Bình yên quê xứ
Tháng 9, chúng tôi dong xe từ Đà Nẵng đi Quảng Nam với những người bạn về từ Mỹ, những mong tìm cảm giác bình yên quê xứ sau thời gian xa cách vì dịch giã...
Chúng tôi chạy xe từ Đà Nẵng vào Duy Xuyên để nhìn các cánh đồng lúa hè thu đang chín vàng gần khu vực quán cà phê “Lò gạch cũ”. Quán chưa mở cửa, nhưng nhìn những đám lúa đang chín tới, ai cũng thích cái mùi thơm của mùa lúa mới.
Chúng tôi lại về hướng đông ven sông Trường Giang, qua Cẩm Kim, về chợ Bà, Trà Nhiêu, Nồi Rang khi trời đã trưa, chợ đã tan. Nhưng cảnh vật, nhà cửa khang trang hai bên đường cũng cho thấy cuộc sống đã thay đổi.
Thời chiến tranh gần 50 năm trước, đây là vùng trắng của chiến tranh phía nam Hội An. Giờ thì cây cầu Cửa Đại và con đường ven biển đã xuất hiện, tấp nập xe cộ cùng các khu du lịch, khu đô thị đang mọc lên góp phần thay đổi diện mạo một vùng quê nghèo.
Chúng tôi dừng lại ở bến đò Duy Hải để ghi lại khoảnh khắc ngư dân được mùa cá cơm. Một nhà hàng quen trên bến thuyền sau dịch đã tân trang, mở rộng để đón khách. Chỗ đậu xe cũng rộng mở.
Một con cá mú hoa còn giãy đành đạch hơn ký lô kèm nồi cháo cho bốn người ăn chỉ hơn 600 nghìn đồng. Các bạn tôi thích thú bởi món ăn ngon, cá tươi và chế biến nhanh chóng. Vợ chồng chủ nhà hàng niềm nở cho biết sau dịch, các con họ đã quay về đầu tư, khách cũng đã đến đông hơn trước.
Lại ghé về cà phê Mây Bay nhấm nháp vị cà phê thơm ngon qua bàn tay chế biến thiện nghệ của bà chủ Vân. Ngồi quán cà phê vườn này ở làng Thanh Nhì (Cẩm Thanh, Hội An), ai cũng cảm nhận được sự thanh bình của vùng ngoại ô phố cổ.
Đang ngồi trong khu vườn lung linh của Mây Bay thì có điện thoại của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc ở làng du lịch sinh thái Triêm Tây (Điện Bàn). Chiếc cầu Cẩm Kim bắc qua Cẩm Hà nay đã thông suốt hai đầu. Nhiều công trình biệt thự đang được xây lên phía Triêm Tây nhưng không che lấp được không gian thú vị của cách chống sạt lở và làm du lịch sinh thái.
Kiến trúc sư Quốc niềm nở dắt chúng tôi đi thăm những ngôi nhà đang được trùng tu. Những con đường đất, những bụi tre, thảm cỏ vẫn vậy với nét tươi xanh vốn có. Một khu chợ quê đã hoàn tất. Một đoàn sinh viên từ Đức vừa ra còn để lại những tác phẩm thủ công bằng gốm và trung thu đến sẽ là một trại họp mặt của hơn hai trăm thiếu niên cả nước.
Kiến trúc sư Quốc nói, sau Covid-19 cả Hội An và Triêm Tây cũng đều phải tư duy lại cách làm du lịch của mỗi nơi, phải xanh và bền vững. Mừng vì sau hai năm dịch, nhân viên của anh vẫn có việc làm và có lương. Họ lại học thêm nhiều nghề khác như thợ mộc, thợ xây, thợ đan lát để giữ gìn khu du lịch này…
Dưới những bóng tre, các hồ bơi - cả hồ dành riêng cho trẻ em vẫn xanh trong, phòng hội họp dành cho khách chuyên đề vẫn ngăn nắp và tiện nghi. Kiến trúc sư Quốc tự tin nói: “Tôi tin khách đang dần trở lại với Triêm Tây. Nhưng tôi có một nỗi lo là nạn hút cát trên sông Thu Bồn vẫn rình rập nếu chính quyền sao nhãng…”.
Vừa nói ông vừa chỉ một chiếc ghe lớn bằng sắt đang đậu phía lòng sông. Còn người bạn tôi nói: “Tôi thích ở đây! Tôi cũng tin khách Âu, khách Mỹ sẽ tìm tới đây thay vì những khách sạn bê tông cốt thép. Cái đó đã quá nhiều trên thế giới rồi!”.