Những bữa cơm gia đình
(QNO) - Hồi nhỏ sống cùng với ba má ở quê, gia đình tôi chưa bao giờ mua đồ ăn sáng bên ngoài. Ngày ba buổi nấu cơm, cả nhà quây quần bên nhau ấm áp.
Buổi sáng và trưa đều vội vàng tất bật, ăn nhanh để đi học đi làm. Riêng buổi cơm chiều là thong dong nhất. Tôi thường ham chơi với chúng bạn ngoài ngõ nên thế nào cũng bị má gọi năm bảy lượt mới về. Đang vui chơi mà bị má gọi, tôi hờn trách cả ông trời sao nhanh tối, chưa đói mà má cứ gọi hoài. Có hôm vẫn mải mê chơi, ba ra hét cho một trận là bỏ chạy. Tôi về, ngồi xuống mâm cơm mà nước mắt rưng rưng. Lần ấy, tôi thấy buổi cơm chiều sao thiệt mệt!
Ngày đó ở quê chưa có điện, xóm làng còn khó khăn tăm tối lắm. Nhất là mùa mưa “ngày tháng mười chưa cười đã tối”, lại còn nhiều tre che rợp cả xung quanh nên dường như chiều tối đến với thôn quê sớm hơn nơi phố thị, chơi chưa đã mà má gọi rồi!
Có lần nghe má nói: “ba má làm cả buổi, vừa mệt vừa đói, về còn phải lụi cụi nấu cơm, mấy tụi con mãi chơi đâu có biết, ăn sớm cho khỏi tối tăm”! Từ đó về sau, dù ham chơi nhưng tôi lo về sớm, còn phụ giúp cơm nước để ba má an lòng.
Mâm cơm dọn ra giữa sân lúc trời còn chạng vạng, ngồi bằng chiếc đòn nhỏ, má không cho ngồi chồm hổm. Trong bữa cơm, má nhắc nhở chuyện kia, chuyện nọ. Nào là ăn phải cẩn thận, đừng để đổ tháo, hạt cơm như hạt ngọc trời. Nào là so đũa phải bằng nhau, đừng để chiếc dài, chiếc ngắn. Canh phải dùng muỗng múc, đừng cho đũa đang ăn vào trong tô canh chung. Rồi là không được la rầy trong bữa ăn, “trời đánh tránh bữa ăn”. Chiều nghe tiếng chuông chùa cung phu là lo chạy về, kẻo “người ta” quở phạt…
Mâm cơm chỉ có rau trái vườn nhà, nấu canh hoặc xào, luộc. Ngon hơn là có được bữa cá đồng kho mặn, mớ tép nấu canh bầu, canh bí. Những lần ấy, bữa cơm chiều sao mà ngon ngọt, thân thương, còn giống như những buổi học. Tôi hiểu biết thêm nhiều điều qua lời dạy của má trong mỗi bữa cơm!
Tôi đỗ đại học, ba má mừng vui nhưng càng vất vả. Mấy đứa em gái vừa đi học vừa phụ giúp đan rổ, làm ruộng, nuôi heo để lo cho anh. Em gái út viết thư có nhắc đến mâm cơm nhà đạm bạc, kham khổ, dành dụm tiền để gửi cho anh hai. Tôi đọc mà nghẹn ngào. Tranh thủ ngày nghỉ, tôi đi phụ hồ để có thêm tiền trang trải. Cơm sinh viên rẻ nhất Đà Lạt nhưng vẫn hơn nhiều so với mâm cơm của gia đình tôi. Mỗi lần về, thấy các em nhiều thiệt thòi, ba má ngày càng già và khắc khổ, ngôi nhà xập xệ phên tre, ngõ rào lá rơi cây mục, mâm cơm thường ngày thiếu thốn khiến tôi chạnh lòng. Những lúc này, ngồi xuống mâm cơm, tôi càng thấu hiểu tình cảm mênh mông của gia đình dành cho mình. Thương quá, biết bao giờ đền đáp!
Tôi đi dạy học xa, rồi lập gia đình, cách xa nhà ba má. Em gái cũng lần lượt theo chồng về xứ lạ. Cuộc sống và công việc cứ cuốn trôi những đứa con xa dần vòng tay ấm. Nhà chỉ còn ba má vào ra, tuổi già buồn vui lặng lẽ. Khi còn trẻ, làm nuôi bốn đứa con, thiếu trước hụt sau nhưng chưa nghe ba má than vãn một lời. Nay tuổi đã già, mây bay tóc trắng, răng cũng cái còn cái mất, chân chậm mắt mờ, vẫn cứ ngóng chờ phía đầu ngõ thử có tiếng xe nào quen quen của con cháu?
Dù biết rằng, đứa nào về rồi tụi nó cũng đi nhưng ba má vẫn cứ chờ, cứ đợi. Một năm đôi ba bận, chỉ có hè và tết mới đông đủ. Mấy đứa em gái chạy ra chợ mua kí thịt, kí bún về nấu bữa cơm sum họp gia đình. Tôi mang về gói trà, hộp sữa, chạy đi mua thùng nước ngọt, vài lon bia. Lúc này, ngồi xuống mâm cơm là cả một trời kí ức lại ùa về. Ba má mừng vui nói cười đã no, giống như tôi lúc nhỏ ham chơi mà không biết đói. Niềm vui ánh lên trên từng gương mặt chi chít với thời gian!
Thức đêm mới biết đêm dài, có nuôi con mới hiểu hết tấm lòng của ba má. Trong gia đình nhỏ của tôi, mâm cơm chiều được vợ dọn sẵn đậy lồng bàn nhưng còn chờ đứa con trai đang chơi với bạn bè trên sân cỏ.
Tôi uống nước trà, nghe đài và cũng chờ. Vợ đi ra đi vào, cứ ngóng tiếng xe từ đầu ngõ. Sự chờ đợi có bao giờ khác nhau đâu, cứ dài dằng dặc như ba thu dồn lại. Tôi nói với vợ, mình tập quen dần, chớ con lớn rồi cũng phải đi xa. Nghĩ đến ba má đã già, biết mấy ngàn chiều ngóng trông con cháu! Tôi hiểu nỗi chờ mong ấy giống như những đám mây chiều cuối thu, cứ tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau lặng lẽ phía trời xa trong chiều tháng Bảy. Vội vàng gọi điện về nhà, hai ông bà đang ăn cơm chiều, má hỏi: “Nghỉ hè chưa con”? Tôi nói mà nghe lòng nhoi nhói: má ơi…mai con về!
Ai cũng trân quý gia đình mình bởi đó là nơi ấm áp, an yên nhất. Ở đó có những bữa cơm gia đình, dẫu đủ đầy hay đạm bạc cũng đều đậm đà hương vị tình thân. Tôi từ chối những cuộc vui khiên cưỡng bên ngoài, để về nhà giúp vợ chẻ củi, nấu cơm...
Ngồi xuống mâm cơm bình dị cuối ngày, gắp cho nhau miếng dưa miếng cá, nói lời an ủi động viên nhau đi qua bao nhọc nhằn dâu bể và cầu mong an lành luôn đến cùng mỗi sớm ban mai! Tiếng chuông chùa ngân vang từng tiếng, mùa Vu lan đến càng nhắc nhở tôi về những bữa cơm gia đình!