi đi học. Con đường Trần Phú nhiều ổ gà ổ vịt với một con dốc thật dài và những quán cơm hến vỉa hè một ngàn một tô đã đón những vòng xe Hoài ngược đường lên xóm trọ tôi ở không biết bao nhiêu lần.
Chúng tôi cười rúc rích với nhau: “Bữa sau hai đứa mình đừng lấy chồng chi hết. Cứ ở với nhau như ri thôi, hè”. Mẹ Hoài nghe, mắng bằng giọng Huế gốc, ngọt lịm: “Đừng có mà nói tầm bậy. Đàn bà con gái không lấy chồng chỉ có nước lên chùa thôi, hai o!”. Hai đứa lại ôm nhau cười. Căn gác xép nhỏ của Hoài, tôi trốn những mùa đông nhớ nhà tái tê ở đó.
Chiều chủ nhật, Hoài chở tôi đi chợ Đông Ba. Thấy Hoài xăng xái lựa áo sơ mi, tôi hỏi:
- Mua cho ai rứa?
- Cho anh Hoàng. Ê! Bà thấy màu ni được không?
Hoài đưa chiếc áo ướm lên người. Tôi gật đầu. Thế ra Hoài có anh Hoàng nào đó, sao tôi không biết. Tôi là bạn thân nhất, của Hoài cơ mà.
- À! Anh Hoàng tui quen trên diễn đàn, răng bà biết được. Không ngờ ảnh cũng học ở Huế, bên tổng hợp. Thứ ba này sinh nhật ảnh, ảnh mời tui. Bà đi với tui nghe. Mới quen mà đi một mình, tui cũng ngại ngại. Mà bà nhớ quan sát kỹ để chấm cho tui đó.
Gió từ mặt sông hay điều gì làm giọng Hoài nghe như run run. Tôi ngồi sau, những sợi tóc Hoài bay trước mặt, thơm ngát.
- Răng không nói chi hết. Kiểu ni chắc phải bắt bà hứa thôi. Đi với tôi nghe, Trúc.
Chúng tôi rất ít khi gọi nhau bằng tên, cứ bà tui, làm mấy đứa em Hoài mỗi lần thấy tôi đến nhà lại kêu với lên gác: “Chị Hoài! Bà Trúc của chị tới kìa!”. Lúc nào xưng tên với nhau tức là có chuyện quan trọng muốn nói, hoặc đang giận nhau. Thì ra, buổi sinh nhật tới của người con trai nào đó tên Hoàng quan trọng với Hoài đến thế. Tôi tém mái tóc dài thơm ngát đang bay khắp mặt mình bỏ ra phía trước vai Hoài:
- Ừ, thì hứa. Tui sẽ đi với bà, sẽ ngắm từng chân tơ kẽ tóc của anh ta để chấm cho bà, được chưa?
Xe chạy qua bưu điện thành phố, nơi có cây ngô đồng nổi tiếng. Tôi ngước mắt nhìn, ừ, đã mùa thu.
Đêm sinh nhật chỉ có ba người ở quán Đào Nguyên. Có lẽ Hoài cũng không ngờ đến điều này, nên mới rủ tôi theo. Cả tôi và Hoài đều nghĩ Hoàng sẽ mời cả những người bạn cùng lớp hay cùng phòng trọ.
Cả ba ngồi mặt hướng ra sông. Tôi khuấy ly đá me. Nơi chúng tôi ngồi có lẽ là vùng giao thoa của nhiều thứ ánh sáng. Ngọn đèn vàng cách đó năm mét. Những ngọn hoa đăng đang trôi trên mặt sông. Và cả ánh sáng phản chiếu ngọn đèn vàng hắt lên từ mặt sông lặng lờ kia nữa. Tôi thấy gương mặt Hoàng lấp lánh, mê hoặc. Đêm ấy, gió từ sông Hương bỗng nhiên thơm mùi nước hoa Pháp dịu nhẹ. Mùi nước hoa hay thứ gì khác đang xâm chiếm cả hồn tôi?
Hoài đã không nói với tôi một lời nào nữa, không một lời nào. Là Hoàng đã mở lời hay tự Hoài cảm nhận? Và Hoài đau vì tôi hay vì Hoàng? Chắc là cả hai. Hai chúng tôi, vâng, tôi và Hoài đã không còn là hình với bóng của nhau, vì một người con trai. Hoàng bảo anh với Hoài cũng chỉ là bạn, đã có gì với nhau đâu, em đừng tự dằn vặt mình nữa, chẳng ai có lỗi trong chuyện này.
Ừ thì không ai có lỗi, nhưng sao không khí lại trĩu nặng đến thế, dù Huế vẫn mùa thu, cây ngô đồng góc bưu điện thành phố, hoa vẫn tím trong nắng vàng.
Nhưng tôi và Hoàng cũng đã chẳng thể ngồi nơi giao thoa diệu kỳ của ánh sáng để thấy nhau lấp lánh mãi mãi. Vào những thời khắc khác của ngày, tôi thấy Hoàng bình thường quá đỗi. Anh, khi không được phủ lên người thứ ánh sáng mờ ảo lung linh ấy, không còn gì hấp dẫn tôi nữa. Tôi nhận ra mình không yêu Hoàng như đã tưởng. Là tôi đã nhầm anh với những mong ước do chính mình vẽ nên. Hình như anh cũng vậy. Mọi thứ cứ nhanh như một ánh chớp. Chúng tôi rời xa nhau, nhẹ nhàng, như cánh hoa ngô đồng bay giữa mùa thu Huế.
Rời Hoàng, nhưng tôi cũng không thể trở về bên Hoài được nữa. Chúng tôi là hình bóng đã tách rời nhau. Huế vào đông rồi, nhưng tôi không còn căn gác nhỏ của Hoài để trốn nỗi nhớ nhà da diết. Đành đi qua mùa đông Huế cuối cùng bằng cách nhìn bốn bức tường phòng trọ, thỉnh thoảng mở cửa sổ ngắm con đường Trần Phú đầy những ổ gà ổ vịt thôi đón những vòng xe ngược đường của Hoài, nghe buốt tận xương tủy.
Ngày rời Huế, tôi đứng lặng trước dòng Hương. Nơi này, tôi đã có một tình bạn trong veo, ngỡ không gì làm vẩn đục được. Cũng nơi này, tôi hiểu mọi thứ đều mong manh. Như làn khói la đà trên mặt sông, ngỡ có thể phủ lên tất cả nhưng chỉ thoáng chốc thôi, đã tan biến.
Tôi rời Huế, gói ghém mang về những mảnh vỡ tinh khôi…
Đã năm năm. Hoài nhắn tin cho tôi. Đã năm năm. Thời gian đủ để mọi thứ lắng lại, cho những gì trong vắt nhất, hiện ra, phải không Hoài?
Và Huế, đã thanh thản đón bước chân tôi trở lại?
Tôi bấm máy, nghe đầu bên kia giọng con gái Huế êm như ru: “Alô, Trúc hả? Hoài đây!”.
NGÔ THỊ THỤC TRANG