Giàn bầu của mẹ
Nhà tôi nằm trên con đường tránh của xóm, đặc điểm nhận diện là một giàn bầu lúc lỉu trái. Thấy ai đi ngang qua, mẹ mời chào: “Ăn bầu không? Vào mà hái này”. Mẹ không bán, chỉ cho.
Tuy mời chào nhiệt tình, cũng có lúc bầu bị ế. Mẹ không nỡ để chúng già đi nên chế biến ra món bầu khô. Bầu non gọt vỏ, bào lấy thịt, bỏ ruột. Mẹ giăng dây kẽm ra chỗ đón nắng nhiều nhất, vắt từng sợi lên.
Những vạt bầu xanh ngọc pha trắng, còn mọng nước lấp lánh trong nắng. Tôi chụp lại hình ảnh long lanh đó, gửi cho thằng út đang học ở bên kia bán cầu. Nó thở dài vì nhớ nhà, nhớ xóm.
Bao nhiêu vị ngọt tự nhiên đều nhờ nắng mà cô đọng lại ở miếng bầu khô. Bầu khô đem ngâm nước lạnh cho mềm, xào với tép và hành lá hoặc kho cá kho thịt đều ngon. Có hôm cầu kỳ, mẹ hầm xương rồi thả một nhúm bầu khô vào, vị ngọt của bầu khô và xương quyện vào nhau, ăn no rồi vẫn phải xin thêm chén nữa.
Xóm vốn toàn dân kinh tế mới, thỉnh thoảng lại có vài gia đình khác chuyển đến. Nhà nào mới đến đều gọi là “nhà Mới”, người ở trong nhà mới thì gọi là cô Mới, bác Mới. Cô Mới tuy vẻ mặt khó gần nhưng có một giàn bầu lúc lỉu trái. Trái nào cũng bóng nhẫy, dài ngoẵng trông thích mắt.
Thằng út có tên ở nhà là Sểu. Thuở nhỏ, miệng nó hay chảy dãi. Nhà đói kém nên nó thèm ăn đủ thứ, mỗi lần thèm ăn lại càng chảy dãi tợn. Thằng Sểu chưa bao giờ được ăn bầu, mỗi lần đi ngang qua nhà cô Mới, nhìn thấy quả bầu mướt mắt tự dưng nó chảy dãi, nước dãi nhỏ xuống cả ngực áo.
Mẹ thương nó, bẽn lẽn qua nhà hàng xóm mới làm quen. Hóa ra, cô Mới sống cảnh một mẹ một con, gương mặt đăm đăm thường ngày là do tủi khổ, đơn độc mà thành. “Em sợ nhất là con đói nên mới vỡ đất em đã lo trồng khoai sắn với giàn bầu này”, cô kể.
Lúc mẹ ra về, cô hái cho mấy trái bầu cả non lẫn già. Trái non để ăn, trái già để lấy hạt làm giống. Sau lần ấy, hai nhà qua lại với nhau thân thiết. Thằng bé con cô bằng tuổi thằng Sểu, chúng chơi với nhau hồn nhiên, chiếc kẹo dừa cũng chia đôi.
Nhà tôi về sau trồng được một giàn bầu. Đúng mùa sai quả nhất thì bố tôi mắc bệnh nặng, mẹ một tay cắp thằng Sểu, một tay dắt chị ba, trên lưng gánh củi cùng xoong nồi xuống Sài Gòn chăm nuôi. Ba anh em ở nhà, mẹ gửi cho cô Mới coi sóc. Cô đưa anh em tôi về, san sẻ từng bữa cơm độn khoai sắn.
Có lần, nghe tiếng cô cà lon sữa bò vào đáy thùng gạo nghe rồn rột, biết nhà hết gạo, anh hai đòi về, nói dối rằng bố sắp được ra viện. Về nhà, anh hái bầu, cắt từng miếng to như nắm tay luộc cho các em chấm muối hạt, ăn thay cơm. Cô Mới xuống thấy cảnh ấy: “Ôi! Cháu tôi”, cô thốt lên rồi nước mắt giàn giụa.
Kể cả khi biết tên cô rồi, chúng tôi vẫn gọi cô là cô Mới suốt gần hai chục năm vì quen miệng. Chẳng ai thấy cô “cũ” đi, lòng thơm thảo, nhân hậu luôn đong đầy. Về sau, con trai cô đi học, đi làm xa, cô bán cả nhà đất theo con về Sài Gòn. Mảnh đất ấy lại có một nhà khác chuyển đến.
Họ xây ngôi biệt thự to, tường rào dây thép cao ngất, vẻ xa cách. Cũng như mấy mươi năm trước, xóm tôi bây giờ mọc lên nhiều “nhà Mới”. Chỉ khác ở chỗ, trước đây do nghèo khó người ta mới phải về nơi heo hút này lập nghiệp. Bây giờ, hầu hết là những người có tiền, mua đất ở nông thôn để nghỉ dưỡng.
Chiều nay, một người hàng xóm mới ăn mặc sang trọng đi ngang qua nhà cũng vào bắt chuyện với mẹ rồi khen giàn bầu khô đẹp như tranh. Mẹ lại mời chào “Cô ăn không? Chị cho ít”. Người phụ nữ tươi cười không ngại ngần nhận lấy. Vậy cũng khiến mẹ tôi giản đơn vui cả buổi chiều.
Mẹ bảo hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng ai sống chẳng cần xóm giềng. Bà chăm chút giàn bầu, vườn rau, khóm sả…chỉ để giữ lại chút thơm thảo quê mùa cho người thân và bao kẻ xa lạ, chắc rồi sẽ thành quen.