Ngày em vào đại học
Thế là em vào đại học. Nhận tin, tôi vui tận những mấy ngày. Tròn mười năm không có mẹ bên cạnh, không chỉ mừng vì những gì em đã đạt được, mà còn mừng vì nhìn thấy những nỗ lực, cố gắng của em trong vô vàn thiếu thốn và xa vắng. Thương yêu biết nói sao cho vừa…
Tuổi thơ của em không có nhiều kỷ niệm về tôi. Bởi, ngày tôi đi học xa nhà, em mới chỉ là đứa trẻ lên sáu. Thế nên chúng tôi không có nhiều ký ức để kể về nhau. Những trò chơi thuở bé như thổi vòng hay chơi chắt, chơi chuyền, dán diều bằng giấy vở… tôi chỉ được chơi cùng em trong số ngày ít ỏi được trở về nhà dịp nghỉ hè, lễ, tết.
Rồi sau đó lại vội vã rời đi. Không quên tặng em món quà là những con thú bông được mua bằng số tiền làm thêm sau mỗi buổi học mà tôi đã dành dụm, tiết kiệm được. Cứ thế, em nâng niu, giữ gìn những món quà tôi tặng bằng tình yêu, sự hồn nhiên, ngây thơ của một đứa trẻ.
Sự thiếu vắng nào cũng để lại những khoảng trống trong một gia đình. Cũng để lại những nhớ thương, hoài niệm và mong ngóng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi những năm tháng ấy em đã lớn lên như thế nào? Cho đến bây giờ, em cũng chỉ nhìn tôi cười mà không trả lời được. Tôi thương em. Thương một tuổi thơ thiếu thốn, nhọc nhằn.
Cô em bé nhỏ của tôi! Ắt hẳn em sẽ không thể nào hình dung được sự vui mừng trong tôi khi biết tin em đỗ đại học. Mặc ai bảo rằng, đại học bây giờ cũng đại trà như hàng kẹo, hàng bánh nhưng tôi vẫn tự hào về em, về cái đích mà em đã vươn tới sau chặng đường mười hai năm miệt mài, cố gắng.
Càng vui mừng hơn khi em đã đi đúng con đường em đã chọn. Có lẽ, mười mấy năm về trước, mẹ tôi cũng đã từng mừng vui như thế khi hay tin tôi trúng tuyển vào ngành học mơ ước. Chỉ khác là ngày xưa, mẹ đã phải bán cả bầy heo, bầy gà để cho tôi đến được với giảng đường. Còn nay, tôi không có bầy heo, bầy gà nào để bán nhưng vẫn lo cho em chu đáo ngày nhập trường.
Em biết vì sao không? Vì kể từ khi nhận tháng lương đầu tiên (lúc đấy em chỉ mới lên chín, lên mười), tôi đã dành dụm riêng một phần nhỏ và mặc định là “khoản tiền đầu tư cho tương lai”.
Cứ đều đặn như thế, tháng này đến tháng khác, năm này qua năm khác... lúc tôi khó khăn, lúc tôi thiếu thốn, lúc tôi rất cần vì một lý do chính đáng nào đó, tôi cũng đã không cho phép mình sử dụng đến “khoản đầu tư” ấy.
Giờ đây, “khoản tiền đầu tư cho tương lai” của tôi sẽ thay cho bầy gà, bầy heo của mẹ để nâng bước em trong những năm tháng sắp tới ở mái trường đại học. Tôi vẫn có một niềm tin, khi cái cây được vun trồng, chăm bón bằng tất cả tình yêu thương thì chắc chắn, sẽ cho những mùa quả ngọt.
Tôi sẽ đợi em. Đợi những mùa quả ngọt của tôi và của mẹ!