Vị điều khó quên
Tôi lớn lên cùng những mùa điều thay lá. Bố mẹ đã trồng vườn điều này xen lẫn khoai sắn lúc mới vào Tây Nguyên đi kinh tế mới.
Những cây điều non dễ tính, chẳng cần tưới tắm, phân tro vẫn lớn nhanh như thổi. Chúng lớn cùng niềm hy vọng của cha mẹ, sự háo hức của bọn trẻ con chúng tôi và nhiều dư vị từ những món ăn dân dã.
Vào một buổi trưa giáp tết, đang ngồi dưới tán cây điều tơ thì một trái rớt bộp xuống trước mặt. Nhìn trái điều đỏ au, chín mọng, chìa ra chiếc hạt màu xám bóng mượt, tôi vui như được nhận quà, cứ thế nâng niu trong hai bàn tay mà chạy như bay lên rẫy, gọi: “Mẹ, nhà mình có điều rồi”.
Thời ấy, bọn trẻ con chỉ háo hức được ăn trái điều đầu mùa (người Quảng còn gọi điều là đào lộn hột). Điều nhặt về cứ đổ thẳng vào thau nước, nổi lều phều. Chúng tôi ngồi quanh thau, chụm đầu lựa xem trái nào ngon mà ăn. Tay nắm lấy cái hạt, treo trái điều trước tầm mắt, lấy dao lột lớp vỏ mỏng tang, cắt dọc hoặc cắt ngang, chấm tí muối rồi cứ thế ăn.
Điều có trái màu vàng có trái màu đỏ, có cây ra trái ngọt cũng có cây ra trái chát, trái mọng nước hoặc giòn giòn. Nhựa từ trái điều rất khó rửa sạch, ngày ăn điều tối về gối đầu lên tay ngủ vẫn nghe mùi nồng nồng. Móng tay dính nhựa điều sẽ chuyển màu xám ngoét. Màu xám ấy bám dai dẳng trên bàn tay, trên áo quần đến hết mùa.
Xóm tôi còn phát minh ra đủ món ăn từ trái điều. Điều chấm muối ăn với cơm. Điều vắt bỏ nước đem vào nấu canh. Canh điều vị mằn mặn, chua chua ngọt ngọt ăn đưa cơm. Điều xắt khoanh tròn cũng đem kho cá, kho thịt, vị chua chát trong trái điều quyện với vị ngầy ngậy của thịt cá lại thành lạ miệng, cắn vào miếng thịt mỡ cũng không bị ngấy.
Những năm đầu tiên xóm thu hoạch điều, thương lái còn phải đạp xe, có người chưa có tiền mua cân, phả lót dép ngồi đếm hạt, cứ ba mươi bốn mươi hạt tính một cân. Tay dính nhựa điều cầm vào tờ tiền, tiền cũng ướp mùi ngòn ngọt.
Thời ấy, họa hoằn chúng tôi mới được ăn hạt điều. Không chỉ để dành bán, lý do còn vì hạt điều rất nhiều nhựa. Nhựa điều đen và đặc quánh như nhựa đường. Nhựa dính vào da thịt sẽ keo lại, sau một tuần, phần da dính nhựa mới chịu tróc ra kéo theo lớp da cũ.
Vì bổ hạt điều nên trên bàn tay anh em tôi ai cũng có một vài cái sẹo. Hạt điều trơn tuột để dựng lên mà bổ rất khó, chuyện đứt tay xảy ra như cơm bữa. Đổi lại sự vất vả, cơm hạt tươi lúc lấy ra được thì cực kỳ ngon. Vị béo, bùi, thơm ngậy, ngòn ngọt cứ quyện vào nhau. Hạt điều rang hoặc nướng, hương vị cô đọng lại, càng thêm phần đậm đà.
Về sau, huyện có nhà máy điều. Điều trở thành thu nhập chính của gia đình tôi. Bao nhiêu tâm sức dồn hết vào vườn điều. Mùa điều thay lá, lá rụng đầy gốc, cả nhà tập trung đi quét, đốt lá. Gốc điều phải sạch sẽ thì lúc thu hoạch mới dễ dàng.
Tôi thích nhất lúc vườn điều ra lá non. Lá điều đỏ tía, bóng nhẫy, lấp lánh trong nắng. Vườn là sự cộng hưởng của một màu đỏ rực ấm áp. Khi lá chuyển dần sang màu xanh lục cũng là lúc những chùm hoa đầu tiên nảy ra từ nách lá. Chúng đỏ li ti, thơm dìu dịu thu hút ong mật bay về.
Cuối năm là lúc điều bắt đầu chín. Những gia đình trong xóm tôi chẳng mấy khi được ăn tết một cách nhàn nhã. Cứ đến mùng Hai là cả nhà đã hò nhau ra vườn thu hoạch. Điều rụng đầy gốc, nhặt vào làn, vào xe rùa mà đổ dưới những gốc cây. Khi đã thu gom xong, cả nhà mới tập trung ngồi vặt lấy hạt, quả vứt sang một bên, chất thành đống.
Thuở nhỏ, tôi thấy phiền với lớp nhựa bám đầy tay chân, rửa mãi không sạch. Nhưng những ngày sống ở thành phố, mỗi lần nhớ nhà là lại nhớ da diết hương vị trái điều cùng không khí đặc quánh ngòn ngọt. Hóa ra, tiềm thức đã mặc định đó là mùi của quê hương.
Có đôi lần mệt mỏi, tôi mê man trong mùi hương ấy. Lúc tỉnh dậy ngơ ngác ngó quanh, tôi tưởng mình lười nhác ngủ quên khi bố mẹ vất vả thu hái ngoài vườn. Nhận ra mùi hương trong giấc mơ, tôi nửa vui vì mình không trốn việc, nửa nôn nao trong niềm mong mỏi trở về.