Nghĩ về thời công nghệ số

ĐÌNH QUÂN 16/02/2022 14:50

(QNO) - Macbeth - nhân vật trong một tác phẩm của đại văn hào Shakespeare - từng tái tạo niềm tuyệt vọng của kẻ giác ngộ: Đời chỉ là một bóng tối đang lê bước (Life’s but a walking shadow). Phải chăng, đấy là cách nói đầy hàm ý, những gì hiện hữu trên thế gian này tất cả như mộng như huyễn?

Chúng ta đang sống trong thời đại mọi thứ đều tự động hóa. Con người bây giờ chẳng cần làm gì và cũng chẳng nhọc nhằn gì cho đến chẳng đổ một giọt mồ hôi hay mất công sức với một cử động nhỏ nhặt nào. Mọi thứ đều được lập trình, được làm sẵn, được số hóa... Chỉ cần cú nhắp chuột (mouse), ấn nút lệnh (action buttons), vuốt quẹt trên màn hình cảm ứng... là thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu, yêu cầu.

Ngày nay cuộc sống công nghệ số con người đã rất quen với những thuộc tính tiện ích như thế kể cả những thuật toán cho phép ra một lệnh bằng thanh âm, bằng ý nghĩ (kể cả robot có thể nhận biết những xúc cảm của con người)… tức thì những phần đã cài đặt sẵn sẽ đáp ứng  ngay tức khắc.  Những “lệnh” giải quyết tất cả; có thể ghi lời nói, âm thanh, hình ảnh,... hoặc kích hoạt tạo ra tiếng nổ gây chết chóc mọi lúc mọi nơi... Con người tạo muôn vàn tiện ích mà cũng hủy diệt khủng khiếp ở mọi ngóc ngách trong đời sống hiện đại.

Trong Kinh Kim Cang ghi lời Phật dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng, huyễn, bào ảnh/ Như lộ diệc như điện/ Ưng tác như thị quán (Tất cả các pháp hữu vi/ Như bóng bọt nước có gì khác đâu/ Như sương, như điện lóe mau/ Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng). Cuộc đời như bóng bọt nước, như cái chớp lóe tan vào giấc chiêm bao...  Nhưng biết và hành hai vấn đề quá khác xa. Làm thế nào để con người ý thức và tiếp cận dễ dàng với những điều sâu sắc ấy? Phật dạy chỉ có một cách là ly dục, lìa bỏ tham ái.

Chúng ta đang ôm nhiều quá: nhà lớn, xe sang, của đầy, tiền đống, vợ đẹp, con ngoan, quyền cao, lộc  trọng... và những tưởng đó là niềm hoan lạc, là chuỗi hạnh phúc... Thủ tướng Bhutan Jigme Thinley phát biểu tại diễn dàn Liên hiệp quốc: “Hạnh phúc là vấn đề nghiêm túc. Niềm tin về việc sản xuất và tăng trưởng vô hạn trong một thế giới hữu hạn là điều không thể có được và không công bằng đối với các thế hệ tương lai”.

Ta cũng biết, thuật ngữ GNH (Gross National Happiness) - Tổng hạnh phúc quốc gia được vua Bhutan Sigme Wangchuck đặt ra khi ông lên ngôi năm 1972. Vương quốc Bhutan nhỏ bé nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, ở đó người dân có cuộc sống bền vững, thanh bình; không kẻ thất nghiệp, không người nghiện rượu, không trẻ em bất hạnh hoặc không bạo hành trong gia đình... Mỗi gia đình đều có đất đai, gia súc, tự cung tự cấp đủ đầy... Giáo dục, y tế hoàn toàn miễn phí. Chính phủ cấm săn bắt thú hoang dã và kinh doanh thuốc lá dưới mọi hình thức...

Tuy GNH đặt ra không phải hàm chứa mọi điều là tốt đẹp vì thực tế mức sống của người dân của quốc gia Bhutan vẫn còn nghèo nhưng ở đấy luôn bình yên, người dân thuần hậu chất phác, nhịp sống lặng lẽ, chậm rãi và nhất là tiềm tàng nhiều giá trị nhân bản to lớn.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia hiện nay đều chạy đua GDP, làm ra thật nhiều của cải vật chất, xem đó là thành tựu bậc nhất về phát triển kinh tế. Thực tế, GDP không thể bao hàm chất lượng cuộc sống, phân bố bình quân đầu người đồng đều, trung thực mà chỉ làm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo càng lúc càng lớn. Vì vậy GDP dễ làm lạc hướng; chỉ bám vào phương tiện mà quên mục đích (!).

Ta nghe rất nhiều cụm từ: trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính, tan băng, nước biển dâng, bão tố, sa mạc hóa... hậu quả là do cách ứng xử của chúng ta. Để giải cứu thế giới đã có Nghị định thư Kyoto (1997) cam kết dựa trên các nguyên tắc chương trình khung của Liên hiệp quốc đề ra về biến đổi khí hậu. Mục tiêu giảm thiểu ngay các khí: carbon dioxide, methane, nitơ oxit, lưu huỳnh, hexafluorua, cloruafluoruacarbon, perfluorocarbon (tác nhân làm thủng tầng ôzôn...).

Gần đây lại có nhiều diễn đàn quốc tế mở ra hàng năm cũng nhằm giải quyết về khí hậu và môi trường, biến đổi khí hậu như ở Copenhagen (COP 15), Durban (COP 17), Doha (COP 18), Warsaw (COP 19 - 2013) và gần đây COP 26 tổ chức ở  thành phố Glasgow, thủ tướng Boris Johnson phát biểu: “COP 26 thất bại thì nền văn minh sẽ sụp đổ như đế chế La Mã..”. Các diễn đàn trên thường thất bại vì không tìm được  tiếng nói chung.

Khi vấn đề đi vào bế tắc cũng đồng nghĩa nhà máy sẽ ùn ùn mọc lên, con người lao vào lùng sục săn bắt động vật hoang dã, ngang nhiên đốt chặt phá rừng, vắt cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, chặn dòng lấp sông hòng sinh lợi, giành lấn đại dương thỏa những tham vọng ngông cuồng, xả chất thải tràn lan, môi sinh môi trường nhiễm bẩn và thiên tai mỗi ngày mỗi tàn khốc.  Đau ốm, tật bệnh, đói nghèo đeo đẳng. Cuộc sống bất an khiến các nhà hoạch định chiến lược xã hội không thể ngồi yên.

Theo Frank Dixon - chuyên gia kinh tế, cái giá con người phải trả rất đắt đỏ cho sự suy thoái môi trường và xã hội trước sự thống trị tràn lan của chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ.

Nhưng thôi kệ, nói như thi sĩ Bùi Giáng: Thưa rằng: nói nữa là sai/ Mùa xuân đương đợi bước  ai đi vào/ Hỏi rằng: đất trích chiêm bao/ Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau... Chúng ta không thể giằng co níu kéo mà cứ để mọi sự thường tại như nhiên nằm trong chuỗi quy luật sinh - diệt, tâm - ý, thực – mộng đều không; một khoảng rỗng không tồn tại vĩnh viễn còn mọi thứ đều là ảo ảnh phù du. Thay lời kết, xin mượn bài Nhạn ảnh của thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài:

Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm (dịch nghĩa: Nhạn bay lướt trên không/ Bóng in chìm dưới nước lạnh/ Nhạn không có để lại dấu/ Nhạn chẳng bận tâm giữ lại hình).

Cầu mong thế kỷ thứ 21 con người bước vào như con chim nhạn bay lướt trên mấy tầng không mà chẳng cần biết bóng hình sắc tướng của mình để làm gì, mà chỉ cốt sao thâm tâm được thanh thản nhẹ nhàng để mà còn chút thời gian cợt đùa với gió xuân đang lấp ló ở ngoài kia.

,

ĐÌNH QUÂN