Những mùa sầu riêng thương nhớ
Dạo này, cây sầu riêng hạt sau nhà bỗng dưng héo lá. Mẹ tôi sai anh leo lên vặt bớt quả non để cứu cây. Cây sầu riêng ấy bằng tuổi tôi, hơn ba mươi. Càng già, cây càng sai quả giống như cố trút hết nhựa sống cho những “đứa con” cuối cùng.
Những năm mới vào Tây Nguyên đi kinh tế, vườn vừa khai khẩn chưa có gì thu, bố mẹ tôi phải đi làm thuê cho nhà khác. Lần làm thuê cho nhà cụ Mến, thấy một thân cây cao vút, tán nhòn nhọn, quả thì đầy gai, mẹ thắc mắc cây gì lạ. Ông cụ móm mém: “Sầu riêng đấy, ngoài Bắc quê cháu làm gì có”.
Nói rồi, ông lấy ra một trái chín, khui cho mẹ nếm thử. Không ngờ trong lớp vỏ gai tua tủa nhọn hoắt kia là những múi sầu riêng mềm mại, vàng ươm, thơm ngào ngạt. Vị ngọt đậm đà, thơm béo ngay lần đầu đã khiến mẹ quyết tâm trồng bằng được một vườn đầy sầu riêng.
Từng cây sầu riêng hạt trong vườn đều được anh em tôi đặt cho một cái tên. Cây chuồng gà vì nằm cạnh chuồng gà, cây góc bếp vì nằm sau bếp, cây khe suối vì nằm cạnh khe suối… Điều lạ lùng của giống sầu riêng hạt chính là mỗi cây mang một hương vị riêng, không cây nào giống cây nào.
Cây ra quả có cơm vàng nhạt, ngọt thanh. Quả cây khác thì cơm trắng như sữa, béo nhiều hơn ngọt. Cây ngọt đậm, vàng ươm, có cây ra quả ngọt béo pha chút vị đắng nhẹ. Bởi vậy, từ nhỏ, anh em tôi đã có một thú vui, bịt mắt, ăn thử múi sầu riêng mà đoán tên cây.
Thời còn ở nhà, tôi được mẹ “biên chế” cho một cái gùi để đi vòng quanh vườn, tìm nhặt những trái sầu riêng chín rụng các gốc cây. Sầu riêng gùi về nhà phải phân loại. Trái nào to căng, hơn 1,2kg sẽ được thương lái thu mua “hàng nhất”.
Trái nào nhỏ, cong queo, hộc không căng đều thì bị xếp loại “hàng hai”. Riêng những trái bị nứt hoặc có vết nấm đều không bán được. Sầu riêng những năm ấy chẳng mấy khi được giá. Có nhiều buổi sáng cân bán cho thương lái xong, mẹ tôi cứ ngẩn ngơ mãi, mắt đỏ hoe.
Đó là chưa kể vào những mùa gió, chỉ một trận gió to là cành xoạc, quả xanh rụng đầy gốc. Anh em tôi tiếc, lấy dao bổ vài quả còn non, tách múi, gỡ phần cơm ra xào với mỡ hành. Hạt sầu riêng non xắt mỏng xào lên cũng rất thơm bùi. Dù món ăn đó có ngon đến mấy, chúng tôi cũng chẳng bao giờ dám mong chờ.
Chục năm trước, sầu riêng ở quê tôi đã đăng ký thương hiệu thành công, có giá và trở nên nổi tiếng, có thể xuất khẩu. Các khu vườn, ngọn đồi được thay thế bằng hàng loạt giống sầu riêng ghép như Ri6, Monthong, Dona, Musangking… Những quả sầu riêng ghép căng tròn, có trái 5 - 7kg, cơm vàng, hạt lép, cắn vào múi nghe vị béo ngọt ngập tận chân răng.
Vào tháng 5 đến tháng 7, sầu riêng bắt đầu vào vụ, cả một vùng đất trở nên sôi sục. Xe tải, xe container tấp nập ra vào, ngày đêm chở sầu riêng đi muôn phương. Người dân giàu lên và xây nhà cao cửa rộng, sắm ô tô đầy sân.
Tuy vậy, đám sầu riêng giống mới phải chăm sóc như con mọn. Người nông dân vô tình tắm trong phân thuốc. Tôi vẫn ưu ái và yêu thương đám sầu riêng hạt hơn. Chúng dễ tính, chẳng đòi hỏi gì, trái cứ đủ ngày đủ tháng thì chín cây, rụng xuống, thuận theo tự nhiên.
Chiều nay, đi bộ qua con đường liên thôn, hai bên đường đều là đám sầu riêng đang trổ bông trắng xóa, thơm ngào ngạt. Mùi hoa sầu riêng dịu ngọt, lâng lâng như có sự cộng hưởng của nhụy hoa lẫn mùi nhựa cây đang dạt dào chảy.
Chúng làm tôi chợt nhớ cây sầu riêng chuồng gà, góc bếp, khe suối… đã chết vì vắt kiệt sức, dành nhựa sống cho mùa hoa trái cuối cùng. Thường thì cái gì được đặt tên sẽ có linh hồn và đôi khi gây thương nhớ khôn nguôi.