Bời lời gợi nhớ

PHAN HUY THÙY 12/04/2022 15:57

(QNO) - Góc cuối vườn có cây bồ lời cao lớn, vướng đường dây thông tin của nhà ga nên phải cắt bỏ, lâu rồi không để ý đến. Giờ nhìn cây mà lòng tôi bỗng nhớ về tuổi thơ đã từng buồn vui với bời lời. Kí ức ùa về gần như nguyên vẹn, cứ miên man, bồng bềnh, ngát thơm của hơn 30 năm trước.

Ngay cạnh nhà tôi đang ở, có một khu đất bỏ hoang lâu nay, cây cỏ mọc um tùm rậm rạp. Phần vì địa hình không bằng phẳng, phần vì bất tiện đường đi nên chẳng ai để ý đến. Vừa rồi, người ta mua lại rồi san ủi, cải tạo để làm trang trại nuôi gà. Tôi rất mừng vì có người lui tới, có tiếng gà gáy mỗi sớm mai cho đỡ bớt quạnh hiu. Góc cuối vườn có cây bồ lời cao lớn, vướng đường dây thông tin của nhà ga nên phải cắt bỏ, lâu rồi không để ý đến. Giờ nhìn cây mà lòng tôi bỗng nhớ về tuổi thơ đã từng buồn vui với bời lời. Kí ức ùa về gần như nguyên vẹn, cứ miên man, bồng bềnh, ngát thơm của hơn 30 năm trước.

Trái bời lời
Trái bời lời. Ảnh internet

Hồi đó, khi tiếng ve râm ran báo hiệu mùa hè, khi việc học hành sách vở coi như đã hoàn thành, buổi lễ bế giảng với niềm vui hân hoan sung sướng được nhận tờ giấy khen và lắng nghe những lời dặn dò của thầy cô, chúng tôi tạm biệt sân trường nhiều kỉ niệm để trở về với mùa vui chơi thỏa thích của tuổi thơ.

Mùa hè của trẻ con vùng thôn quê có muôn vàn trò chơi thú vị, từ bắn bi, năm mười, nhảy dây cho đến những trò nghịch ngợm khác. Ấn tượng nhất với tôi vẫn là trò dùng ống bụp để bắn bằng trái bời lời. Tuy có lúc cũng không an toàn, bị người lớn nhắc nhở, la rầy nhưng đứa nào cũng thích thú.

Ai đã từng sống ở vùng thôn quê hẳn đều biết đến cây bời lời. Có nhiều tên gọi khác nhau như: bời lời, bời lời nhớt, bời lời dầu, nhớt mèo… Nhưng ở quê tôi vẫn quen gọi là "bồ lời". Hồi đó, dân cư còn thưa thớt, đất vườn hoang rất nhiều nên dễ dàng gặp bời lời mọc khắp nơi. Nhiều nhất là ở gò hoang, bìa rào, vườn tre, bãi soi… Cây cao lớn, nhiều cành, lá to có màu xanh đậm, hoa nở từng chùm màu vàng nhạt, trái tròn cỡ như viên bi xe đạp, có mùi nồng nồng hăng hắc. Cây ra hoa kết trái vào mùa hè. Với bọn trẻ chúng tôi thời đó, trái bời lời là một thứ quà quý, không phải để ăn mà để chơi.

Ống bụp (còn gọi là súng) bời lời. Ảnh internet
Ống bụp (còn gọi là súng) bời lời. Ảnh internet

Để làm một ống bụp cũng không khó khăn gì với bọn trẻ chúng tôi. Tìm ngọn tre có lóng thẳng, dài khoảng 30cm, dùng cưa để cắt phần sau khoảng 2,5cm rồi vót thanh tre tròn bằng chiếc đũa gắn vào, khoét phía mặt trên lóng tre để có chỗ bỏ hạt bời lời, khoét trước đầu lóng một lỗ nhỏ vừa để hạt bắn ra. Đơn giản như vậy thôi, nhưng để bắn được liên tiếp thì cần một lóng tre hoặc mò o được nẹp chặt bên trên để làm ống tiếp “đạn”. Hạt bời lời còn xanh cứng, khi vào trong ống tre nhỏ, nhờ cán cầm có gắn thanh tre tròn như chiếc đũa đẩy ép tới sẽ phát ra tiếng nổ lớn “pằng pằng”. Đây là trò chơi thích thú của những đứa con trai mà mãi tận sau này những hạt bời lời, những tiếng nổ vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.

Thường ngày, cây bời lời trầm ngâm lặng lẽ, đứng khép mình chẳng mấy ai hay. Vậy mà khi đã cho trái, nó có sức quyến rũ đến kì lạ. Bản thân cây bồ lời có mùi hương đặc biệt, từ cành lá cho đến trái đều tỏa ra mùi hăng hắc, nồng nồng. Mùi hương ấy như dẫn dụ bọn trẻ tìm đến. Từng chùm quả sai trĩu trịt, oằn cả nhánh, xanh cứng được bẻ xuống để lặt lấy trái. 

Hết ngày này qua ngày khác, hết cây kia rồi đến cây nọ, cứ thế mà chơi suốt cả mùa hè. Âm thanh tiếng nổ giòn tan của ống bụp bắn bằng hạt bời lời vang khắp kiệt trên, ngõ dưới. Đường thôn quê xưa chưa đổ bê tông, hai bên còn tre rậm rạp, những hàng tre trở thành bia bắn cho bọn trẻ. Đôi khi còn khích nhau chia phe để bắn nữa. Mỗi lần như thế đều bị người lớn la rầy bởi ồn ào giữa buổi trưa, khiến cho đường sá bụi bay mù mịt, mủ nhớt dính vào tóc tai quần áo rất khó giặt, và đáng lo hơn là trái bồ lời nếu bay vào mắt sẽ rất nguy hiểm. Cuộc chơi tạm dừng, rồi cùng nhau lùa bò ra soi, ra đồng. Hôm sau lại tiếp...

Tuổi nhỏ còn chưa biết nhiều về bảo vệ môi trường, về giá trị của cây để gìn giữ. Cứ mãi bẻ cành, lặt lá, hái trái cho đến khi nhìn lại tôi thấy thương cây bời lời trơ trụi, xác xơ.

Tôi nào đâu biết, khi chạy nhảy bị bong gân là mẹ hái lá bồ lời giã nhỏ để đắp, bị đứt tay thì hái lá bồ lời vò nát bôi lên sẽ cầm máu, bị mụn nhọt thì lấy trái hoặc lá vò nát bôi vào, chướng bụng hoặc tiêu chảy thì dùng vỏ cây sắc nước uống sẽ đỡ, vỏ bời lời đem ngâm nước rồi bôi lên tóc sẽ óng mượt hơn. Mãi sau này tôi mới biết cây bời lời là nguyên liệu không thể thiếu để làm nhang thắp, làm xà phòng, làm nến, làm thuốc, lấy gỗ, nghiền nát làm bột ván ép… Hóa ra cây bời lời còn là cây nguyên dược liệu quý nữa!

Nay ở quê tôi không còn nhiều cây bời lời như trước. Không gian của làng quê khang trang, hiện đại nhưng thưa dần bóng cây xanh. Trẻ con bây giờ có nhiều trò giải trí gắn với thiết bị máy móc thông minh nên không để ý, thậm chí là không biết đến các loài cây, các trò chơi dân gian. Chưa hết mùa xuân mà miền Trung đã nắng nóng, tiếng ve đã râm ran, mùa hè sắp đến rồi. Trong cái nắng chói chang, gay gắt, tôi trảy những cành nhánh cây bời lời vừa mới chặt bỏ để mang về. Tôi hít hà mùi của cây cho đã đời, thứ mùi quen thuộc, gần gũi lắm. Và bời lời gợi nhớ trong tôi rất nhiều kí ức ngày xưa!

PHAN HUY THÙY