Ký ức tết tuổi thơ
Ngày cuối năm, thoáng chút nắng vàng ươm, đằm thắm dẫu chưa xua tan hết cái lạnh se sắt. Đường phố ngập sắc màu, người người ngược xuôi hối hả nhộn nhịp khiến lòng ta cứ rưng rức tết xưa.
Trong thời khắc giao mùa này, con đường làng tuổi thơ đã tấp nập người qua lại. Những vạt hoa cải vàng nhạt nhòa chạy dài ven đường. Con đường ấy ta đã theo bà, theo mẹ đi các phiên chợ giáp tết.
Con đường ấy tràn ngập những xôn xao, rộn ràng của một mùa xuân mới trong tiếng nô đùa của trẻ nhỏ với con quay tự đẽo bằng gỗ bạch đàn, xà cừ; vài quả pháo tép màu hồng và một thứ đặc biệt không thể quên: trái bóng làm bằng bong bóng lợn.
Mỗi năm mẹ nuôi hai đợt lợn, tầm năm tháng là xuất chuồng. Đợt đầu năm mẹ bán để lấy tiền trang trải cuộc sống. Đến đợt tháng sáu mẹ nuôi làm thịt ăn tết. Tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc, nhưng mổ lợn dịp tết đã trở thành truyền thống bao đời của người dân làng tôi.
Đó là một ngày cuối tháng chạp đẹp trời và không trùng với ngày Hợi. Làng trên, xóm dưới í ới rủ nhau mổ lợn. Từ nhỏ chị em tôi đã quen với điều đó. Và bất chấp giá lạnh vùng sơn cước, cứ khoảng 3 giờ sáng đã hò nhau dậy để giúp ba đun nước. Mổ lợn tết khiến cả nhà bận rộn, nhộn nhịp hẳn lên.
Tôi đứng xem người lớn mổ lợn vừa thích vừa sợ. Nhưng khi ba rút ra cái bong bóng lợn giống như cái túi, màu trắng đục, nhỏ như bàn tay tôi thì niềm vui như vỡ òa. Mẹ nhanh chóng vào bếp lấy ra một bát tro, sau đó đặt cái bong bóng trên mặt đất nhẵn và phủ tro lên, rồi vò sao cho lớp mỡ bạc nhạc dính ngoài cái bong bóng vón lại thành mảng và rơi rụng dần dần.
Sau khi vò tro thật kỹ, bong bóng lợn chỉ còn lớp da, mẹ cho nước xối thật sạch và phơi lên sào tre trước sân nhà. Một ngày được treo lủng lẳng trên sào nứa trong cái nắng tháng chạp yếu ớt, bong bóng lợn đã hơi se se lại.
Tối đó, má lấy đoạn thân lau cắt một đầu, lồng vào cuống bong bóng, phồng má thổi, sau mấy hơi dài cố sức quả bóng phình lên hết cỡ, to ước chừng bằng đầu tôi. Má khéo léo rút đoạn thân lau ra khỏi cuống quả bóng, lấy dây chỉ cuốn nhiều vòng, buộc thắt nút thật chắc cuống bóng để hơi không thể xì ra. Vậy là bong bóng lợn đã thành trái bóng đồ chơi bình dị nhưng phải chờ đợi cả năm trời mới có...
Lũ trẻ chúng tôi hí hửng rủ nhau vui đùa đủ trò với quả bóng lợn trên con đường làng. Đám con trai nghịch ngợm dùng bóng để đá đi. Tụi con gái thì tung bóng lên cao, đùa vui dưới nắng vàng. Ở cái thời chân trần đá bóng thì chiếc bong bóng lợn vừa dai vừa êm chính là một báu vật đối với đám con nít chúng tôi.
Trong ý nghĩ rất hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ tôi và lũ bạn ngày ấy đều cho rằng tết mà không có cái bong bóng lợn để chơi thì chưa có tết. Cho nên, chờ đợi ngày nhà mổ lợn để lấy bong bóng lợn làm đồ chơi ngày Tết là cái thú đặc biệt mà bọn trẻ thời bây giờ chẳng thể nào được “nếm trải”...
Nhiều năm trôi qua, tôi dần quen với tết thành phố, nhưng vào ngày những ngày cuối năm, tôi vẫn không khỏi xao xuyến, nhớ nhung về ngôi nhà gỗ đơn sơ, về xóm núi heo hút với ngày mổ lợn tết tất bật và nhất là những trò chới bóng lợn tuổi thơ rộn rã tiếng cười.