Hương đất
Nhắm mắt lại, tôi vẫn nghe ngai ngái hương đất trên nền nhà cũ, cảm giác mát rượi bàn chân khi chạm xuống nền nhà láng bóng mang đến chút êm dịu với hồi ức ấu thơ.
Những năm 1990, xóm tôi nhà nào cũng đắp nền nhà bằng đất. Nhà tôi tất nhiên cũng vậy. Ba tôi bảo, đất dùng đắp nền phải là đất sạch, mịn, có độ ẩm, sánh dẻo; nếu tìm được loại đất thịt pha sét, óng ánh màu xanh đen thì càng tuyệt vời.
Những ngày đắp nền, vì không có xe rùa, xe đẩy vận chuyển nên ba mẹ tôi thay nhau gánh những gánh đất từ khu vườn xa đem đổ vào nhà. Người này cuốc đất, xúc đất, người kia gánh. Lúc nào mệt quá, hai người cùng khiêng chung một rổ, chiếc đòn gánh cứ kẽo cà kẽo kẹt theo từng bước đung đưa.
Kiến tha lâu đầy tổ, sau vài hôm lao động chăm chỉ, những ùn đất mới cũng bắt đầu dồn lên thành đống, phủ kín móng nhà. Ba bắt đầu tháo nước cho vào để nông nền. Khi nước càng tràn ra thì độ cao của những ùn đất sẽ càng giảm xuống, hương đất ngai ngái bắt đầu xộc lên.
Và không giống như lát gạch hay phủ bê tông, chỉ cần làm gọn một lần là xong, việc đắp nền nhà bằng đất cần thực hiện kéo dài. Như cách người đầu bếp đang tráng một món bánh công phu, ba mẹ tôi cũng phải đổ đất, xả nước liên tục mấy lượt mới có thể đảm bảo được độ kết dính chặt chẽ, đằm đẹ cho lớp bề mặt.
Mỗi lượt nước ngập, chị em tôi rất hào hứng để nguyên đôi chân trần lội xuống. Từng ngón chân bấm sâu khi di chuyển khiến cho dấu vết để lại rõ ràng hơn. Chúng tôi càng vui thích khi phát hiện ra một bộng đất rỗng, nước cứ dồn nhau chảy xuống, sủi bọt ồng ộc.
Vất vả gần nửa tháng trời, thế nhưng đến công đoạn cuối, ba mẹ tôi vẫn phải cậy nhờ bà nội. Để nền nhà thật đẹp, bí quyết của bà là trộn thêm tro bếp vào lớp đất làm mặt.
Bà bảo loại tro bếp được chọn để “nêm nếm” phải được tuyển kỹ càng. Loại tro đã cháy thành than hoặc loại cháy thành màu trắng, chỉ cần một hơi thở nhẹ là bay như bụi mịn đều không nên dùng. Chúng sẽ khiến nền đất bị bung nứt ra sau một thời gian.
Sau vài hôm sàng lọc miệt mài, gom được mấy thúng tro đạt chuẩn, bà cùng mọi người bắt tay vào khâu hoàn thiện công trình. Mặc dù là nền đắp bằng đất nhưng mỗi lần dọn dẹp, tôi hay mẹ đều chẳng hề quét ra được bụm đất nhỏ nào.
Qua năm tháng, mỗi ngày, nhờ sự cọ xát, vuốt ve của những đôi bàn chân, mặt đất càng nhẵn lì, ong lên một màu xanh đen trầm sâu, mát rượi. Nhớ như in những buổi trưa không ngủ, chị em chúng tôi cùng nhau xuống bếp, nhặt ra những cục than đen ngòm rồi cùng vẽ xuống nền hình ô ăn quan.
Đứa này xếp sỏi vào ô, đứa kia nói cười ríu rít, càng chơi lâu, những đường kẻ trên nền đất sẽ càng mờ đi, chỉ có đôi bàn chân là vẫn muốn áp chặt mãi xuống nền để nghe dậy lên một cảm giác rân rân đầy dễ chịu.
Bây giờ, chẳng còn ai đắp nền nhà bằng đất, những đôi chân thuở bé cũng dần dời bước đi xa, sự trở về êm lành và mát rượi đôi khi vì thế mà chỉ còn diễn ra trong tâm tưởng.