Thư gửi người đã "thôi học rồi"

HỨA XUYÊN HUỲNH 20/11/2022 06:11

Bạn biết không, sách luân lý cách đây ngót trăm năm đã gọi lứa học trò cũ là những người đã “thôi học rồi”. Trước khi thôi học, họ được dạy rằng mai này vẫn luôn giữ bổn phận yêu kính và biết ơn thầy cô…

Trang sách luân lý xưa nhắc học trò đã “thôi học rồi” luôn nhớ bổn phận. Trong ảnh: Niềm vui của cô và trò. Ảnh: C.N
Trang sách luân lý xưa nhắc học trò đã “thôi học rồi” luôn nhớ bổn phận. Trong ảnh: Niềm vui của cô và trò. Ảnh: C.N

1. Bạn hẳn còn nhớ, các bài đọc về luân lý của học trò lớp Đồng ấu và lớp Sơ đẳng, theo sách của Nha học chính Đông Pháp in trong giai đoạn 1938 - 1948, đều có 2 phần đầu giống nhau: Bổn phận đối với gia tộc; Bổn phận đối với học đường.

Khác biệt chút ít nằm ở phần sau. Như sách của lớp Đồng ấu có thêm phần 3 (Học trò tốt, học trò xấu), còn lớp Sơ đẳng vừa có phần 3 (Bổn phận đối với bản thân) vừa thêm phần 4 (Bổn phận đối với xã hội).

Nếu muốn so sánh nữa, thì riêng trong phần Bổn phận đối với học đường, lớp Đồng ấu có đến 13 bài đọc với 5 bài liên quan đến nghĩa tình thầy trò, như khuyên nhủ học trò phải yêu mến thầy, tôn kính thầy, vâng lời thầy, biết ơn thầy, thật thà với thầy.

Bạn biết rồi đó, phần này ở lớp Sơ đẳng chỉ có tổng cộng 6 bài đọc, nhưng 2 bài đọc liên quan lại được tách bạch, khi nhắc nhở học trò về bổn phận với thầy “lúc đang học” và “lúc thôi học rồi”.

Tính ra, lứa học trò ngày trước theo học những lớp Đồng ấu (Cours Enfantin), Dự bị (Cours Préparatoire), Sơ đẳng (Cours Elémentaire) tương đương với các lớp đầu (1, 2, 3) của bậc tiểu học ngày nay. Ngay từ ngày đầu bước chân vào lớp 1, họ đã được nhắc nhở về bổn phận với gia tộc, với học đường, với bản thân, với xã hội…, hỏi sao không nhớ lâu?

Gần 100 năm trước, những trang sách luân lý ấy đã dạy dỗ học trò “bao giờ ta cũng phải yêu kính thầy và biết ơn thầy”. Khi đã “thôi học rồi” càng phải năng lui tới thăm nom (viếng), lỡ khi thầy đau yếu hay gặp hoạn nạn, ta phải săn sóc giúp đỡ. Người đi học không thể là quân vô hạnh…

“Ta đừng bắt chước những quân vô hạnh, làm nên chút danh phận gì, gặp thầy cũ, lờ đi như không biết, lấy sự phải chào thầy làm xấu hổ. Như thế là vong ân bội nghĩa rất đáng khinh bỉ”, phần kết bài đọc “Bổn phận ở với thầy (lúc thôi học rồi)” của lớp Sơ đẳng trong sách Luân lý giáo khoa thư có những câu như thế.

2. Không biết cảm giác của bạn ra sao, riêng tôi mỗi khi đọc lại những dòng vừa chép sao nghe cứ như có tiếng thước gõ mạnh của người thầy nghiêm khắc trên bục giảng.

Thực ra, các nhà biên soạn cuốn Luân lý giáo khoa thư đã sớm phi lộ rằng, việc chia ra các bổn phận đối với gia tộc hay bổn phận với học đường, tưởng là “chia” nhưng đều có sự liền mạch. Họ dặn dò kỹ lưỡng các thầy cô giáo “dạy cho trẻ biết rằng các bổn phận ấy tuy chia ra như thế, nhưng thật có liên lạc với nhau: Đứa con có hiếu trong nhà, ra trường tất là đứa học trò tốt, ra đường tất là đứa bé nết na”.

Bạn có nhớ các nhà biên soạn bộ sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên trong các năm 1924 - 1926 do Nha học chính Đông Pháp xuất bản gồm những ai không?

Toàn những nhà giáo dục lớn, giáo chức ngạch bậc cao thời ấy, như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc (thanh tra tiểu học), Đặng Đình Phúc (giáo viên hạng nhất ngạch bản xứ), còn Đỗ Thận cũng được xếp vào người có địa vị xã hội khá cao - ủy viên Hội đồng thành phố.

Nên tôi tin những gì họ viết ra, không chỉ cho sách luân lý mà còn có sách ngôn ngữ, khoa học thường thức, lịch sử, địa lý… nữa, đều được bảo chứng bằng kiến văn, sự lịch lãm. Và cả tình yêu thương.

Bây giờ, đứa học trò đã “thôi học rồi” là tôi đang xúi bạn cùng hồi tưởng về những hình ảnh thân thương, những hình ảnh cứ gần đến dịp 20/11 lại trỗi dậy. Tôi nhớ ngày còn ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), trong xóm nhỏ tôi ở có đến 5 cô giáo. Mỗi dịp 20/11, con đường dẫn vào xóm vốn dĩ chật chội lại càng khó đi.

Thường thì phải đỗ tạm xe bên ngoài đường lớn, vì chật ních xe đạp học trò. Các em nhỏ ấy đang kéo nhau đi thăm thầy cô. Con tôi cùng đám bạn khi ấy cũng rủ nhau đi thật sớm, chủ yếu thăm thầy cô cũ ở xóm khác. Lúc đó, lòng tôi cũng vui lây như thể mình cũng đang tần ngần đứng trước cổng nhà thầy cô giáo cũ của mình.

Và lúc đó, tôi đứng về phía những tâm hồn trắng trong như trang giấy học trò. Tôi hào hứng kêu lên: Đừng vì mấy cái clip học trò đánh nhau mà mất niềm tin vào chúng nó, bởi học trò cá biệt thì thời nào cũng có. Và rằng, các em nhỏ ơi, hãy lặng lẽ tìm về thăm thầy cô giáo cũ, trên những bước chân khẽ khàng thôi các em nhé!

Chuyện qua lâu rồi, tôi rời xóm cũ đã nhiều năm. Nhưng mỗi lần nhắc lại, dường như vẫn còn nghe vọng tiếng cười trong trẻo của đám trẻ đang xúm xít bên trong phòng khách nhà cô giáo, và ở một xóm khác cách đó khá xa con trai của tôi cũng vừa cùng nhóm bạn sung sướng kéo nhau đi thăm thầy cũ.

3. Tôi viết xong thư này, muốn gửi đi nhưng cũng muốn nhận lại từ ai đó một phong thư tương tự. Vì bạn biết đó, tôi cũng là đứa học trò đã “thôi học rồi”, cũng đang nhớ về thầy cô yêu quý của mình, nhớ da diết từ những ngày đầu tiểu học nhớ đi, nhớ đằm sâu mỗi dịp 20/11 nhớ lại…

Thời còn học cấp 1, thế hệ của tôi không gặp những lời răn kiểu như “đừng bắt chước những quân vô hạnh” trong sách cũ. Nhưng không vì thế mà vắng khuyết những bài học về tình người, những tia nhìn ấm áp từ thầy cô.

Phong tục xưa, ghi trong sách của cụ Phan Kế Bính, thấy khá rườm rà chuyện lễ thầy. Nào tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Đoan dương, tết Trung thu... Mùa nào thức nấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ.

Theo thời gian, lòng yêu kính vẫn tràn đầy, chuyện lễ lạt đã lược bỏ bớt những tiểu tiết. Đôi khi chỉ một bó hoa cũng đủ nói hộ nhiều điều. Mọi nỗi niềm sẽ khó đơm bông và tỏa hương, nếu thiếu đi một tấm chân tình.

Thư viết cho bạn, mà ngỡ như đang viết cho riêng tôi.

HỨA XUYÊN HUỲNH