Tháng Giêng
“Tháng Giêng ăn tết ở nhà…”.
Bước sang tuần lễ đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, căn nhà cổ ba gian chật ních tiếng đùa vui của con cháu bỗng nhiên trống huơ, rộng thênh… Mùa dịch Covid người ta ngại thăm nhau, càng vắng. Vẫn còn đó bánh, mứt, hạt dưa, rượu ngon. Hai ông bà già ngồi trong hiên lặng nhìn vạt cải lên ngồng vàng rực.
Sao lại cả tháng Giêng ăn tết? Gần như để đón năm mới, mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo trong cả tháng Chạp. Từ phần mộ ông bà đến bàn thờ tổ tiên, cây củi khô, hạt nếp thơm, cân thịt heo, chai dầu nguyên chất, quần áo mới...
Vậy là cả tháng Giêng phải được bù trừ chăng? Không thể biết, nhưng hồi xưa cả ba ngày tết là thời gian chỉ dành cho lễ cúng ông bà và việc mừng tuổi nội ngoại. Còn nhớ, cha bắt tôi phải tập lạy trước khi được theo chân đi mừng tuổi ông bà. Lạy không đúng cách, không đẹp thì chịu khó nằm nhà.
Thích nhất là được mặc bộ quần áo mới lon ton chạy theo cha trên con đường đất ngoằn ngoèo một bên là rừng một bên là đồng. Muốn lắm, muốn được xách chai rượu mừng tuổi cho oai, cho ra vẻ ta đây người lớn mà không được.
Hai chiếc nem xâu lạt tre móc vào cổ chai rượu được gói trong một chiếc khăn sạch. Chỉ có cha mới được quyền xách cái bọc trang quý ấy. Cha nói, ngày đầu năm mà không cẩn thận lỡ để xảy ra điều chi bất ổn là cả năm cứ gặp trắc trở. Câu nhắc nhở vô thưởng vô phạt ấy cả đời theo tôi như là một bài học tự làm mới chính mình.
Sau khi cúng đưa ông bà xong vào chiều mùng ba, bước sang mùng bốn xem như cuộc chơi “ăn tết ở nhà” mới chính thức được bắt đầu. Ngoài chợ, sân cơ quan, chùa đình… là những tụ điểm bài ghế.
Cũng những con bài Ông Ầm, Nhì Bí, Sáu Tiền… quen thuộc, cũng cái chòi tranh dành cho người hô thai cao lêu nghêu mà không hiểu sao ở quê tôi thường gọi là bài ghế. Có lẽ là do người chơi được ưu tiên ngồi tư thế trên những cái ghế tạm được làm bằng róng tre.
Tôi thích theo mẹ, theo chị đi chơi bài ghế là để được hưởng cái cảm giác hồi hộp, thinh thích khi cầm cây cờ nhỏ ngồi đợi con bài cuối cùng. Làng Phước Đức của tôi ở cạnh làng Khánh Đức, chiếc nôi hát bội của vùng đất Quảng Nam nên không thể bỏ qua hát bội như là một trong những thú vui “tháng Giêng chơi tết’’. Thường thì lễ hát hằng năm được tổ chức cả đêm lẫn ngày vào dịp rằm tháng Giêng...
Tháng Giêng, hoa tưng bừng nở, trời dịu mát, se lạnh bỗng nắng rè lên, trong xanh cao rộng lạ thường. Cha nói, đó là dấu hiệu nắng dài ngày. Cỏ lúa, củ khoai, củ sắn đang chờ. Vụ mùa tạm quên lại chợt nhớ, kế hoạch thăm chơi tết chợt nhớ lại phải tạm quên…
Bây giờ thì khác. Mùng bảy cả nước đã bắt đầu làm việc lại rồi. Chỉ còn hai ông bà già ngồi với tháng Giêng chờ tin con bình an.