Ăn bằng mắt

CHÂU NỮ 24/01/2022 08:36

Dù bận rộn bao nhiêu thì xưa nay mẹ tôi vẫn luôn bày biện mâm cơm tươm tất nhất có thể. Vì chuyện này mà tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ những mâm cơm xộc xệch của mình ngày mới ra riêng. Mẹ tôi luôn dặn cùng với tình cảm cần phải vun quén mỗi ngày, thì bữa cơm là sợi dây gắn kết bền chặt cha mẹ, vợ chồng, con cái.

Bữa cơm đơn giản mà tươm tất. Ảnh: C.N
Bữa cơm đơn giản mà tươm tất. Ảnh: C.N

Ngày xưa, dù suốt ngày quay cuồng với việc đồng áng và cả bao nhiêu việc không tên, nhưng mẹ tôi vẫn rạng ngời niềm vui và đam mê nấu ăn cho cha con tôi.

Tôi cảm nhận được điều ấy qua nụ cười và ánh mắt của mẹ trong ánh lửa bập bùng, có khi tóc mẹ vương cả mấy sợi tro rơm hay khói bếp cay xè, đưa tay quệt mồ hôi lấm tấm mà mắt mẹ vẫn lấp lánh niềm hạnh phúc.

Mẹ kể, chỉ cần nghe tiếng xuýt xoa “thơm quá”, “ngon quá” hoặc nghe cha con tôi tranh nhau đoán món ăn mẹ nấu, rằng mẹ nấu mấy loại rau, nêm gia vị gì, là mẹ quên mệt nhọc. Khi làm thức ăn, chỉ cần hình dung chồng con mình ăn ngon miệng, là lòng mẹ reo vui.

Lại nhớ mỗi lần tôi đưa con về quê, tới đầu ngõ, khi mẹ tôi ra đón, con trai tôi hay đoán “bữa ni bà ngoại nấu mỳ Quảng nè”, hoặc “bữa ni bà ngoại làm bún bò nè” và lần nào con tôi cũng đoán đúng. Đó là những món ruột bà dành cho con cháu với hương vị không lẫn vào đâu và hẳn nhiên có rất nhiều gia vị yêu thương.

 

Bữa cơm mẹ tôi nấu phần lớn là những món đơn giản, có lúc chỉ toàn từ cây nhà lá vườn. Có bữa mẹ nấu canh rau tập tàng, chúng tôi đếm đến cả chục thứ, mẹ chỉ cần vói tay quanh vườn là có. Có hôm chỉ có rau luộc chấm mắm cái hay xì dầu, đĩa đậu khuôn chiên, thêm tô nước luộc rau, mà ai ăn cũng có cảm giác rất ngon miệng.

Mâm cơm dọn ra, cả nhà ngồi vào bàn nhưng hình như chưa ai vội ăn, mà để đó… ngắm. Cái này gọi là “ăn bằng mắt”.

Nấu ăn luôn là một nghệ thuật. Mẹ tôi còn hơn cả nghệ sĩ nấu ăn vì trong giai đoạn khó khăn, mẹ phải chật vật tính toán, cân nhắc để bữa cơm tương đối đủ dưỡng chất cho cả nhà, vừa phải trình bày đẹp mắt, cứ như để “dỗ dành” mấy đứa con.

Lúc ấy, nội tôi tuổi cao và tôi là con út, nên mẹ ưu tiên, ví dụ như được ăn cơm không ghế bắp hay thức ăn được nấu mềm hơn. Giờ thì mẹ già rồi, mà tính bảo bọc con cháu vẫn như vậy, vẫn để dành món ngon chờ con cháu về.

 

Còn tôi, vì bận rộn với công việc hành chính, trưa đi làm về tôi tranh thủ ghé chợ mua qua quýt, rồi nấu cũng qua quýt, mâm cơm của gia đình nhỏ chúng tôi ngày ấy ngổn ngang nồi niêu soong chảo: soong nấu canh, chảo chiên - xào, nồi kho cá…, nói chung nấu xong thức gì thì chúng tôi bê nguyên như vậy ra bàn ăn vì ngại múc ra tô, dĩa, chén, phải rửa chén nhiều thêm chút.

Cuối tuần được bữa thư thả thì kéo nhau ăn quán. Mỗi lần nhớ lại gương mặt của con khi về ăn cơm nhà ngoại, tôi lại thấy mình có lỗi. Dần dà tôi cũng tập nấu nướng tươm tất hơn, bày biện gọn gàng, bắt mắt hơn.

Gia đình tôi thường nấu cùng nhau. Trong khi tôi nấu thì chồng con lăng xăng phụ việc và trò chuyện, rồi cả nhà cùng dọn cơm, người sắp chén, người lấy đũa, nghe rộn ràng góc bếp. Đơn giản chỉ có vậy mà niềm vui thì miên man.

CHÂU NỮ