Chợ quê chồm hổm
Ngày tháng Chạp chậm rãi và thư thả ở miền trung du nhiều mây và khói đá tĩnh lặng bất chấp dưới xuôi kia đang rộn ràng tấp nập cho những phiên chợ tết.
Được một ngày nắng lên cho nàng trung du bừng mắt hấp háy tiếng cười: “Mớ rau cải này mấy đây?”, “Năm ngàn á chị”, “Ngon rẻ hỉ!”, “Đồ nhà ăn dư bán bớt mà”. Một bà chị cầm con gà đã cột thúc ké chân cánh nhấc lên nhấc xuống ý chừng ước lượng: “Con gà ni mấy?”, “Trăm rưỡi, đúng cân mốt đó chị”, “Đúng gà thả vườn không?”, “Chính gốc nghe chị, mùa ni lắm cào cào, mối, trùn... gà mập và thơm thịt lắm”.
Phía trước nhà tôi mới sáng đã đon đả tiếng chào mời, tiếng trả chác, cái sinh khí ngày tết chừng đã he hé trong một phiên chợ quê tự phát: chợ chồm hổm. Ngày tháng Chạp hiếm hoi cái nắng, được một ngày ấm dân quê quày quả đi về chợ búa, con đường bỗng rộn hẳn lên.
Chợ chồm hổm là những phiên chợ tự phát rất phổ biến ở quê, người mua không mua chi nhiều, người bán cũng không bán chi nhiều, cuộc bán mua chỉ xoay quanh mớ rau cải, cái bắp chuối, con gà vườn... Vậy nên chọn chỗ gốc cây to, bãi đất bằng bên đường, cùng nhau bày biện chào mời mà thành chợ.
Ấy vậy mà bao nhiêu tên chợ nên danh ở quê tôi cũng manh nha từ những phiên chợ chồm hổm: chợ Đàng, chợ Nón, chợ Đông Phú, chợ Đồng Tranh... Chợ Đàng vì họp chợ bên Đàng, chợ Nón ban đầu cũng chỉ dăm ba chồng nón lá, chợ Đông Phú xuất phát từ tụ họp bán mua dưới tán rợp mát của gốc đa ven đường, chợ Đồng Tranh họp dưới chân con dốc nhiều tranh, thức mua bán ban đầu cũng chỉ gánh củi, gánh tranh.
Và tự bao giờ, những tên chợ đã đi vào câu ca mẹ hát như một yêu thương: “Ru con con ngủ cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Đông Phú, mua trầu Đồng Tranh”.
Chợ chồm hổm nay cũng đã theo thời đại mà linh động hơn xưa. Thường là những chị hành nghề buôn bán cũng tự phát mà chuyên nghiệp: sau yên chiếc xe máy là một đôi sọt lớn chở đủ thứ hàng lấy sỉ từ chợ lớn đủ cả cân thịt, rổ cá, hũ mắm, mớ rau... kể cả áo mưa tiện lợi hay đôi dép nhựa. Các chị cũng chọn bãi đất trống hay gốc cây bên đàng mà bày cuộc bán mua.
Tính cơ động còn ở chỗ cuộc bày biện chỉ một hai giờ đồng hồ, khi khách đã thưa, hàng đã vãng, người bán lại tất tả thu dọn hết lên xe, lại tiếp tục chạy hàng đến một nơi khác. Thường thì cuộc bán mua bày biện từ nơi này sang nơi khác kéo dài đến chập tối. Người mua được phục vụ tận nơi, người bán lấy công làm lời.
Tôi hỏi chị Thủy, một người hay bán hàng ven đường trước nhà tôi: “Ngày buôn bán chị lời lãi có khá không?”. Chị mỉm cười ra chiều bí mật: “Cũng bữa đực bữa cái chú à. Bữa đắt đỏ cũng kiếm đôi trăm. Ế ẩm thì đủ ngày công lao động”. Ngày nay khi phố thị đã hình thành thói quen mua sắm từ siêu thị thì đâu đó góc quê vẫn tất tả một chợ quê. Như giữa hiện đại vẫn sót lại đôi nét truyền thống, nhìn mà yêu chi lạ!