Bánh trung thu trong ký ức mẹ...
Mẹ tôi đã “trả nhớ về không” ngót 2 năm rồi. Nhưng trong mớ ký ức mơ hồ sương khói đời người, đôi lúc mẹ lại nhớ ra những chuyện rất nhỏ, những thứ không ai ngờ.
Đó là vào một dịp trung thu, tôi được tặng hộp bánh sang trọng, bên trong cái hộp to, vuông vức, có nhiều hoa văn in nhũ vàng trên nền đỏ sáng bóng là một chiếc bánh dẻo và một chiếc bánh nướng khá lớn. Nhận quà, tôi mang về quê để mẹ được thưởng thức món ngon.
“Nhớ miết năm nớ con đem về một hộp bánh trung thu hắn đẹp cách chi...”. Trong ký ức mơ hồ khói sương tuổi tác đời người, mẹ vẫn nhớ là bánh ngon, nhưng cái dấu nhớ rất sâu nơi mẹ không phải lại là... cái vỏ hộp “đẹp cách chi”.
Cái ngon lạ lẫm và sang trọng kia - khi mà đã trải qua hơn một vòng hoa giáp mẹ mới được thưởng thức lần đầu, có lẽ không đủ sắc để khắc ghi, không đủ nặng để hằn nên nếp nhớ nơi mẹ. Hay vì mẹ không quen, không hợp với những cái ngon xa xỉ mà chỉ quen với những cái ngon của lao khổ, tảo tần?...
Giờ đây, bánh trung thu sang và đẹp đã trở nên hết sức phổ biến. Mỗi mùa trăng tháng 8 về, khắp từ quê ra phố đâu đâu cũng thấy người ta bày bán trăm ngàn thứ bánh trung thu với đủ kiểu bao bì rực rỡ, bắt mắt, “đẹp cách chi”. Trẻ con tha hồ vòi vĩnh cha mẹ, tha hồ lựa chọn những cái bánh ưng ý nhất. Mà với nhiều trẻ con ở phố, con em gia đình khá giả, giàu có, mua thì mua vậy chứ chưa chắc đã ăn.
Có phải vì thế mà bây giờ, nhiều người chi ra tiền trăm, tiền triệu để mua bánh trung thu nhưng không phải để tặng trẻ em mà là tặng cho người lớn? Những hộp bánh trung thu cao cấp cẩn xà cừ, đắp nổi hình rồng phượng, bên trong là những chiếc bánh biến vị với bào ngư, hải sâm thượng hạng, vi cá, yến sào... trở thành những tín vật trung gian để tạo lập, kết nối quan hệ công việc, làm ăn. Là bánh trung thu nhưng chưa hẳn chúng là thứ bánh của ngây thơ sáng trong thanh khiết như trẻ con, như ánh trăng rằm tháng 8...
Bây giờ về quê, tìm đến các quầy tạp hóa nghèo trong các ngõ xóm hỏi mua loại bánh trung thu được làm chỉ bằng mấy thứ nguyên liệu căn bản là bột, đậu xanh và đường thì chỗ nào cũng lắc đầu, bảo chừ ai ăn bánh đó nữa mà bán.
Chợt thấy nhớ thương da diết bao mùa trăng xưa với những chiếc bánh nhà nghèo thô mộc. Tuổi thơ tôi bao nhiêu mùa trăng rằm tháng 8, bánh trái được mẹ thay bằng mấy chén cháo đường.
Vị ngọt của loại chè được nấu bằng đường bát và nếp ấy - vốn là sản vật nhà quê sẵn có, đã giúp những đứa trẻ nghèo như tôi vợi nguôi bớt nỗi thèm bánh trái xa vời, để trôi qua cùng những mùa trăng quê kiểng mà lớn lên.
Bây giờ mỗi dịp trung thu, chị tôi lại tự mua nguyên liệu về làm bánh, được định danh theo trend bây giờ là “bánh nhà làm”. Những chiếc bánh chị làm không cầu kỳ, không quá nhiều gia vị nhưng luôn hợp khẩu vị cả nhà.
Mẻ bánh đầu tiên làm ra, chúng tôi mang về biếu mẹ, mẹ ăn và khen “hắn ngon cách chi”. Có phải trong những chiếc bánh chị làm là sự kết hợp từ những hương vị, nguyên liệu của yêu thương, của tâm huyết, của chiu chắt tảo tần?...