Gương mặt của trăng

LÊ THỊ NGỌC TRÂM 16/02/2022 06:23

(QNO) - Trong ý niệm, tôi đồng nhất trăng với những người phụ nữ, họ mang gương mặt của trăng, trăng khiến người ta thường nhớ đến thời con gái, và phải chăng, mỗi lần trăng xuất hiện là một lần họ được sống lại thời đáng kiêu hãnh nhất của chính mình? 

Trăng tròn. Nguồn: unsplash.com
Trăng tròn. Nguồn: unsplash.com
Má sinh tôi trong đêm Nguyên tiêu, không biết tôi với trăng có duyên nợ gì hay không. Tôi cứ lãng đãng như đi trong mộng, ở cái nơi “sương khói mờ nhân ảnh” để nhìn cuộc đời. Trong ý niệm, tôi đồng nhất trăng với những người phụ nữ, họ mang gương mặt của trăng.

Hồi nhỏ, đêm đêm nội thường kể chuyện cho tôi nghe nhiều chuyện cổ tích, chẳng hiểu sao, tôi lại tin kho tàng cổ tích dân gian ra đời từ những người bà. Có đêm nội kể chuyện ma, xen trong tiếng gió kéo qua hàng tre sau nhà nghe cót két, xen trong tiếng côn trùng tấu khúc rỉ rả như hưởng ứng câu chuyện của nội. Nội bảo, ngày xưa chiến tranh người chết như ngả rạ, vào những đêm trăng, lại có những hồn ma ngồi vất vưởng trên ngọn cây ru con thê thiết. 

Nằm trong lòng nội là nơi an toàn nhất cho trí tưởng tượng của tôi về cái thời xa lắc chỉ với hai màu đen - trắng. Tôi nhỏm đầu dậy hỏi: “Rứa dù đã là ma, họ vẫn muốn ru con hả nội?”. Nội xoa đầu và siết tôi chặt hơn: “Dù là ma, ai cũng muốn con ngủ ngon, mau lớn, thành người”. Tôi chìm vào giấc ngủ tự khi nào không hay.

Hồi đó, khi điện vẫn là thứ xa xỉ, đường làng được trăng tắm trong ánh vàng uyên áo. Tôi men theo đường trăng soi về ngoại. Trăng là quê hương, điều lúc nhỏ tôi vẫn tin rằng trăng chỉ thuộc riêng ở xứ sở mình, trăng đi theo bước chân bà dắt cháu sóng sánh thấp cao, để ngày mai lên lớp tôi lại hứng khởi đi khoe với đám bạn: “Hôm qua trăng chỗ mi răng, chỗ tau nó tròn như trái banh”…

 

Ngoại bảo ngày xưa má tôi đẹp nhất vùng, nên ba tôi dùng đủ "chiêu trò" để tán đổ má. Sau này, tôi vô tình tìm thấy trong cuốn sổ đã sờn mòn, nét mực đã lem luốc của má tôi những bài thơ má chép thời thiếu nữ.

Tôi chợt hiểu, bấy lâu nay ở gần mà tôi lại “xa” má còn hơn xa cả mặt trăng trên cao kia, khi không hiểu đôi mắt của má buồn không chỉ bởi lo toan mà còn vì ba tôi không biết thưởng trăng, ba cũng không để ý rằng đêm có trăng hay không.

Ngày đó, tôi hỏi má vì sao những đêm đáng nhớ của nhân gian đều luôn có trăng, má bảo: “Vì người ta đều sợ bóng tối”; tôi vẫn chưa dừng lại: “Rứa vì răng trăng tròn thì mới là trăng đẹp nhất?”. “Vì ai cũng thích sự viên mãn đó con” - lời má.

Tôi đã hiểu vì sao người ta gọi cô tôi là trăng khuyết. Cô thường ngồi bên hiên nhà, nhất khi mỗi độ mai vàng trước ngõ, mắt cứ nhìn xa xăm, nụ cười vừa có cái gì như trẻ thơ vừa có gì như tuyệt vọng.

Tôi chắc Nguyễn Bính cũng từng rất hiểu cái dáng ngồi ấy, và biết đâu cũng trong đêm trăng tròn, những câu thơ tuyệt tác đã ra đời: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng” (Mưa xuân).

Là bởi trăng hay làm người ta nhớ đến thời con gái. Tôi nhớ bà Bảy, hàng xóm nhà tôi thuở hàn vi, cứ mỗi độ trăng lên lại ra trước sân, bà len lén đem quyển sổ tay ghi chép bài hát bà yêu thích, "độc ca" với đất trời, có hôm thì có khán giả là tôi, tôi của năm lên tám.

Trước bà tham gia đoàn nghệ thuật, từ ngày lấy ông, ông cấm. Tôi hỏi bà sao phụ nữ khổ thế, bà nói: “Trời cho chi hưởng nấy, bé con”. Ai đó nói với tôi, phụ nữ miền Trung hay tủi thân tủi phận, nên ít khi mong cầu.

Phải chăng, mỗi lần trăng xuất hiện là một lần họ được sống lại trong cái thời đáng kiêu hãnh nhất của chính mình? Dáng bà Bảy ngồi nhỏ xíu, như hạt cát li ti, hòa vào tấm khảm bao chấm nhỏ phận người khác, cũng dưới trăng.

Tôi từng có cho riêng mình một vầng trăng hoa niên. Bọn tôi biết nhau khi là những “vầng trăng non”, mới tí tuổi đã "hứa hẹn" dưới trăng, cậu ấy bảo rằng tôi chính là trăng, còn cậu là ngôi sao hay kè kè ở bên.

Bây giờ cậu ấy đã lên thành phố, vầng trăng thuở thần tiên ban sơ vẫn ở đây nơi góc làng, đậu trên đám lúa trổ đòng mượt óng, nhưng chỉ mình tôi ngắm, vầng trăng của hoài niệm.

Tôi giận trăng vì vẫn cứ sáng quá, vẫn cứ tròn vành vạnh, như ngó lơ con nhỏ đang sướt mướt vì giã từ mối tình đầu. Tôi thoảng nghe câu má hay hát ru tôi thuở nhỏ, trong căn nhà thâm u: Trăng khuya nhớ ai, trăng vỡ giữa lòng biển khơi/ Lòng em nhớ ai, em còn mong chờ người xa/ Con sông quê nay đã già mà người đi biền biệt phương xa…

Sau này vào văn khoa, ngắm trăng cổ kính trên nội thành cố đô, tôi tự hỏi liệu có phải thi nhân đã tỉ mẩn lượm lặt những gương mặt trăng non, trăng già, trăng tròn, trăng khuyết để kết nên thơ?

Còn bây giờ, giữa phố thị sáng rực những đèn, trăng vẫn trên cao, chiếu rõ nhân gian bằng thứ ánh sáng thanh dịu, trăng có buồn không hay sẽ kiêu hãnh với sự độc tôn, và khi trăng buồn, trăng sẽ phát ra tín hiệu gì để nhân gian được biết…

LÊ THỊ NGỌC TRÂM