Thương nhớ ngõ quê
(QNO) - Ai từng sống ở nông thôn, hẳn trong tâm trí của không thể quên được hình ảnh của ngõ quê. Với tôi, dù xa làng cũ đã lâu, dù cuộc sống với bộn bề lo toan cuốn đi mải miết, nhưng hình ảnh ngõ quê vẫn cứ đằm sâu, không dễ phai mờ trong kí ức.
Ngõ quê mà tôi muốn nói đến ở đây, đó là những con đường làng và kể cả lối đi từ cửa ngõ vào nhà ở chốn thôn quê. Ngõ quê là hình ảnh gần gũi, mộc mạc, thân thương với mỗi người từng sống và gắn bó.
Làng tôi thuộc nông thôn ở miền Trung, trước đây dân cư còn thưa thớt lắm, mãi đến những năm cuối thế kỉ XX mới có điện thắp sáng. Miền quê với những con đường làng nhỏ hẹp, nó như càng hẹp lại hơn bởi cây cối um tùm che phủ. Đủ các loại cây như sầu đâu, bời lời, duối vàng… nhưng nhiều nhất vẫn là tre. Dân quê tôi gọi những con đường nhỏ trong làng là kiệt ngõ, để phân biệt với đường cái quan là đường chính của làng, nó rộng lớn hơn so với kiệt ngõ, chứ không nhằm nói đến con đường thiên lí bắc nam. Tuổi thơ tôi gắn liền với đường làng ngõ quê, với lối nhỏ vào nhà, mà bất cứ đứa trẻ nào ở vùng nông thôn cũng đã trải qua, với nhiều kỉ niệm êm đềm, đẹp đẽ.
Ngày trước, ngõ quê rợp bóng tre xanh, quanh co uốn lượn, chạy dọc dài khắp thôn xóm. Ông bà xưa khi làm nhà thường quay về hướng đông, nam, hoặc đông nam cho hợp phong thủy. Nhà xây giữa đám đất rộng, chứ không nhất thiết quay ra mặt đường cho thuận tiện như bây giờ. Do vậy, từ cửa ngõ vào nhà cũng có một lối đi quanh co, nhỏ hẹp, được trang trí bằng luống hoa hoặc hàng rào làm cảnh. Tường rào xung quanh nhà thường bao bọc bởi hàng dâm bụt, riêng phía ngoài kiệt ngõ chủ yếu là hàng tre. Ngày trước, nhà cửa còn thưa, người ít, tre nhiều, điện đèn chưa có. Vì thế, ngõ quê thường hun hút vắng vẻ vào ban đêm. Nhưng ban ngày, nó lại là không gian thân thuộc của người dân trong làng. Riêng những đứa trẻ thì đặc biệt yêu thích ngõ quê!
Mùa hè nóng bức, ngõ quê với bóng tre xanh rợp, là nơi để người lớn tập trung hóng mát, hỏi han nhau và bàn chuyện ruộng đồng. Cô gái lấy chồng xa, về thăm cha mẹ, rồi cũng chạy ra ngõ để trò chuyện với mấy cô, mấy dì. Vẫn là lời hỏi thăm chuyện chồng con ra sao, nhưng cô dì vẫn không quên nhắc nhở: “Con gái mười hai bến nước, về làm dâu nhà người ta, nhớ sống sao cho phải đạo nghe con"! Bọn trẻ con chẳng hiểu gì, mải mê bắn bi, trốn tìm, nhảy dây, đá dế… Ngõ quê xưa rất ít xe cộ qua lại, có khi cả ngày chẳng ai đi đâu xa ngoài việc ra đồng, chủ yếu là đi bộ hoặc xe đạp. Vì thế, dù cho ngõ quê nhỏ hẹp nhưng vẫn thênh thang trong kí ức tuổi thơ tôi.
Khi những trận gió Nam cồ ngớt thổi, ngõ quê đón chờ những cơn mưa cuối hạ quý giá ngọt lành. Đây cũng là lúc từng chùm dủ dẻ, chim chim thơm nồng chín ngọt. Ngõ quê thoang thoảng mùi hương hoa trái, rực đỏ màu hoa dâm bụt, trắng muốt màu hoa bưởi hoa cau, ruộm vàng những cành duối chín. Những cây duối cổ thụ, tán rộng, lá nhám và dày, cũng được trồng làm hàng rào. Bình thường chẳng đứa nào để ý, nhưng khi mùa trái chín, nó gọi mời cả bọn trẻ xôn xao, háo hức.
Mùa khai trường, ngõ quê í ới tiếng gọi nhau đến lớp, tiếng đùa vui của bọn trẻ, tiếng nhịp bước chân quen của trò nhỏ trường làng. Đêm trung thu, trăng sáng soi vằng vặc, ngõ quê nhộn nhịp tiếng bước chân, lấp lánh ánh đèn lồng, tưng bừng tiếng trống lân, inh ỏi tiếng hò reo của bọn trẻ…
Thương ngõ quê mùa đông rét buốt, hun hút gió lùa, xạc xào lá rụng, tre ngã đổ nhiều sau mùa gió bão. Ngõ quê bùn đất sình lầy, trơn trượt bước chân ai. Bao nhiêu rơm rạ còn vương sau mùa kéo rơm, tuốt lúa. Bao nhiêu lá rụng gai rơi. Có năm nước lụt tràn qua, ngõ quê đau đớn oằn mình nhưng vẫn âm thầm chịu đựng. Đêm đông lạnh lẽo, ngõ quê càng thêm tăm tối. Chỉ có ánh đom đóm lập lòe, tiếng kẽo kẹt của tre va đập vào nhau, đôi khi là tiếng kêu đầy bí ẩn của những loài vật mà trẻ thơ không biết hết.
Rồi những ngày mưa gió đi qua, ngõ quê được bà con chỉnh trang, phát dọn, trông rất phong quang sáng sủa. Người dân cùng nhau đổ thêm cát, san bằng lại những chỗ bị hư hỏng xói lở, quét dọn gọn gàng. Lúc này, ngõ quê như khoác lên mình một chiếc áo mới, sạch hơn, đẹp hơn. Tình làng, nghĩa xóm càng thêm gắn bó bền chặt từ những điều bình dị nhất, như chung tay tôn tạo ngõ quê mình! Từng chiếc lá, cành hoa như hiểu được lòng người mà góp gom sinh khí của đất trời để xanh, để thắm, để hòa vui với mọi người khi Xuân về, Tết đến.
Đời sống xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là kể từ khi có chính sách nông thôn mới, diện mạo làng quê đã thay da đổi thịt từng ngày. Hình ảnh của ngõ quê rộng rãi, sạch đẹp, thông thoáng, được kiên cố bằng bê tông, có đèn điện chiếu sáng, hết nắng bụi mưa bùn, thuận tiện giao thông dù mưa hay nắng làm nức lòng người dân bao đời gắn bó.
Ngõ quê mỗi thời mỗi khác, thay đổi là đương nhiên, phát triển là tất yếu. Nhưng dù thế nào thì ngõ quê vẫn là nơi lưu giữ bao nhiêu kí ức đẹp đẽ, chở chuyên những mạch nguồn văn hóa của cha ông bao đời truyền lại. Ngõ quê nâng đỡ bước chân con chập chững đầu đời. Ngõ quê ngọt ngào lời hát ru à ơi… con lớn. Ngõ quê rộn ràng tiếng các bà, các mẹ ra đồng, đi chợ. Ngõ quê xôn xao tiếng chim rủ nhau về xây tổ. Ngõ quê ồn ào tiếng trẻ con nô đùa mỗi trưa trốn ngủ đi chơi. Ngõ quê vang ngân tiếng chuông chùa khi trời chiều chạng vạng. Ngõ quê kiên cường đưa tiễn bao người con lên đường nhập ngũ. Ngõ quê bịn rịn mừng vui ngày chị gái vu quy theo chồng về làm dâu xứ lạ. Ngõ quê động viên, thông cảm cho những đứa con xa làng lập nghiệp. Ngõ quê dang rộng vòng tay vỗ về, an ủi bước chân ai lỡ vận tìm về. Ngõ quê hạnh phúc đón chào những đứa con xa về thăm chốn cũ. Và có cả một ngõ quê lặng lẽ, u buồn khi phải tiễn đưa người về miền mây trắng mênh mông!
Chiều mùa đông nhạt nắng, tôi chạy về thăm nhà. Bên cạnh lối vào nho nhỏ, cha đã trồng luống vạn thọ, được cắm cây chắc chắn, xanh mướt, sum suê. Năm nay hi vọng sẽ không có bão, để ngày xuân lối nhỏ quê nhà thêm rực rỡ sắc hoa. Đi một vòng ngõ quê, lòng tôi trào dâng bao xúc cảm.