Vẽ Trung thu ấu thơ, dán ký ức thương nhớ
(VHQN) - Đêm muộn, cơn gió thu sè sẹ lay nhành hoa sữa nơi góc phố, thoảng đưa chút hương thơm nồng vào lòng người xa xứ.
Đưa tay mở cánh cửa ban công đón ánh sáng hiền dịu vào phòng, áng chừng trung thu chỉ còn cách mấy đêm trăng. Chợt thổn thức ùa về một miền ấu thơ xa lơ xa lắc, mắt tít cười tay hăm hở làm đủ loại đồ chơi với mấy người bạn mến thương.
Hồi đó, chúng tôi thường háo hức chuẩn bị cho đêm rước đèn trông trăng trung thu từ trước cả tháng trời. Đứa nào cũng cắm cúi căng dán giấy bóng kính xanh đỏ lên khung tre làm lồng đèn ngôi sao. Phải gắn tua rua cho rực rỡ, thêm cán cầm tay quấn giấy màu sọc vàng.
Có đứa hí hửng lục tìm lon sữa bò, đục lỗ, xỏ kẽm, cột vào nhau, gắn đèn cầy, buộc thanh tre làm thành lồng đèn ống lon xoay tròn leng keng trên mặt đất. Vừa tan trường về nhà, tụi tôi đã hồ hởi xúm tụm lại cắt vẽ dán cột từ trưa tới tối mịt, bày biện khắp sân, cười đùa rân trời. Trung thu đã về bên hiên nhà chính từ khoảnh khắc ấy.
Một người anh trong xóm có đôi tay tài hoa, thường bày đủ trò cho tụi trẻ con đu theo. Bọn con trai hì hụi chặt tre, chẻ vuốt, uốn cong và cột lại thành khung sườn chắc chắn có tay cầm. Anh dẫn “đội quân nhí” đi vài vòng quanh xóm, chẳng biết đào đâu ra được mớ đất sét nhão, đem về ủ kỹ rồi đắp lên khung tre tạo hình đầu lân. Vừa đắp cốt vừa dùng giấy báo chấm nước dán lên.
Đầu lân phải được phơi qua mấy cái nắng cho thật khô, mỗi bữa có một đứa thay nhau đứng canh ngó. Sau đó, phết hồ dán giấy gói thuốc Bắc, giấy dầu chống thấm. Đợi keo khô sẽ sơn trắng chiếc đầu lân, chăm chút vẽ màu từng đường nét khung viền, mắt mày, lưỡi lân sắc sảo.
Vài đứa đập hòn binh gom tiền mua vải kim sa, dây kim tuyến, lông vũ sặc sỡ để dán trang trí. Tụi con gái phụ trách tước dây ny lon thành sợi cực nhỏ, mềm và gắn vào lưỡi lân làm bờm.
Lại nhặt nhạnh vải vụn từ tiệm may đầu xóm về, xỏ chỉ may đuôi lân. Nhờ những đôi bàn tay tỉ mẩn từng chút, “tác phẩm” kỳ công đầy oai vệ đã được hoàn thành. Trong thế giới trẻ con dạo ấy, cái đầu lân kia không chỉ là một món đồ chơi mà còn chứa biết bao nao nức sướng vui.
Ngày đó, ngay chiếc mặt nạ đơn giản cũng tự chế. Chẳng phải ba má tiếc chi số tiền ít ỏi mua mặt nạ giấy bồi đàng hoàng cho lũ trẻ con được vui chơi thỏa thích. Chỉ là, đôi khi người lớn đã quá bận rộn với cuộc mưu sinh, mấy ai thảnh thơi dư dả thời gian để dừng lại nhìn ngó hiểu hết những điều con cái đang ngóng chờ. Mà tụi con nít thì luôn có cách bày trò tự tạo niềm vui cho chính mình.
Có khó gì đâu, tìm vài bìa vở cắt thành hình tròn, dùng bút sáp màu hoặc bút lông màu tô vẽ hình thù tùy thích, lấy kéo cắt hai lỗ tròn ngay vị trí cặp mắt. Xỏ thêm sợi dây cột lại và tròng qua sau đầu là thành chiếc mặt nạ hài hước.
Và khi tiếng trống thùng thình vang lên, cả đám trẻ con rộn ràng nối nhau đi bộ từ làng trên đến xóm dưới. Dẫn đầu “đoàn quân” là ngọn đuốc sáng rực từ khúc tre quấn vải thấm dầu lửa. Người cầm đầu lân nhảy múa theo nhịp trống, người xách lồng đèn ngôi sao lấp lánh đi đằng sau.
Cửa nhà nào cũng gõ, ngõ dù vắng bỗng trở nên rộn vang. Cứ thế, theo tiếng trống đánh tùng tùng, chúng tôi reo hò đùa vui suốt tối. Dường như, thanh âm náo nhiệt tưng bừng đó đã gọi ông trăng về, sáng rõ, tròn đầy niềm hạnh phúc tuổi ấu thơ.
Bao mùa trăng rằm tháng Tám đi qua, những cô bé, cậu bé ngày nào lớn dần lên theo năm tháng. Ngày trưởng thành rời xa quê nhà, biết bao người gởi lại đêm trung thu xôn xao nói cười, gởi luôn cả những hồn nhiên thuở nhỏ. Giữa phố xá chen kín người qua, đâu đó từng hồi trống lân gieo vào lòng những thùng thình nhớ thương tiệc rằm xóm cũ...