Vị ngọt hòa bình

LÂM BÌNH THÁI 30/04/2022 06:49

Mỗi khi nghe thấy tiếng chim tu hú “bắt cô trói cột” vang vọng khắp nơi, sinh thời mẹ tôi vừa móm mém nhai trầu vừa bảo: “Mùa hạ sắp sang. Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình ta và bao gia đình khác ở làng Lâm Bình không biết sẽ ra sao…”. 

Quê nhà. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Quê nhà. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Tôi cười: “Mẹ lại bắt đầu câu chuyện cũ rồi. Mấy chục năm qua con nghe mẹ nói mãi và đã thuộc làu…”. Mẹ tôi cũng cười, mắng yêu: “Cha mày! Tao không nhắc nhở hằng năm, chắc gì mày hiểu được chuyện ngày xưa, chuyện của một thời chiến tranh, dân làng Lâm Bình chỉ mơ ước được mặc áo trắng đi ăn giỗ cũng khó lắm thay!”.

Thời chiến tranh, gia đình tôi có hai anh trai đi lính ở hai bên chiến tuyến. Anh Hai “nhảy núi lên xanh” tham gia quân Giải phóng. Anh Ba ở trong vùng tạm chiếm, đến tuổi đi quân dịch, trốn tránh mãi không được, bắt buộc phải mặc quần áo sáu túi bằng vải ô liu, làm lính nghĩa quân. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn nhớ, cứ vài ba đêm tiếng súng lại rộ lên ở các đồn bót quanh làng Lâm Bình: Dương Ươi, Dương Hợi, Gò Mè, Động Cao…

Tiếng súng trong đêm khuya vắng khuấy động giấc ngủ của dân làng. Mẹ tôi thức dậy, vội vã đưa mấy anh em tôi vào căn hầm nổi khá to rộng ở phía sau nhà để trú ẩn. Bật hộp quẹt thắp ngọn đèn dầu leo lét, mẹ tôi ngồi chống cằm thở ra… Ba tôi mất từ lâu.

Mẹ tôi một mình nuôi đàn con thơ dại. Tiếng súng trong đêm báo cho mẹ tôi biết “Cộng sản” và “Quốc gia” đánh nhau, ắt sẽ có xương tan thịt nát. Dù “bên kia” hay “bên này” chiến thắng, với mẹ tôi và bao người khác ở làng Lâm Bình đều “lòng đau như cắt”…

Chấm những giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt bằng vạt áo bà ba màu xám tro, mẹ tôi cứ ngồi thừ người ra. Lúc bấy giờ tuy còn nhỏ nhưng nghe mẹ oán than tôi cũng dần hiểu được nỗi lo của mẹ. “Cộng sản” và “Quốc gia” đánh nhau. Anh Hai tôi ở phía “bên kia”. Anh Ba tôi ở phía “bên này”. Biết đâu đấy, trong những trận đánh ấy, anh Hai và anh Ba tôi cầm súng nhắm vào nhau, nhả đạn.

Mẹ tôi thấp thỏm lo âu vì điều đó. Anh em ruột thịt cùng một mẹ sinh ra mà chĩa súng vào nhau là một bi kịch. Mẹ tôi không muốn, không bao giờ muốn cảnh huynh đệ tương tàn xảy ra. Vì vậy, mỗi khi nghe tiếng súng nổ ở các đồn bót Dương Ươi, Dương Hợi, Gò Mè, Động Cao… trong đêm khuya thanh vắng, mẹ tôi lại ngồi chép miệng thở dài. Mẹ lầm rầm cầu trời khấn Phật không bên nào phải đổ máu để những người mẹ người cha không phải hứng chịu nỗi đau mất con vì chiến trận…

Ngày 30.4.1975. Nỗi âu lo ấy của mẹ tôi đã được xua tan. Mẹ mừng vui khôn xiết.

Và tôi biết, “vị ngọt hòa bình” khiến mẹ tôi trẻ ra mấy tuổi. Tôi vẫn còn nhớ rõ, lúc bấy giờ người dân làng Lâm Bình vỡ òa trong niềm vui sướng vô biên. Nhiều gia đình tản cư quê xã Tiên Lập, Tiên An và Tiên Lộc như ông Điệp, bà Chuyển, bà Phước, bà Thận, cô Chiêu… hân hoan phấn khởi thu dọn đồ đạc rời khỏi khu dồn quanh ngã ba Bà Xù, gồng gánh về lại chốn cũ vườn xưa làm ăn sinh sống. Nhiều người làng Lâm Bình trong quá trình lánh nạn đạn bom phiêu dạt vào các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Sài Gòn cũng dắt díu nhau hồi hương.

Những năm tháng ấy đã lùi xa vào quá vãng nhưng trong tôi ký ức vẫn vẹn nguyên. Tiếng bom tiếng súng không còn nữa. Tuy nhiên, bao khó khăn lại bày ra trước mắt. Ruộng đồng hoang hóa. Gò đồi mìn bẫy ẩn mình trong lớp đất nâu. Cái ăn cái mặc luôn là nỗi lo canh cánh bên lòng đối với mỗi nhà.

Mọi người khai hoang phục hóa ruộng vườn, tháo gỡ bom mìn trồng sắn khoai. Cái đói dần được đẩy lui. Trẻ con được cắp sách đến trường học tập. Với tôi, hồi đó vui thích nhất là những đêm trăng được tham gia sinh hoạt tập thể, được các anh chị phụ trách dạy hát: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…”.

Trong những năm tháng ấy, tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi về Tiên Lộc thăm gia đình cậu tôi hay đi đám giỗ đám cưới ở đâu đấy, mẹ tôi thường mặc chiếc áo trắng cắt may vừa vặn ôm gọn eo lưng, trông nền nã và đẹp tuyệt. Tôi bảo mẹ: “Mùa hè, mẹ mặc áo trắng mau dơ vì đường đất lấm bụi”.

Mẹ tôi nói: “Dơ thì giặt! Mẹ mặc cho bõ mấy chục năm chiến tranh, áo trắng chỉ xếp cất trong rương”. Tôi thương mẹ vô cùng. Thời chiến tranh, mặc áo trắng đi lại, cả hai phía “bên kia” và “bên này” đều biết là dân thường. Không ai bắn dân thường.

Tuy nhiên, rắc rối lại ập đến. Lính Mỹ trên tàu rọ cứ nghĩ đó là liên lạc của “Cộng sản” nên sà xuống hốt ngay. Sống trong khu dồn, mặc áo trắng, đám dân vệ cho rằng đấy là “ám hiệu” ngầm báo với “bên kia” nên đến nhà vặn vẹo, tra hỏi đủ điều. Áo trắng trở thành thứ “cấm kỵ” với người dân làng Lâm Bình, chỉ nữ sinh trung học mới được quyền mặc áo dài trắng đi lại công khai mà chẳng sợ ai bắt bẻ hoạnh họe…

Ngày 30 tháng 4…

Đó là ngày lịch sử ghi dấu son trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đó cũng là ngày mẹ tôi thường hay nhắc nhớ khi tiếng chim tu hú gọi hè sang, bởi anh Hai và anh Ba tôi đã tránh được cuộc huynh đệ tương tàn, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác ở làng Lâm Bình được sum họp đoàn viên.

“Nếu không có ngày 30 tháng 4…”. Bất chợt trong tôi lại vang lên những câu thơ trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân: “Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng/ Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn?/ Tháng Tư ơi xinh đẹp mãi tâm hồn”.

LÂM BÌNH THÁI