Hứa với biển
Chuyến xe cuối cùng trong ngày lên cái thị trấn thơm hương rừng đã rời bến trước đó hơn ba mươi phút. Hai chị em không còn cách nào khác ngoài việc vào trung tâm thành phố Tam Kỳ tìm nhà trọ. Nhận ra cơn đói sau một lúc gột rửa bụi đường, hai chị em ra phố với những bước chân tần ngần trước sự xa lạ của một nơi lần đầu mình đến. Đây là tình huống mà khoảng thời gian hơn bốn ngàn ngày làm việc trong cơ quan truyền thông của ngành y tế không giúp gì được cho Bích, ngoại trừ suy nghĩ phải ăn tối để lấy lại sức sau quãng đường gần sáu trăm cây số vừa trải qua để chuẩn bị tiếp cho chuyến đi lên miền sơn cước sáng sớm mai. Muốn một bữa tối nhẹ nhàng và đơn giản, hai chị em vào quán cháo ở góc phố thưa vắng người và xe qua lại.
Vẫn nguyên vẹn nỗi háo hức với chuyến đi, vừa ăn Phương vừa nói ra những hình dung của mình về bé Diễm, má Thảnh bây giờ và ngôi nhà của họ. Bích hiểu, sự hồn nhiên và lòng nhiệt thành tuổi hai mươi đã giúp cô gái thanh tân này trở nên thân thiết với bé Diễm trong những ngày chung phòng điều trị ở bệnh viện vào mùa hè năm ngoái cũng như thúc cô giục Bích lên đường đi thăm cô bạn nhỏ ở huyện cánh tây Quảng Nam. Trong chừng ấy nghĩ ngợi, ánh mắt của Bích nhìn tới bà cụ đang khom gập người gom mấy vỏ bắp, vỏ trứng, bao thuốc lá bỏ vào thùng rác công cộng đặt cạnh cột đèn tín hiệu giao thông. Xong phần việc ấy, bà cụ đi tới chiếc bàn nhựa bày bán trứng vịt lộn gần đó và ngồi xuống chiếc ghế nhỏ trong tư thế của người bán hàng tốt tính. Rất khoan thai, bà cụ lấy nước rửa sạch hai bàn tay của mình rồi xếp lại cái chén nhỏ, chiếc muỗng con, hộp muối tiêu thật ngay ngắn ở trên bàn. Một mối thiện cảm len đến, nhẹ như hơi gió xui khiến Bích rủ Phương qua chỗ bà cụ ăn thêm món bắp luộc đựng trong chiếc rổ to và dùng tấm ni lông trong suốt bịt kín ở phía trên.
Bích nhìn bà cụ đang lựa bắp bán cho mình bằng ánh mắt lấp lánh nỗi ngạc nhiên mỗi lúc một thêm mạnh mẽ. Rất nhanh, cô ghi nhớ vào tâm trí khuôn mặt nhỏ nhắn ẩn hiện những đường nét gợi cảm trong thời xuân sắc của bà cụ bên ánh sáng của ngọn đèn dầu thắp trên mặt bàn. Cũng trong ánh sáng của ngọn đèn dầu hạt đỗ ấy, bà cụ rửa chiếc ly, cái muỗng được người khách vừa nãy dùng khi ăn trứng vịt lộn mà mỗi cử động của hai bàn tay làm rung rung chuỗi hạt màu trắng ngà trên chiếc cổ hằn rõ những nếp nhăn tuổi tác. Bích nhận ra, màu trắng của chuỗi hạt ấy tương đồng với màu nhiều sợi tóc được bà cụ búi gọn lại sau gáy và dường như cả hai cùng làm sáng rõ cái cười móm mém rất ưa nhìn. Mãi về sau, Bích không nhớ bằng cách nào mà mình được bà cụ kể chuyện nhưng những điều bà kể đã đọng lại thật lâu trong trí nhớ của cô…
- Gia đình tui ở xã Tam Thanh, cả nhà mấy đời làm nghề biển mà cha ông truyền lại, đi đánh bắt cá tôm ở vùng biển Hoàng Sa - Giọng kể của bà cụ nằng nặng nhưng thảnh thơi khiến Bích nghĩ tới những cánh buồm thong dong trên mặt biển lúc chiều về. - Mấy năm ni, việc đi biển có khó hơn vì luồng cá xa hơn, ít hơn mà bão thì nhiều hơn. Kèm nữa là xăng dầu mắc mỏ hơn và tàu lạ, tàu to khác cũng nhiều. Tui ngày một già, không làm chi trong nghề biển được nữa nên tới đây bán vài chục trứng vịt lộn, thúng bắp hay rá đậu mỗi tối...
Bích nhận thấy trong ngữ điệu của bà cụ có âm sắc của một quá khứ mạnh mẽ nơi làng biển phóng khoáng trộn lẫn sự nhẫn nại của tuổi già chịu thương chịu khó nơi phố thị. Bất giác, Bích thấy giận những thanh niên đang nhàn tản ngồi trong quán cà phê bập bùng tiếng nhạc cạnh một trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ đóng cửa im ỉm ở góc phố đối diện. Và, hình ảnh đối lập ấy khiến Bích buột miệng:
- Bán hàng này thì hôm nào bà cũng phải thức khuya bên đường phố, các con của bà không lo lắng ư?
Bà cụ thấm nước bọt vào đầu hai ngón tay để đếm tiền lẻ thành từng chục ngàn một rồi gấp lại, cẩn thận xếp những tờ tiền có mệnh giá hai mươi ngàn đồng, năm mươi ngàn đồng vào một mảnh vải cắt từ tay áo trẻ con và cuộn lại, nhét vào túi áo bên phải. Tiếp đó, bà cụ mở ghim trên túi áo bên trái lấy ra một cuộn vải sọc nhỏ cất số tiền có mệnh giá một trăm ngàn đồng và đếm kỹ. Phương thôi viết tin nhắn trên điện thoại di động, tay chống cằm nhìn những thao tác của bà cụ một cách thích thú. Bằng sự thủng thẳng của mình, bà cụ đuổi một con muỗi bên tai trước lúc trả lời Bích:
- Lo thì ai cũng lo hết. Nhưng khoản vay ngân hàng đóng tàu đóng ghe chưa trả được mà tàu ghe đã bị bão biển đánh hư cả rồi, tui đi bán thế này kiếm tiền nuôi mình và để dành chung với cả nhà trả nợ ngân hàng...
- Thì nhà mình chuyển qua nghề khác, đừng đi biển nữa. Bà không nghĩ vậy sao?
Bà cụ đưa bàn tay áp lên miệng để ngáp. Sau bàn tay khum khum, thấp thoáng một khoảng trống nhỏ cho thấy những chiếc răng hàm trước của bà đã mất.
- Phải đi biển chứ, nghề của tổ tiên để lại mà, bỏ là mang tội - Bích có cảm giác bà cụ đang nói chuyện với con cháu trong nhà mình. - Qua vụ khó ni là nhà tui đóng hoặc sửa lại tàu để đi biển tiếp. Biển của nước mình, nghề biển của làng mình và của dân mình, làm răng bỏ được. Mà làm nghề biển vui lắm...
Bích nghe môi mình thốt lên một tiếng nói ngạc nhiên nào đó. À, lạc quan. Phương nhắc lại rằng bà cụ lạc quan vậy thật đáng phục. Và với tuổi trẻ mình đang có, Phương hỏi bà cụ về niềm vui do nghề biển mang lại.
Bà cụ đứng lên, đi đến chỗ mấy đứa trẻ đang chơi trò ở khoảng trống phía trước nhắc đừng chơi nữa để tránh dép rơi ra đường gây tai nạn và làm bụi bay vào món ăn của khách. Khi quay lại, bà cụ kịp gói năm quả trứng, túm rau răm cùng gói muối tiêu bé xíu để một người khách mang đi. Và, khi Phương nghĩ mình sẽ chẳng được nghe về niềm vui của nghề biển và toan cùng Bích đứng dậy thì bà cụ nói:
- Làng biển năm nào cũng cúng âm linh, tế cá Ông. Xuân thu nhị kỳ, dân đi biển làm lễ hội cá Ông để tạ ơn đức ngư ông phù hộ qua sóng to gió lớn, mưa bão dông tố. Cúng âm linh là cúng những người bỏ mình trên biển vì nghĩa hoặc vì tai nạn. Rồi còn lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền, hát bả trạo...
- Bà hát bả trạo hay lắm ạ?
- Tui lấy chồng là nhờ hát bả trạo. Trong lễ cúng âm linh thời trước, gần sáu mươi năm rồi, ông nhà tui hát bả trạo hay lắm, vừa cầm chắc mái chèo vừa nói lối, đáp hò, hát lý... Mà nghe hát bả trạo, ai cũng xót thương những người đã bỏ mạng ngoài biển, nhất là khi người ta hát cái câu “Những người nghĩa khí tài ba/ Gặp cơn nước loạn phải ra liều mình/ Những người tử trận đao binh/ Gian truân cát lấp gửi mình Trường Sa/ Những người thuyền bá linh đinh/ Gặp cơn sóng gió hải kình rước thây...”.
Hai chị em nín lặng trong cảm giác bà cụ là một nghệ nhân dân gian của làng biển có biệt tài dùng lời kể đưa người khác vào không khí, tinh thần và ý nghĩa của những lễ hội ở làng quê ngàn đời bên biển.
- Bà cho cháu địa chỉ của bà ở quê được không bà? - Phương linh hoạt một cách bất ngờ. - Khi có dịp, cháu rủ bạn đi thăm bà và xem lễ hội, nghe hát dân gian ở quê bà.
Ký ức sâu đậm và niềm vui thực tại làm ánh mắt của bà cụ sáng lên, và Bích quên rằng hai chị em đang cần giấc ngủ để có sức đi nốt quãng đường cần đi trong ngày mai.
- Ừa, tháng tới làng tui có lễ nghinh Ông, tức là cúng cá Ông đó. Làng tui ở xã biển Tam Thanh, từ đây về cũng gần. Tới đó, tui cũng về nhà vài bữa, đem tiền về trước để sắm chiếc ghe bầu cho con cháu trong nhà đi biển. Qua mùa mưa bão năm ni, biển hết động chắc phải gắng đóng lại tàu để đi đánh cá ngoài vùng biển Hoàng Sa.
Bích nghe từ trong chữ gắng vừa được bà cụ nói ra sự thật thà, chất phác và sự bất ngờ của chữ gắng ở bà cụ là nó đưa cô tới một nhận thức hồn hậu rằng người miền biển có đặc tính vững chí, bền gan. Như bà cụ đang là hình ảnh cho cô thấy, nghề biển lắm gian khổ và nhiều mất mát vẫn không hề khiến bà tuyệt vọng, vẫn dùng tuổi già và góc phố để níu giữ nghề biển cùng những giá trị nhân bản của nó. Dường như không gì khác, nghề biển đã cho bà niềm tin làm sức mạnh... Giọng bà chùng xuống như nói với chính mình:
- Biển ở nước mình là của mình. Nên ngư dân ở làng tui không bỏ nghề biển, vẫn đi biển...
Phương ghi rõ địa chỉ của bà cụ vào cuốn sổ tay và cả trong thẻ nhớ điện thoại di động của mình. Trong lúc ấy, Bích hiểu mình đang thầm hứa với bà cụ về cái ngày đưa Phương về làng quê biển của bà, Và ở nơi đó, hai chị em sẽ gặp những chiếc thuyền vững vàng trùng điệp trên mặt nước xanh mà chiếc thuyền nào cũng chứa đầy khoang niềm vui thiết tha của nghề…
NGUYỄN BỘI NHIÊN