Những đứa trẻ thời mung nứa

KHƯƠNG QUỲNH 11/06/2023 11:12

Hôm lát lại cái sân gạch mới, mẹ tôi nhìn chiếc sân bóng loáng, sạch sẽ mà thốt lên: “Ngày xưa có cái sân này mà đan giỏ thì thích nhỉ?”. Mẹ đang nhắc lại nghề làm giỏ mung giỏ nứa một thời, nhờ những chiếc giỏ đó, chị em tôi và bao đứa trẻ khác trong xóm đã ăn học nên người.

Vào hơn hai chục năm trước, ở quê bắt đầu thịnh hành nghề đan giỏ, vốn để gửi bán cho các vùng trồng rau củ gần đó. Tôi chẳng nhớ nổi ai đã mang nghề về cho xóm, chỉ nhớ một hôm, mẹ đem về nhà một chiếc giỏ bằng mung làm mẫu với gương mặt hồ hởi: “Rổ rá mẹ còn làm được, mấy cái này ăn thua gì”.

Thế rồi, mẹ trải ra giữa nhà một nắm nan chẻ ra từ cây mung, rồi chầm chậm xếp từng nan gài vào nhau, đan thành những ô như ngôi sao. Từ những chiếc nan giản đơn, mẹ dựng những ngôi sao lên bằng một kỹ thuật gọi là “lên vanh”, “vào cạp”, “vặn cạp”.

Cuối cùng, một chiếc giỏ hai đứa trẻ có thể ngồi lọt thỏm bên trong đã hình thành. Từ hôm ấy, gia đình tôi bắt đầu công việc đan giỏ như bao gia đình khác trong xóm. Cả một xóm nhập cư nghèo, sống lay lắt bên vườn cây trái chưa kịp cho thu hoạch bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên vì có một công việc mưu sinh qua ngày.

Để có nguyên liệu đan giỏ, người ta phải vào rừng tìm chặt những thứ cây có thể làm thành nan giỏ như mung, nứa hoặc tre. Đội ngũ hùng hậu toàn phụ nữ và trẻ em tiến lên đồi. Các mẹ chọn và đốn hạ những cây mung, nứa thẳng nhất, dẻo và óng, bó thành những bó vừa ôm.

Phía dưới chân đồi là con suối trong xanh, chúng tôi cứ đẩy những bó mung xuống suối, lợi dụng sức nước mà đỡ được một đoạn đường nhọc công vác nặng. Thỉnh thoảng đám trẻ được mẹ cho ngồi lên những bó mung và trôi theo dòng nước. Bó mung lúc này trở thành chiếc bè nhỏ, cứ đủng đỉnh trôi.

Bọn trẻ dần cũng được dạy đan giỏ để phụ giúp ba mẹ. Xóm rộn ràng nhất vào dịp nghỉ hè, đám trẻ con thường được ba mẹ cho đi đan giỏ thuê ở các vựa lớn trong vùng. Sáng sớm, một đám trẻ cơm đùm cơm nắm, cuốc bộ ra đầu đường.

Vựa điều “xe riêng” đến đón “nhân công” đi làm. Đó là chiếc xe công nông hoặc ba gác, ống khói đen ngòm đằng trước, người lố nhố ngồi phía sau hít khói đen cả mặt. Tới vựa, mỗi đứa chọn một góc sân, dưới bóng một cái cây để đan giỏ. Cuối mỗi mùa hè, tổng kết lại tiền đi đan giỏ thuê, mỗi đứa kiếm đủ tiền để trang trải sách vở, học phí, áo quần cho năm học mới…

Về sau, nghề đan giỏ xa vắng dần, không biết có phải vì đám trẻ đã khôn lớn hay bởi những vườn cây ăn trái đã cho thu hoạch. Phải rất lâu, tôi mới thấy một gia đình làm lại nghề này, đó là nhà anh Năm mới chuyển đến.

Anh chị sống trong căn nhà gỗ cũ đơn sơ dựng trên một ngọn đồi mới khai hoang, cây ăn trái còn bé xíu. Giữa sân, vợ chồng con cái phân chia làm từng công đoạn: chia nan, đan đáy giỏ, lên vanh, vào cạp. Một hôm, tôi đi ngang qua nhà anh, thấy những chồng giỏ đã khô để phơi nắng, chất đầy ngoài sân.

Anh buồn rầu: “Ế quá trời, vựa rau giờ người ta dùng giỏ nhựa rẻ mà bền, tre nứa vậy là hết thời”. Chiều hôm ấy, tự dưng tôi nghe gió luồn qua đám tre nứa đứng chơ ngơ giữa đồi, se sắt như một tiếng thở dài tiếc nuối.

KHƯƠNG QUỲNH