Người già trong hẻm phố
Đối diện nhà tôi là căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Tư. Dù sống trong phố nhưng ông bà vẫn sống với nghề ruộng đồng. Hôm rồi, ông Tư quyết định dọn dẹp góc vườn, kêu người đổ đất trồng rau.
Nhiều người bảo già rồi trồng trọt chi nhiều cực thân, ông Tư vẫn quyết tâm làm. Chừng mươi bữa bận rộn công việc, tôi không để tâm mà thoắt cái góc vườn đã xanh um rau lang, rau muống.
Buổi chiều tôi dạo quanh xóm, ngó nghiêng luống rau mà thèm tô canh hến nấu rau tập tàng. Lân la hỏi mua, ông Tư bảo ưng ăn vô hái về nấu, mua bán chi nhúm rau với xóm làng.
Trong con hẻm nhỏ ấy, tôi hay chú ý đến vườn nhà ông Tư. Là bởi lâu lâu lại thấy ông tha về một chậu bông giấy, còn nói ngó vậy chớ năm trăm nghìn đồng lận đó. Chợt ngẩn người, niềm vui tuổi già của ông Tư thật sang.
Cái giàn sử quân tử ông kỳ công bắc vòm ngang cổng, mỗi độ nắng về là rực rỡ cả con đường. Hẻm phố theo đó mà làm mềm lòng dân ngụ cư như tôi mỗi khi thèm nhớ quê nhà.
Hẻm có nhiều gia đình trẻ nhưng ít ai chăm chút vườn tược như ông Tư. Những bận rộn cứ cuốn họ đi, những chiều quán xá những cốc bia leng keng đã chiếm phần thời gian ít ỏi còn lại, để rồi khi về đến nhà, thả vào giấc ngủ dài mệt nhọc và trời sáng tự bao giờ.
Con cái ông Tư ở tận Sài Gòn. Có bận bà Tư vào phố chăm cháu, trúng đợt dịch giã chao chác phải ở lại cả năm trời. Chờ dịch nguôi nguôi, bà Tư về da dẻ trắng do thiếu cái nắng nhà quê, người cũng không khỏe như trước. Bà bảo, nhờ cái hẻm nhỏ, vườn nhỏ với rau cỏ, đàn gà mà khỏe mạnh. Thế nên, ông Tư có cái lý của mình khi trồng vạt rau to, dù ông bà đã già, chẳng ăn uống bao nhiêu.
Trưa nay trời nắng to. Bông giấy, sử quân tử nhà ông Tư nở tưng bừng. Tôi tranh thủ ngắm ké giàn hoa mà thấy lòng dịu lại. Hóa ra ông Tư trồng cây không chỉ cho riêng mình. Ai ngang qua con hẻm ấy cũng ngoái nhìn hàng rào hoa rực rỡ. Chắc họ cũng như tôi, được tặng chút bình yên trong hẻm nhỏ...