Ông Chủ Yếu

18/12/2012 15:13

“Chủ yếu là làm, nói chi nhiều”.

Ông Lẫm đã lặp đi lặp lại câu nói ấy không biết bao nhiêu lần, tính đến khi ông đã vượt ngưỡng tuổi “cổ lai hy”. Và tôi, thực tình tôi cũng chẳng muốn kể câu chuyện về ông nếu như trong đơn vị không có thằng Quách, thằng Thủ…, những chuyên gia làm ít nói nhiều.

Ít ai rõ ông Lẫm từ đâu, và vì sao lại lọt về chòm xóm sơn cước đá nhiều hơn đất ấy để dựng nhà, phát cỏ làm vườn. Nhưng từ khi có ông, xóm Hố Chùa tiếng đồn nhiều ma bỗng dưng vui hẳn lên. Nước Hố trong veo, mát rượi được đưa về xóm bằng những ống tre công phu khoét rỗng nối nhau trèo đá lao dốc có gần cây số. Dường như chim chóc cũng thèm người, cũng ham vui nên từ ngày có ông Lẫm chúng rủ nhau về đây ríu ra ríu rít suốt ngày. Trẻ chăn trâu bò ở đồng trong hay đồng ngoài, hễ thấy mặt trời sắp đậu đỉnh núi Chúa là tụ cả về vườn ông Lẫm trước khi tản mát vào hoàng hôn. Là để xin ông trái xoài, trái ổi, củ khoai, con dế, cái cần câu… ngất ngưởng mang theo về trên lưng bò. “Tui ăn uống có được bao nhiêu. Chủ yếu trồng ra cho mấy đứa nhỏ…”. Ông Lẫm cứ miệng cười cười, tay hái trái cây đưa cho đứa này đứa kia đã thành quen, nên có ai đó vui miệng “hoan hô ông Chủ Yếu” cũng là lẽ bình thường.

Vài người tỏ ra nắm vững lai lịch ông Lẫm kể rằng, cụ cố của ông một thời đã chỉ huy nghĩa quân Hường Hiệu chống Pháp ở mạn bắc Thu Bồn. Phong trào thất bại, ông chạy lên núi dựng lò để rèn dao, rựa cho đồng bào vùng cao. Sau mất luôn tại đó. Nghe tin Cụ Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào chống Pháp, cha con ông Lẫm phấn khởi dắt nhau về lại vùng đất Tân Tỉnh xưa kia để sinh sống.

Ông Lẫm vốn rất mê Cụ Hồ từ hồi còn bé, thông qua lời kể của người cha đi giải phóng quân. Ông cắt trong sách báo hay xin được của ai đó bức ảnh Cụ Hồ đang quan sát trận địa Đông Khê đem khoe khắp xóm làng. Hồi đó ông chỉ mới làm chút việc giao liên nhẹ hửng mà gặp ai cũng nói như người lớn: “Chủ yếu phải biết tin vào Cụ Hồ…”, “Chủ yếu nói gọn như Cụ Hồ…”, “Chủ yếu làm theo Cụ Hồ, nói chi nhiều…”. Dường như cha ông đã mớm cho ông những câu nói dạn dày, rất người lớn ấy cùng với những chén cơm độn khoai của những ngày đồng khởi khó khăn. Nên nó đã thấm vào máu thịt ông như mưa lâu thấm đất, nước chảy riết đá mòn. Với phương châm “chủ yếu” đó, ông đã sống cho đến ngày vùng đất Hố Chùa và cả làng Trầm Tây trở thành quá quen thuộc với cái tên: ông Chủ Yếu.   

Ông Lẫm vừa bước lên bục nói chuyện đã nghe lao xao từ dưới hội trường. Hình như đây là lần đầu tiên tại hội nghị tổng kết của xã có một người cao tuổi báo cáo điển hình, ăn mặc giản dị, lại có tác phong trẻ trung đến thế. Người khen: “Ông già đẹp lão nhỉ?”. Người chê: “Ông già có vẻ ưa lập dị, ăn mặc như người tiền sử”. Ấy là người ta chăm chắm vào chiếc áo bộ đội bạc thếch có từ thời kháng chiến chống Pháp mà ông đang mặc. Cánh phóng viên báo chí thì tha hồ quay phim, chụp hình, như vừa tìm được hương lạ chính hiệu đồng quê, khi đã chán ngấy những món sang phố thị.

Đến lúc ông Lẫm bắt đầu nói thì cả hội trường lại im phắc. “Hồi nhỏ tui không được học hành đường hoàng như các vị ngồi đây. Mới lớp Năm chớ mấy! Chủ yếu là tui làm theo Cụ Hồ. Mà Cụ Hồ nói thì có gì cao siêu lắm đâu, gần gũi, ngắn gọn thôi. Lớp Năm như tui cũng hiểu được. Chỉ ít người chịu làm theo mà thôi…”. Có tiếng cười rì rầm phía dưới. Dăm ba cái vỗ tay lạc lõng. Một giọng nào đó vổng lên: “Đúng!”.

Gọi là bài “báo cáo điển hình” của ông Lẫm kết thúc quá đột ngột. “Chủ yếu là làm, nói chi nhiều”, khi câu cuối cùng ấy vừa dứt, mọi người ngớ ra giây lát rồi mới vỗ tay rần trời. “Có lẽ đây là bài diễn văn ngắn nhất thế giới”- ai đó buột miệng. Hôm sau, hình ảnh ông Lẫm không áo vét, không cà vạt với nụ cười đạt đạo của tuổi “lão giả an chi” được đưa lên trang đầu báo tỉnh. Hàng tít “Chủ yếu là làm, nói chi nhiều” đã khiến người dân xóm Hố Chùa quên mất cái tên khai sinh của ông: “Ôi trời, ông Chủ Yếu lên báo nè!”.

Và rồi người ta hí hửng cầm tờ báo chạy đến nhà ông Lẫm, không biết để khoe với xóm, để mừng cho ông, hay để “câu” một chầu cá rô phi chiên xù. Ông Lẫm ngừng tay tưới cây, cầm tờ báo xem qua, cười cười rồi đọc hai câu trong cổ thư: “Tri túc tâm thường lạc/ Vô cầu phẩm tự cao”. Ông bình tiếp: “Chủ yếu là niềm vui và phẩm chất từ tâm”.

Thằng Quách, thằng Thủ… nói không hiểu hai câu cổ thi này, mặc dầu tôi đã nhờ viết lại theo dạng thư pháp thật đẹp, treo chình ình trong phòng làm việc. Mà có ngày nào chúng không nhẩm đọc khi đến phòng tôi, hoặc để quan hệ công tác, hoặc để tán phét chuyện đông tây trên trời dưới đất.

TIÊU ĐÌNH