...Từ những điều bình dị
(QNO) - Hạnh phúc là được yêu thương và chia sẻ. Và, yêu thương, chia sẻ, chính là hạnh phúc.
Dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ và cũng giúp con người có cơ hội nhìn nhận lại mọi thứ, kể cả cách nhìn nhận về hạnh phúc. Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc, nhưng chung quy lại, còn được yêu thương và chăm sóc, quan tâm và chia sẻ với gia đình và người thân cùng những người chung quanh mình, là hạnh phúc.
Cuộc sống có rất nhiều điều bình dị và được làm nên từ những điều rất bình thường, diễn ra hằng ngày, đến nỗi ai cũng xem đó là mặc nhiên và không cần để ý. Như, những bữa cơm sum vầy, những cuộc sum họp gia đình, những cuộc chuyện trò trực tiếp chứ không phải qua facetime, trẻ em được đến trường học trực tiếp, hay thậm chí chỉ là hít thở khí trời...
Nhưng dịch bệnh biến những điều đơn giản và bình thường ấy trở nên... xa xỉ. Để rồi, trong cơn dịch giã, có quá nhiều điều đơn giản và bình dị lại trở nên khó khăn, xa vời vợi với bao người, bao gia đình!...
Dù ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng những thói quen, nếp sống thường ngày ở nhà tôi khó có thể duy trì được nữa. Như chuyện các ngày trong tuần gia đình tôi ăn ngày ba bữa ở nhà.
Riêng ngày cuối tuần, sau khi ăn sáng, uống cà phê ở một quán nào đó có không gian thoáng đãng, lãng mạn và dễ thương một chút..., thì chúng tôi về quê. Vậy nhưng giữa thời dịch giã, trong nhà có người F0, người F1, phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, việc ra quán hay về thăm quê thăm cha mẹ đành phải cắt bớt.
Khi cả nước bắt đầu “sống chung với dịch”, số ca F0 tăng nhanh ở mọi nơi. Đến mức, bất cứ ai mà chúng ta gặp đâu đó cũng có thể là người đang mắc bệnh. Còn chúng tôi luôn phải tự test nhanh trước khi về quê, khi kết quả âm tính mới dám về, vì muốn giữ sức khỏe cho cha mẹ già ở quê. Nhưng dù có về được cũng vẫn giữ khoảng cách, bới tô cơm ngồi ăn riêng, nhìn cha mẹ qua qua lớp khẩu trang và kính chắn giọt bắn.
Gần tháng nay gia đình tôi chưa có được bữa cơm sum họp dù ở chung nhà, cũng chưa về quê được, dù chỉ cách quê có mấy chục cây số. Con trai lớn của tôi F0 phải cách ly tại nhà, đến chồng tôi, rồi chị chồng F0. Bàn ăn gia đình ngày thường luôn đầy đủ 5 thành viên, vậy mà có bữa chỉ còn tôi và con út.
Bữa ăn của gia đình có F0 được chăm chút dinh dưỡng hơn ngày thường nhưng ai ăn cũng không cảm thấy ngon. F0 phần vì bệnh, lại phải ăn một mình ở không gian riêng nên đương nhiên là uể oải. Những người còn lại cũng không thấy ngon, bởi thấy thấm thía câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Nhớ hôm trước, sau một tuần cách ly, test nhanh cho kết quả âm tính nhưng vẫn được khuyên cách ly thêm vài ngày, tới bữa ăn, con trai tôi bảo để con bưng cơm ra khỏi phòng, ngồi ăn cùng lúc với cả nhà, nhưng vẫn giữ khoảng cách, chỉ để nhìn cả nhà ăn và nói vói vài câu.
Những ngày cách ly, con trai tôi vẫn tập thể dục trong phòng, cháu chỉ mong hết đợt để được ra ngoài thoải mái hít thở khí trời mỗi sớm mai. Còn con út thì chỉ mong anh Hai hết cách ly để được ôm anh Hai một cái. Chỉ hơn một tuần thôi, mà cảm thấy thời gian như thăm thẳm.
Trải qua hai năm dịch bệnh, con người trở nên mong manh và nhạy cảm hơn. Và chưa bao giờ thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” - chủ đề của Ngày quốc tế hạnh phúc - có ý nghĩa như năm nay.
Ngày quốc tế hạnh phúc năm nay lại rơi vào Chủ nhật, như vậy là nhiều người sẽ có thêm cơ hội để chăm sóc, chia sẻ, yêu thương gia đình, người thân. Yêu thương và sẻ chia để những người mắc Covid được tiếp thêm động lực vượt qua dịch bệnh. Yêu thương và sẻ chia để mọi người xích lại gần nhau hơn.
Ở phạm vi rộng hơn, nhiều gia đình hạnh phúc thì lan tỏa hạnh phúc đến cộng đồng, xã hội thịnh vượng, thế giới hòa bình.
Hạnh phúc, tùy thuộc quan niệm mỗi người; hạnh phúc tưởng chừng như rất mơ hồ và lớn lao, nhưng cũng rất cụ thể và bình dị. Với tôi, hạnh phúc là được yêu thương và chia sẻ. Và, yêu thương, chia sẻ, chính là hạnh phúc.