Những con đường ký ức
Những con đường của Hội An là những sợi máu trong tôi. Chúng đã đi qua thời gian, chịu đựng bao thác ghềnh, nhiều lúc ngỡ đã tan biến như bào ảnh của lãng quên để rồi cuối cùng vẫn lặng lẽ cất lên tiếng mơ hồ của ký ức, nhắc rằng đó là một phần không thể thiếu trong tôi.
1. Đó là khoảng không gian nhỏ trước ngôi nhà số 39 đường Quảng Đông (nay là đường Nguyễn Thái Học) trong lần cuối cùng ông nội từ quê xuống phố thăm gia đình tôi.
Trí nhớ non nớt của cậu bé ba tuổi còn in cái màu xám pha chút thoáng xanh của bậc thềm ngôi nhà thuê, bên kia đường là tấm bảng một cửa hiệu mà đến khi đã đánh vần được, tôi biết đó là cửa hàng Trần Thị Nết…
Sau này, trong đôi lần về Hội An, đi ngang ngôi nhà thuê ngày xưa, nhìn lại chỗ bậc thềm ấy, rồi thử cố hình dung dáng sắc hiện tại của nó nhưng ký ức thị giác dường như không lưu giữ được gì.
Tôi hiểu rằng ký ức đã xua đuổi những gì có thật để chỉ giữ lại ảo ảnh của nó, những ảo ảnh mà nếu thiếu vắng, đời sống nhiều lúc sẽ trống rỗng và nghèo nàn biết bao.
Đường Quảng Đông còn dẫn tôi qua con hẻm nhỏ đến ngôi trường đầu tiên là trường Cẩm Hồ (nằm trên đường Chùa Cầu) mà khoảng cách mấy mươi mét lúc ấy sao lại dằng dặc trên cái lối đi trơn và bẩn.
Hơn mươi năm sau, con đường Quảng Đông trở thành chứng nhân cho những rung động đầu tiên của tuổi mới lớn trước hình bóng dăm người bạn gái áo trắng tóc thề. Con đường ấy đã đóng cây đinh thời gian vào đời tôi, cho tôi mặc sức treo vào đấy những giấc mơ ngọt ngào của tuổi chớm biết suy nghĩ…
2. Đó là những đám mây sáng rực trên buổi chiều con-đường-bờ-sông (tôi không muốn gọi Bạch Đằng hay cái tên nào khác). Ánh sáng từ những đám mây rơi xuống mặt nước, hắt lên và hòa với khoảng không cao ngợp mắt, phủ lên những mái nhà phong rêu cái bóng chân thật - huyền ảo.
Phố trôi đi trong ánh sáng ấy. Và tôi lúc đó, cậu thiếu niên 16 tuổi, ngỡ như vừa khám phá ra điều gì lớn lao vượt quá sức chịu đựng của trái tim mình nhỏ bé... Nhiều năm đi xa, ngay giữa hồi chiến tranh gầm thét hay lúc ngặt nghèo nhất trong đời, những đám mây ánh sáng ấy lại hiện ra, như ôm ấp chở che và nâng tôi lên, bay đi trên đôi cánh vô hình êm dịu…
3. Đường Khổng Miếu nay là đường Trần Hưng Đạo. Tấm ảnh của người bạn còn giữ được sau gần 40 năm. Những Khánh, Đôn, Ngự, Do, Tâm, Phước, Hạnh… Những Xuân Hoa, Như Anh, Như Ý, Bưởi, Ánh, Lựu, Thơ… Các bạn đã bay đi như những con đường phai nhạt.
Nhiều năm, tôi không nhớ đến các bạn. Nhiều năm, tôi biết và không biết các bạn trên cõi này. Nhưng đời đã cho chúng ta được gặp lại nhau. Ở cái tuổi 50 này. Ở chỗ rẽ về phần sau cùng của mỗi con đường. Cảm ơn cái ngày 1 tháng 1 dương lịch hằng năm mà các bạn đã chọn làm ngày họp mặt của lớp đệ thất I - thất II năm nào!
Đường Cẩm Châu nay là đường Cửa Đại. Những hàng dừa nước, con đường đất và những giờ “cúp cua” của lớp đệ tam C. Màu hồng rựng trên đôi má người bạn gái trước lời nói đùa của chính mình: “... con đường này hẹp vừa đủ cho hai người đi song song”. Bây giờ, em đã quá xa và dễ chừng không còn nhớ câu nói vô tình ấy.
Không phải khoảng cách nửa vòng trái đất mà ngay trên chính con đường thánh hóa em đã chọn và bước đi. Cầu mong em an vui và tới được bờ bên kia. Mãi mãi em là người bạn của một thời thơ dại đáng yêu. Và sẽ mãi mãi em là khoảng sáng dịu dàng trong những giấc mơ của tôi, là ngọn gió ấm không ngừng thổi về những tiếng mến thương của quê nhà se sắt, trong một quá khứ không phai.
4. “Đây Chùa Cầu con khỉ sầu không nói
Đây chùa Ông đèn lửa lạnh lùng”.
Câu thơ của người bạn thân đã viết năm hai mươi tuổi. Đường Chùa Cầu nay là đường Trần Phú. Con khỉ không biết nói, những đốm nhang trong ánh lờ mờ và gió lạnh mùa đông đã dẫn tôi đến con đường khác.
Con đường muốn vượt qua bóng tối của lòng bạc nhược trong những năm tháng quê hương chìm giữa tiếng rao mời mua bán lương tâm. Và tôi đã ra đi. Những con đường mất dấu trong sình lầy Nam Bộ. Những con đường bụi đất chạy theo những hàng cây thốt nốt xứ Chùa Tháp.
Những con đường lao qua ngầm, vượt lên đỉnh dốc, những rặng đá tai mèo sắc lẻm của Trường Sơn ngun ngút. Những con đường xạc xào tiếng lá rừng dầu cao vút, vỡ ra dưới hơi thở khô khốc của nắng gió xứ Nam Lào. Những con đường thâm u khuất dưới tán đại ngàn Trị - Thiên, mùa đông như muốn lột da người cái rét.
Bao nhiêu máu đã đổ. Bao nhiêu thời gian. Xa quê, xa những con đường nhớ nhung kỷ niệm, một mình trên các độ cao khác nhau, nhưng những năm tháng ấy, lòng tôi đoàn tụ. Nhiều đêm dưới tán rừng che khuất mọi ánh sáng, tôi cố tìm giọt sao rơi qua kẽ lá. Và bóng tối không giết chết được hy vọng, bởi tôi biết bên dưới ánh sao ấy, có những đời người biết giữ lòng cho một ngày mai…
Ở tuổi quá 50, mới hiểu rằng mình là người hạnh phúc. Theo cái nghĩa, là thuộc hạng người không đánh mất lòng say mê trước cuộc sống. Đối tượng của nó có thể thay đổi theo từng chặng đời, có khi bền lâu, có lúc chỉ là thoáng chốc.
Nhưng lòng yêu thì cứ như những phân tử muối, chầm chậm kết thành bao tinh thể lấp lánh. Và lại mơ ước có ngày nào đó trở về, đặt những bước chân mỏi mệt trên những nhánh phố uốn cong, nghe lòng trẻ lại thuở ấu thời.
Và em, khi ấy em ở đâu? Hay em cũng sẽ trở về, hiện ra trước tôi? Cho tôi được thấy lại trong ánh nhìn yên lặng kia những con đường em đã đi qua và nỗi bình yên sau bao nhiêu gió cát. Như tôi đã đọc lại trong chỗ xa nhất của lòng tôi, những con đường Hội An không mờ sau bao tháng ngày quên.