Bánh trung thu sẻ chia ngọt bùi
(VHQN) - Tháng Tám. sự nhộn nhịp của phố xá, của những chiếc đèn lồng, bánh trung thu bày bán bên đường làm người lớn, trẻ nhỏ nôn nao, khiến lòng kẻ tha hương thêm khắc khoải.
Mấy cô bé sinh viên ở dãy trọ nhà bà Sáu đang bày biện, làm một mẻ bánh trung thu gửi về cho ba má. Cả đám mua bột, mua đường, đậu xanh rồi chúi đầu vào chiếc máy tính mở YouTube để xem hướng dẫn cách làm, than thở: “Tụi mình thiếu nhiều nguyên liệu quá”. Thấy cả đám lúi húi trong phòng trọ cả buổi chiều rồi bước ra, mặt buồn xo. Vài chiếc bánh méo mó đặt trên mâm, trông không vuông cũng chẳng tròn.
Nhìn sắp nhỏ, tôi thấy mình của những năm sinh viên nghèo khó, cũng từng thất bại khi tự tay làm bánh, từng nuốt khan khi đạp xe ngang qua những con đường san sát ki ốt bán bánh dẻo, bánh nướng ở Sài Gòn.
Hồi đó, mối tình đầu chắc đã xuýt xoa lắm để đêm trăng mười bốn, dúi vào tay tôi hộp bánh hai chiếc. Tôi xách bánh trung thu về ký túc xá, nhìn hộp bánh không nỡ ăn, nửa muốn gửi về cho ba má, nửa muốn san sẻ với các bạn trong phòng, lại cũng muốn để dành ăn cùng người thương.
Có hai chiếc bánh thôi mà đắn đo, muốn sẻ chia với bao người mình yêu mến. Giờ kể lại chuyện thời sinh viên, má tôi cười bảo bánh trung thu là vậy, chẳng ai ăn một mình. Kiểu gì ta cũng có người chia sẻ cùng.
Tôi còn nhớ trung thu của nhiều năm trước, hồi ông cụ Khiêm còn sống, chiều mười bốn nào, ông cũng ra sân thôn, kể chuyện về sự tích chị Hằng, sự tích bánh trung thu cho đám trẻ.
Ông kể chuyện có duyên, những câu chuyện kể đi kể lại hằng năm mà đám trẻ vẫn ngóc cổ lên nghe. Thuở nghèo khó, bánh trung thu còn là thứ xa xỉ, cả thôn mua được đúng chục cái để ông “minh họa”.
Sau tiết mục kể chuyện là tiết mục chia bánh kẹo. Đám trẻ xếp hàng dài, các anh chị thanh niên đổ kẹo bốn mùa vào nón, đi chia từ đầu hàng đến cuối hàng. Có đứa ranh mãnh ngồi đầu hàng, nhận kẹo rồi lại vội xuống cuối hàng để nhận thêm lần nữa.
Kẹo thì dễ chia chứ bánh trung thu có ít, các anh chị phải cắt thật nhỏ từng chiếc ra mới đủ chia cho mỗi đứa một góc. Khâu chia bánh được giám sát nghiêm, đảm bảo đứa nào cũng phải có phần.
Trung thu bây giờ đầy đủ hơn, bánh trái nhiều loại nhưng theo thói quen, trong đêm rằm, sau khi dâng cúng tổ tiên, người ta vẫn cứ cắt những chiếc bánh ra thành nhiều phần nhỏ, để mỗi thành viên ăn một miếng.
Ai cũng được nếm thử, chia sẻ những mặn ngọt, thơm bùi trong đó. Dưới ánh trăng bàng bạc, mọi người vừa ăn bánh, uống trà vừa trò chuyện, thủ thỉ về buồn vui, được mất trong chặng đường hai phần ba năm đã đi qua.
Chắc hẳn, những người nghệ nhân làm bánh xưa phải tinh tế, cầu kỳ lắm để sáng tạo, gói ghém bao nhiêu ý tứ vào chiếc bánh trung thu cho đêm rằm. Bánh tròn cho sự sung túc, viên mãn. Bánh vuông cho tự do và hạnh phúc. Bánh dẻo trắng muốt, làm từ bột nếp rang, dậy mùi tinh dầu hoa bưởi gợi nhắc những mùa lúa mới và vườn hoa trái ngát hương.
Bánh nướng ngọt dịu bên ngoài, ôm ấp vị dẻo ngọt của đậu xanh, đậu đỏ, vị mặn ẩn sâu của trứng muối. Bánh nhân thập cẩm pha trộn khéo léo các nguyên liệu lạp xưởng, mỡ đường, các loại hạt, mứt…
Sự kết hợp mặn - ngọt trong một chiếc bánh tưởng chừng trái ngược mà hương vị cuối cùng lại hài hòa, hấp dẫn đến kỳ lạ. Chẳng phải, cuộc sống cũng có những trái khoáy nhưng rồi người ta vẫn cứ hòa hợp, luôn hướng đến những ngọt ngào, tốt đẹp hay sao?
Mỗi một trung thu đi qua, tôi nhận ra mình đã ngắm trăng hết thành thị này lại sang thành phố khác, hết thị trấn lại về thôn quê, cảm xúc mỗi năm một khác, chỉ có trăng rằm ở đâu cũng luôn tròn đầy. Mọi thứ rồi cũng về quỹ đạo vốn có. Đến giờ mới hiểu ý tứ của cụ Khiêm: “Bởi hôm nay trăng tròn, nên ngồi xuống, uống một ly trà, ăn một miếng bánh trước đã. Lo toan là việc của ngày sau”.