Nhưng người học trò, em là ai?

LÊ THỊ NGỌC TRÂM (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An) 20/11/2022 20:47

(QNO) - Có những điều chừng như đơn giản, nhưng tôi cần phải sống nữa, với ngôi trường, với mảnh đất xứ rượu hồng đào, với cả cuộc sống vô cùng này, tôi mới có thể diễn giải với học trò từ trải nghiệm của mình.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An.

Có những lúc, trong những ngày đầu đông, giữa hương thoảng đưa của những đóa thạch thảo trên tay người học trò, lòng tôi lắng lại bởi những câu thơ không đầu không cuối: “Trên tấm bảng đời em tôi đã viết bài giảng đầu tiên/ Bài giảng cuối cùng là gì tôi chưa thể biết/ Tôi là người của bao la xanh biếc/ Nhưng người học trò em là ai? (Cuối cùng của đầu tiên)

Người thầy, người thơ của cõi mênh mông mây trắng Trương Vũ Thiên An đã gợi cho người đang tập tễnh "viết bài giảng đầu tiên” như tôi những trăn trở về nghề dạy văn, về trò văn.

Nhưng văn chương ơi, "em” là ai? Một ngày nào đó của nhiều năm trước, tôi men theo giấc mơ thơ dại thật thà của tuổi nhỏ là được đĩnh đạc trên bục giảng dạy trò. Rồi qua năm qua tháng, theo nắng theo mưa của Huế buồn - Huế đẹp thuở sinh viên xa nhà trọ học, nhiều khi tôi bâng khuâng hỏi mình: văn chương cần gì cho mình và cho người?

Lòng tìm thấy chút mơ ngay khi đặt chân đến mảnh đất Hội An, thành phố nhỏ huyền hoặc như một bài thơ hai-ku. Trải những bước đi lận đận đầu tiên, đã có lúc tôi trách văn chương vô tăm tích, đã có lúc tôi trách văn chương bọt bèo.

Tôi làm đầy dần câu trả lời trong tâm trí bằng trải nghiệm những ngày đến lớp. Giữa màu nắng sân trường, “ông thầy” dạy toán thỉnh thoảng lại tâm đắc: tận cùng của văn là toán, tận cùng của toán là văn.

 

Nhưng người học trò, em là ai? Tôi miệt mài trong ngày tháng đến với những tà áo trắng tinh khôi giữa hàng phượng già, nơi vui buồn của những đứa trẻ hồn nhiên như nắng gió.

Hành trình ấy đôi khi có những khoảnh khắc hạnh phúc tựa như Phùng bắt gặp khung cảnh toàn bích của màu trời và chiếc thuyền phía xa xa, khi các em đem đến cho chúng tôi những bài viết giàu xúc cảm, giàu sáng tạo.

Hành trình ấy đôi khi cũng không thiếu lắng lo, tủi buồn, khi các em nói với tôi trong nước mắt: cô ơi, em thất bại rồi. Văn chương khi ấy liệu có như cách nói của Phùng Quán, rằng "Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy"?

Tôi chợt nhận ra mình không phải là người luôn luôn thành công để “khoe” với các em, tôi chỉ có những câu chuyện; về Roark trong Suối nguồn (Ayn Band), trước khi được mọi người công nhận là một kiến trúc sư tài ba, anh đã đối mặt với vô vàn lời từ chối, phải sống trong chật vật áo cơm; về Santiago trong Ông già và biển cả (Ernest Hemingway), ông lão đánh cá già nua đã mặc những chê bai, mặc những ngày lênh đênh không gặt được kết quả vẫn bền bỉ ra khơi để chứng tỏ sự hiện hữu, để được kiêu hãnh làm người…

Tôi - người dạy văn, tôi là ai? Ta có gì trong thời đại mà như triết gia Henri Maldiney trăn trở: "Điều mà con người hiện đại thiếu nhất chính là cảm giác”. Nghề dạy văn, những người ôm chữ nghĩa đi gieo mầm, có lúc cũng không khỏi chạnh lòng: "Ai bảo dính vào duyên bút mực/ Suốt đời mang lấy số long đong".

Người cô dẫn dắt tôi bước vào duyên bút mực năm nào lấy bút danh Phan Ngữ Văn, như cách có thể hiện tình yêu với môn học cả đời cô truyền tải. Càng ngày, tôi nhận ra cô nói đúng, rằng lợi thế của người dạy văn so với những bộ môn khác là có thể giao tiếp với tâm hồn học trò. Lắng nghe những ưu tú và cả những dị biệt. Bài viết của các em là non nớt, là hồ đồ, là ngông nghênh hay viển vông, là tất cả những gì bên trong em được thổ lộ. Tôi luôn muốn các em giữ lại những bài viết của mình, dù hoàn thiện hay dang dở.

Sau này, những bài văn - chúng giúp học trò tìm lại chút gì trong sáng, tìm thấy gương mặt của tuổi học trò, tìm một cách nuôi dưỡng cảm xúc trong nhịp sống vội vã. Các em, từ lời giới thiệu của tôi đã biết đến với những tác phẩm văn học. Mong mỏi của người dạy văn đôi khi chỉ vỏn vẹn như thế, sau ba mùa hoa phượng đi qua, các em còn có vài cuốn sách quý cùng đồng hành.

Người học trò, “may mà có em đời còn dễ thương”. May mà có em, tôi còn động lực để đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi. May mà có em, những trăn trở về văn chương, về vai trò của một người thầy vẫn thôi thúc tôi tự bước lên đường, tự viết lên tấm bảng trắng đời tôi, đời em, đời chúng ta những nét chữ màu nhiệm.

Có những điều chừng như đơn giản, nhưng tôi cần phải sống nữa, với ngôi trường, với mảnh đất xứ rượu hồng đào, với cả cuộc sống vô cùng này, tôi mới có thể diễn giải với học trò từ trải nghiệm của mình.

Nhưng người học trò, em là ai? Chợt thấy, tôi cũng là “học trò” đấy thôi, và các em cũng là những bao la xanh biếc…

LÊ THỊ NGỌC TRÂM (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An)