Nhớ giếng quê
(QNO) - Tân Thành quê tôi là một trong 5 thôn của xã Cẩm An cũ (An Bàng, Tân Thành, Phước Tân, Phước Trạch, Phước Hải). Ông bà kể lại rằng từ xa xưa (khoảng thế kỷ XVII) một phần đất thuộc địa phận làng Câu (tức làng Phúc An, sau này là Phước Trạch) cùng với một phần thuộc ấp Cồn Động (làng Thanh Hà) là dải đất dài ven sông đối diện Trà Quế, sau lưng là nổng cát cao, dài miên man.
Một bộ phận cư dân sống ven sông Đế Võng làm nghề chài lưới, trồng lúa, đậu và mè, một bộ phận sống ở các xóm chài bao bọc bởi các nổng cát dài, xen kẽ là vùng trũng chuyên trồng khoai lang, hành hương và đậu phụng.
Sau ngày giải phóng, từ khu tản cư, ông nội tôi cùng nhiều gia đình trở về xóm cũ, khai hoang làm nhà trên các mảnh đất cát dọc bờ biển, hình thành nên một xóm mới kéo dài từ thôn An Bàng đến cuối thôn Tân Thành (sau lưng UBND phường Cẩm An hiện nay).
Là vùng đất cát nên nước chủ yếu được lấy từ giếng đào để ăn uống, tắm giặt, còn ao làng cung cấp nước cho trồng trọt và chăn nuôi. Tuổi thơ tôi cùng đám bạn gắn bó với nhau chủ yếu ở bãi biển, trường làng và giếng ông Thà.
Người ta thường nhắc về làng quê xưa với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình nhưng quê tôi không có đình làng, cũng không có cây đa nào cả, kỷ niệm tuổi thơ hầu như chỉ quanh quẩn bên giếng nước này.
Mỗi sớm chiều, khi người lớn kéo nước về đổ đầy ảng thì đám trẻ con tụ tập chạy nhảy, vui đùa xung quanh. Trong trí nhớ của tôi, giếng được làm từ những bi xi măng xếp lên nhau, độ sâu khoảng 5-7m, nước từ các kẻ chảy ra trong veo mát lạnh. Không rõ ai làm ra giếng này và nó có từ bao giờ, ký ức đọng lại là những buổi chơi bắn bi, nhảy dây, đá kiện, cưỡi ngựa, xèo giấy, ném cũi, lò cò, trốn tìm cùng những trận đánh nhau chí chóe trong chu vi tầm trăm mét vuông xung quanh giếng.
Trẻ con ở xóm biển này hầu như ai cũng giống nhau, ngoài đi học ra thì thời gian rãnh là vác bồ cào đi cào lá dương liễu về chất thành đống để dành nấu ăn, ngày tắm biển, đá banh hai ba lần, lớn tí nữa thì phụ kéo lưới rùng, gỡ cá khi vào mùa, gánh nước tưới khoai, tưới đậu, tỉa lá hành phụ gia đình để kịp đưa đi bán ở các chợ.
Thế rồi một ngày có dự án của EC tài trợ làm đường, kéo điện về xóm, họ khảo sát nhiều nơi và quyết định đóng một giếng bơm bằng tay cho xóm, chiếc giếng này đóng cách trường học tầm 50m, chu vi quanh giếng tầm 30m2 được tráng nền xi măng để người dân có nơi tập trung giặt quần áo.
Nơi đây trở thành chỗ mới cho trẻ con tụ tập. Chạy nhảy chơi đùa ở trường thỏa thích là rủ nhau ra giếng bơm, đứa này hì hục bơm thì đứa kia tắm, thay nhau vừa bơm vừa cười nói rôm rả cả buổi trưa. Thời đó điều gì mới đều mang lại cho trẻ con sự lạ lẫm, thích thú.
Không lâu sau thì xảy ra xâm thực, bờ biển bị xói lở nhanh, biển ăn sát vào khu dân cư. Nhiều nhà dân phải chuyển vào ở trục đường mới, xóm cũ không còn, nước máy ra đời thay cho giếng bơm, mọi thứ thay đổi trong chớp mắt, tất cả chỉ còn lại trong ký ức.
...
Tân Thành nay đã khác xưa nhiều, nổng cát cao đi bắt mỏi chân, các ao làng hình thành từ những hố bom, cánh rừng dương liễu xen lẫn cây dứa, kim đàn, ma vương, nhãn rừng... không còn nữa. Những khu nhà lá xập xệ đã nhường chỗ cho những dự án tái định cư, các khu resort, villa mọc lên khắp nơi, bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày. Với lượng khách du lịch đông đảo về với Hội An, cuộc sống người dân đã đầy đủ hơn, ấm no hơn.
Dù lối sống đã thay đổi theo hướng hiện đại, tiện ích hơn nhiều nhưng trong tôi và đám bạn cùng lứa, giếng nước ông Thà và giếng bơm EC mãi là nơi đọng lại những ký ức đẹp đẽ của một thời nghèo khổ nhưng ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo, ngọt ngào như chính dòng nước mát lành chảy ra từ các khe cát của xóm chài Tân Thành ngày nào.