Thức quà tuổi thơ từ cây kơnia

KHƯƠNG QUỲNH 20/11/2022 06:18

Chiều về, mấy em bé người đồng bào Ê Đê đeo gùi, thập thò trước cổng nhà bé Út - hàng xóm của tôi: “Cô ơi, cô có mua hạt kơnia không?”. Bé Út ngẩn ngơ: “Ờ ha, tới mùa hạt kơnia rồi mà quên mất”. 

Bọn trẻ trút trong gùi ra những hạt kơnia tươi, thuôn dài, còn lớp vỏ gỗ hơi cứng màu nâu sẫm như màu của đất. Hạt tươi đưa lên miệng cắn cái tách, bóc bỏ lớp vỏ gỗ, để lộ ra phần hạt trắng ngà, ăn bùi bùi, beo béo, đậm mùi tinh dầu đặc trưng.

Bé Út cẩn thận loại bỏ những hạt bị hư, lép rồi rang thủ công trên bếp củi. Hạt kơnia rang trên bếp củi là thơm ngon nhất. Nhiệt từ bếp củi tỏa ra vừa đủ độ ấm, làm nóng, chín từ từ.

Khi hạt vừa chín thì lớp vỏ gỗ màu nâu bên ngoài cũng trở nên giòn tan, chỉ cần cắn hoặc lấy tay vo nhẹ là vỡ ra lấy được phần hạt lúc này đã được đánh thức vị thơm, vị béo ẩn sâu bên trong.

Bánh thuyền làm từ hạt kơnia.
Bánh thuyền làm từ hạt kơnia.

Người dân Tây Nguyên thường trữ hạt kơnia rang sẵn để tết dọn ra, đãi khách thay vì mua hạt dưa, hạt bí. Chị em trong xóm tôi còn chế ra món kẹo nougat (kẹo hạnh phúc), bánh thuyền từ hạt konia. Một sự kết hợp mang lại vị ngọt ngào, lạ lùng.

Ở vùng đất Tây Nguyên, các bản làng, thôn xã quanh quẩn sống hòa thuận bên nhau. Người Kinh gọi kơnia là cây cầy, đám trẻ Ê Đê, K’Ho lại gọi là kơnia. Hồi tiểu học, đám trẻ Ê Đê, K’Ho mang hạt kơnia đi ăn, tôi mang hạt cầy. Chúng tôi học chung một lớp, cãi nhau chí chóe, hạt của tao ngon hơn, xịn hơn hạt của mày. Xòe tay ra mới vỡ lẽ, hạt kơnia với hạt cầy là một.

Thuở trước cây kơnia gần gũi, hiện diện trong đời sống của chúng tôi. Từ lúc ông cha khai hoang lập ấp, đã thấy chúng lừng lững trên nương rẫy, núi đồi. Thân vượt hẳn trên các ngọn cây khác, tán cây tròn trịa, lá xanh tốt quanh năm.

Người dân có phát nương, dọn rẫy thì cũng luôn dành lại những cây kơnia để che bóng mát. Và thời bánh trái còn xa xỉ, hạt kơnia trở thành thức quà quen thuộc của bọn trẻ. Mỗi năm, vào độ tháng mười âm lịch, quả kơnia đã bắt đầu rụng nhiều dưới gốc.

Những quả mới rụng có phần thịt bên ngoài ngả vàng rồi chuyển sang nâu, đen. Chúng tôi lấy một hòn đá nhọn đập ra để lấy phần hạt bên trong. Nhiều quả rụng đã lâu ngày, lớp thịt quả đã tan theo mưa nắng, lộ ra phần hạt có lớp vỏ gỗ màu nâu, chỉ việc lượm ăn rất “nhàn nhã”.

Cây kơnia.
Cây kơnia.

Người Ê Đê, K’Ho tin rằng, kơnia là loài cây hồn cốt của buôn làng, kết nối với thần linh và đất trời. Có lẽ, đó là lý do, cây bốn mùa không thay lá, ngồi dưới bóng cây, nắng chẳng rọi tới đầu chỉ nghe tiếng lá lao xao, vỗ về, gợi cảm giác yên ả đến lạ lùng.

Về sau, lớn lên một chút, tôi chợt nhận ra, loài cây gần gũi, hạt rơi rụng đầy núi đồi lại đi vào âm nhạc mượt mà, đậm chất thơ đến vậy: “Buổi sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây kơnia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ…” (Thơ Ngọc Anh).

Tôi cũng nhớ mãi những ngày còn nhỏ theo mẹ đi rừng lấy tre nứa. Quãng đường về luôn ì ạch những bó tre to cột hai bên xe thồ. Hai mẹ con luôn lấy đích là cây kơnia ở giữa buôn làng làm điểm để nghỉ ngơi.

Ngồi dưới bóng cây mát rượi, mở cơm đùm cơm nắm ra ăn. Tôi nhồm nhoàm ăn cho xong bữa rồi lúi cúi đi lượm quả, hạt nhét đầy hai túi quần. Sau này, đi học và làm ở thành phố, mỗi lần nhớ quê, tôi lại nhớ về những bữa trưa của hai mẹ con dưới bóng cây kơnia tỏa bóng dịu dàng và mùi vị thức quà béo bùi của tuổi thơ.

Những ngày đầu tiên sau khi trở về quê hương lập nghiệp, tôi không quên thăm lại vài cây konia đã từng rất thân quen. Cây konia ở giữa buôn làng - nơi hai mẹ con hay ngồi ăn trưa, giờ đây đã không còn. Có lẽ nó đã bị chặt đi trong một lần người ta mở rộng đường sá. Chỉ còn lại cây konia ở nghĩa địa của thôn, cây konia trên nương nhà thím Bảy, cây kơnia ở phân hiệu tiểu học. Chúng hiên ngang đứng giữa cái nắng giòn giã, dang tay che chở, lá vi vút trong gió như một khúc ru êm đềm. Tôi chợt nghĩ, mỗi người sống trong đời đều có một phận riêng, và đời cây cũng vậy.

KHƯƠNG QUỲNH