Mâm cúng chiều cuối năm

NHƯ TRANG 28/01/2022 08:46

Mỗi năm, khi gió tháng Chạp ùa về tràn kín từng ngõ nhỏ, trong tôi lại bùi ngùi một tình thương chưa bao giờ cũ đối với bà nội. Dù giờ đây, nội đã ngơi chân dưới lòng cát trắng, nhưng những ký ức về mâm cơm cúng chiều cuối năm vẫn thổn thức mãi nơi trái tim tôi.

Mâm cúng rước ông bà chiều cuối năm. Ảnh: N.T
Mâm cúng rước ông bà chiều cuối năm. Ảnh: N.T

Nội thường nói với tôi, mâm cơm cúng chiều cuốn năm là mâm cơm hiếu kính với tổ tiên. Bằng cách này, con cháu mới có dịp sum vầy và thể hiện đạo hiếu khi “mời” ông bà về ăn tết cùng gia đình.

Tôi nhớ ngày nội còn sống, bà luôn chu toàn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, nhóm bếp và nấu mâm cơm cúng. Tất cả mọi thứ đều được nội chuẩn bị từ ba tháng trước tết, ví như mấy con gà giò và cặp vịt thả vườn, bụi môn sáp trồng bên ảng nước, mấy luống rau thơm mơn mởn hay giàn khổ qua xanh rì…

Bao nhiêu đó đã đủ làm nên mâm cơm với các món: ram chiên giòn, thịt luộc cuốn rau, lòng gà xào đậu và đặc biệt là món canh môn thơm dẻo. Nội nói, đó là mâm cơm chứa đầy lòng thành và sự hiếu thuận của đại gia đình chúng tôi dành cho các thế hệ ông bà đã khuất.

Hình ảnh nội đứng trước bàn thờ, thắp nén hương trầm ngào ngạt tự bao giờ đã lưu cữu trong tâm trí tôi. Giây phút ấy, tôi thấy được rỗng lòng để có thể mường tượng lại tết xưa và khao khát những ngày sau cũng sẽ đi qua nhiều cái tết ấm áp yêu thương như thế!

Thời gian càng phủ rêu xanh, nội nằm trên giường bệnh vài năm rồi khuất bóng. Má tôi nhớ lời dặn của bà, vẫn chuẩn bị tươm tất mọi thứ cho mâm cơm rước ông bà. Gian nhà chộn rộn bước chân vào ra của mấy đứa trẻ, tiếng băm thịt, nhịp chày giã hành và những kỷ niệm thốt ra trong mấy lời nói của các bác, các cô cứ thế va vào nhau và sau cùng là tiếng cười rộ lên, quyện chặt vào làn khói mỏng tanh ở bếp.

Không còn nội, nhưng con cháu mỗi người một tay góp vào mâm cơm cúng đầy ý nghĩa theo đúng tâm ý của bà. Ai ai cũng rưng rưng niềm thương, nỗi nhớ về mớ ký ức sẽ không bao giờ gặp lại nữa.

Chỉ còn đọng lại đó là bụi môn sáp, giàn khổ qua trồng xen với mấy dây đậu đũa, đàn gà chạy lon ton quanh vườn rồi nghỉ chân dưới gốc chanh thơm lựng. Tất thảy đó là những gì mà ba má tôi có thể làm để không nguôi nỗi nhớ nội.

Viết đến đây, tôi ước giá như mình có thể bé lại để làm cái công việc ngày xưa, đó là thả dây gàu múc nước dưới giếng cho nội rửa rau, luộc môn nấu canh, luộc gà cúng. Khoảnh khắc ấy, tôi lại đùa với nội rằng: “Nước con múc lên nhìn rất trong và ngọt, mâm cơm cúng sẽ ngon. Ông bà phù hộ cho con học giỏi, phải không nội ơi?”. Nội tôi nghe xong liền móm mém cười, không quên mắng yêu: “Cha mày!”.

Cho mãi về sau này, thi thoảng nhìn vào giếng nước, thả dây múc một gàu mát lạnh, tôi lại thèm nghe giọng nói của nội, thèm hương vị mâm cơm cúng của bà. Có điều gì đó xen lẫn giữa niềm vui nghinh xuân, nhấn vào lòng tôi, sâu thẳm.

Tôi dặn lòng, dẫu đời sống mỗi ngày một khác đi, điều kiện dẫu có khá giả hơn, nhưng việc gia đình sum họp nấu cơm rước ông bà sẽ mãi hiện diện. Hiện diện như cách bà nội dùng sợi khói an định lòng các con, các cháu khi chúng tôi thắp nén tâm hương lên bàn thờ tổ tiên, nói lời chúc mừng năm mới…

NHƯ TRANG