Tôi về tôi thơ ấu

LÊ THỊ NGỌC TRÂM 01/07/2023 22:21

Tôi xuống tàu khi đêm đã khuya, băng qua thăm thẳm con đường làng, ngôi nhà thân thuộc với ngọn đèn vẫn được chong sáng chờ đợi đứa con xa quê. Không gian yên ắng để có thể nghe vài tiếng côn trùng vẳng lên từ phía ruộng.

Chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên từ ngôi làng này, rời quê để thỏa chí vẫy vùng, để thấy cuộc sống rộng lớn. Rồi sau bao lần ngụy trang, ta lại được gặp mình trên con đường làng hai bên cỏ dại. Về quê, không chỉ để biết người thân mình vẫn bình an ở đó, mà còn để tìm sợi dây vô hình bắc cầu đến con người thuần khiết ở trong mình. Một vùng tâm tưởng trong veo và thiêng liêng mang tên thơ ấu.

Cánh đồng bao giờ cũng là thứ hấp dẫn tôi nhất, là nơi hào sảng nhất cho những giấc mơ thuở nhỏ. Đám chúng tôi gồm cái Nhung, thằng Danh, thằng Sơn hay thả diều ở đó, chúng tôi đứng cạnh nhau cả buổi chiều lộng gió, chỉ để ngước lên nhìn những cánh diều đang thả mình nhẹ tênh giữa bầu trời.

Nơi thị thành, tôi sực nhớ đã từ lâu mình không ngước lên, dù chỉ để nhìn một vòm lá. Còn những buổi chiều khác nữa, nội thường lững thững đi theo tôi ra cánh đồng, tôi thỏa sức tung tăng như con chim sẻ để ùa vào khoảng xanh trước mặt. Cũng như con diều vô tư kia, ánh nhìn của nội sẽ là đất lành dịu êm mà tôi giữ mình không trôi theo những vùng chướng gió.

Tôi vẫn nghĩ, một cuộc đời vô vị là cuộc đời không có ký ức nào để nhớ, không thức dậy được lời thầm thĩ đáng yêu của xưa cũ. Ký ức sẽ nói cho chúng ta biết mình là ai.

Tôi nhìn ông bà, ba má mình, họ sống bằng ký ức về cái hồi xa lắc: hồi nhỏ cơm không có ăn, hồi nhỏ cứ trời mưa là bây đòi làm bánh khoai chiên, hồi nhỏ má đi đâu mi cũng bu theo, hồi nhỏ... Tôi yêu ký ức như cách những nhà văn yêu huyền thoại, có phải vì vậy mà huyền thoại sẽ không bao giờ biến mất trong kho tàng văn chương của loài người?

Tôi gọi cho Nhung, đời nó lận đận quá, đã lâu chưa có dịp về thăm quê mẹ. “Vì răng mi khóc?”, tôi hỏi mà trong dạ ngầm biết câu trả lời. Nó nghẹn xong một hồi thì giọng lại tươi tắn: “Na nề, ít bữa tao về, nhất định mình sẽ ra lại cánh đồng và cùng ngồi ở bờ sông ôn kỷ niệm mấy buổi trưa trốn ngủ, mi nhớ không?”.

Chúng tôi còn nhớ như in ngày ấy đã nói nhỏ vào tai nhau về những giấc mơ trở thành cô giáo, về mẫu hình chàng trai lý tưởng, về màu sơn yêu thích cho ngôi nhà tương lai, về… Hai đứa luyên thuyên chìm vào trong những tháng ngày vô ưu, nơi vui buồn hồn nhiên như nắng trải bên bờ sông êm đềm.

Hành trình trở về ấy, có người phải đi hoài muôn dặm với con đường gập ghềnh, có người phải cố ngoi lên giữa cái ao đời tù đọng, có người phải lơ lửng giữa mấy tầng mây cao rồi mới hiện diện ở đây, chất vấn lại thân phận của chính mình, bằng sự vỗ về của ký ức. Bàn chân tôi đang bước đi trên cỏ mềm, dưới lao xao nắng, từ trong bao la, tôi nghe cuộc hành hương trở về với chính tôi, tôi đang “tái sinh”. Để một mai, mình lại nhìn đời bằng ánh mắt xanh trong của hồn quê miên viễn.

LÊ THỊ NGỌC TRÂM