Những lá cỏ bờ cây thăm thẳm nhớ

THANH THẢO 03/05/2022 06:59

Mấy đứa trẻ đồng xanh nhà tôi quả quyết rằng, buổi cắm trại chiều hôm la đà nọ thật vui chưa từng có, vui hơn bất kỳ nơi nào đã cùng ba mẹ đi chơi. Tôi tin những lời mừng rỡ ấy, tin và càng vui hơn bởi màu xanh của lá, của cỏ, mùi của củi khô đượm trong màu của nước hồ phẳng lặng Phú Ninh đã thu hút trong con trẻ một thứ tình cảm thân mật dịu dàng.

Hồ Phú Ninh đẹp nao lòng. Ảnh: T.B
Hồ Phú Ninh đẹp nao lòng. Ảnh: T.B

Đó là một buổi chiều đầu hè, chúng tôi thơ thẩn dọc triền đê trên con đường men lòng hồ Phú Ninh hướng về vùng Tam Lãnh. Mùi rơm rạ vào mùa phơi dọc lối đi thơm ngát cả một vùng thung lũng. Bóng nước soi rõ những cây, những màu, những vùng trời nhiều mây trắng.

Thiên nhiên thơ mộng và u tịch đến tưởng chừng chúng tôi đã đi xa lắm nơi thành phố. Tôi sống gần hồ mà ít hiểu cái “mênh mang mặt hồ trời mây bao la” như trong bài hát yêu thương nào đó về Tam Kỳ.

Mênh mang đó, chiều nay tôi bỗng dưng được gặp, được nghe giữa vọng những tiếng nói cười vô tư lự của lũ trẻ vang lên trong yên ắng. Đứng trước tịch lặng của nước, lòng tôi bỗng xôn xao nhớ những ngày tháng Mười, cảm giác âu lo ngồn ngộn giữa trời mưa trước bản tin xả lũ hồ Phú Ninh báo cảnh ngập lụt ven sông Bàn Thạch.

Làm sao tôi có thể hình dung hồ nước ôm ấp núi trong xanh thanh bình nhường kia lại có thể là mối nguy của những ngày tháng Mười. Thiên tai nào phải chỉ thuần tự nhiên sinh ra!

Con đường ven hồ dường như thật ít người qua lại. Một ít hoa sim, hoa mua vào đầu hạ nở dọc lối đi, nó tím biếc đến tưởng như tôi có thể bay thẳng tới tuổi thơ của chính mình tháng ngày chăn bò, lượm củi trên ngọn Bằng Mây trước nhà.

Nếu có mấy con gà rừng nào te te gáy bên đồi chiều hôm ấy, có lẽ riêng tôi đã tìm được cảm giác thần tiên của xứ sở quê hương. Trước mênh mông sâu thẳm của hồ, giữa chập chùng đan nhau của tiếng thở khẽ thời gian, tôi nhớ câu thơ bạn làm bâng quơ hôm nào: “Em hóa xanh bên hồ đợi chàng trở lại/ Phẳng lặng kia gương mặt của tình yêu”.

Tôi đã vài lần ngắm vẻ đẹp nơi Hồ Gươm như máu thịt với người Hà Nội, yêu đến mức: “Tôi muốn mang hồ đi trú đông/ Mà không khiêng vác được sông Hồng/ Mà không gói nổi heo may rét/ Đành để hồ cho gió bấc trông” (Trần Mạnh Hảo).

Tôi không quên những lần uống cà phê Hồ Tây từ tầng cao cùng bạn huyên thuyên trong ánh chiều tà. Tôi từng lặng người khi nhìn hoàng hôn giữa Biển Hồ Pleiku, khăng khăng đồng nhất một Biển Hồ bazan với “biển hồ lai láng” trong ca dao khi cả tin nhất định dù ở độ cao hơn 800 mét thì lòng hồ kia vẫn hun hút đại dương.

Mặt hồ, dù bắc trung nam nào cũng cho con người cảm giác bình an. Như thể buổi chiều hôm ấy, mặt hồ mênh mang Phú Ninh đã bao dung cho bọn chúng tôi vô tư cùng đùa vui với lũ trẻ khi câu được vài con cá nhỏ ven lòng hồ, lượm củi, nhặt trái thông rồi cùng vào chiếc trại bay ngồi chờ trăng mười sáu.

Chúng tôi quây quần nói vu vơ những câu chuyện bạn bè trong lúc mấy đứa trẻ chơi trò đố lá, nghịch đất, hái hoa. Cảnh tình ấy, đơn sơ bình dị mà tươi tắn xiết bao. Tôi không biết làm thơ, tôi cũng không thể tả xiết những hồn nhiên kia bằng lời, nhưng vùng xanh kia mặt hồ đã thăm thẳm trong tôi trong một chiều rộn rã…

THANH THẢO