Nhớ những Trung thu… suông
(QNO) - Thấy có người nhắc đến Trung thu, tôi nhìn lịch thấy chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới rằm tháng Tám. Lòng bồi hồi không yên. Trong khi Đà Nẵng vừa nói lỏng một số qui định của Chỉ thị 16, nghĩa là có thể đi lại trong tổ dân phố, tôi mang khẩu trang và ra khỏi nhà, ghé tiệm tạp hóa mua cho hai đứa cháu nội một chiếc lồng đèn ông sao và chiếc trống cơm...
Trên kênh Youtube, người ta cũng bắt đầu đưa lên các clip ca nhạc mừng Trung thu, nghe những câu hát “Thùng thùng thình thình, trống rộn ràng sân đình…”. Tôi lại ngồi nhớ, 60 năm trước ở nông thôn, chiều tối 14 tháng Tám lúc trăng chưa lên, chúng tôi được thầy cô giáo ở trường tiểu học dẫn đến xếp hàng ở sân đình làng, được nhận mỗi đứa một ít kẹo bánh. Bên bờ vực chiến tranh, sân đình không có lân lẫn trống. Chỉ có vậy rồi ra về. Còn lại, ký ức Trung thu của chúng tôi chẳng có gì ngoài bom đạn và những đêm ngủ hầm nồng nặc mùi rễ tre và hơi đất…
Lại nhớ năm 2009, tôi đã viết trong nhật ký về một Trung thu suông vì bão lũ ở quê… Năm ấy, sau cơn bão quần thảo dai nhách và trận lụt kéo dài hơn hai ngày sau đó, tất cả những con đường làng đều tơi tả. Cây cối ngã đổ ngổn ngang, bùn non đặc quánh khắp lối đi. Những chiếc máy tuốt lúa phành phạch trên mấy đám ruộng không kịp gặt vụ lúa hè thu trước bão, tạo ra một thứ âm thanh lạc nhịp bên cạnh những tiếng thở dài của mấy mẹ chị đang lom khom cắt những dảnh lúa trắng bệch màu bùn. Mấy đứa trẻ đi chân không, khom lưng đẩy chiếc xe đạp, trên đó là vài bao lúa lẫn bùn đất và cả nước bạc từ bờ ruộng lên đường bê tông ven làng. Mặt đứa nào cũng lấm lem không nở được nụ cười...
Trời chiều ngày Thu phân đúng vào hôm rằm tháng Tám chỉ còn vài gợn mây. Trăng sẽ sáng để tuổi thơ có thể nhìn rõ cảnh chú Cuội ngồi bên gốc đa hàng triệu năm rồi vì cái tội ham chơi thả trâu ăn lúa trên cánh đồng cổ tích...
Tôi ngồi với bí thư chi bộ thôn và một thầy giáo dạy trường cấp 2 ở nhà anh bạn học thời tiểu học. Uống đến cốc trà thứ 3 thì bí thư bắt đầu lên tiếng. Anh đòi làm đơn từ chức bí thư chi bộ vì ba lý do: Chưa năm nào năng suất lúa hè thu giảm đến tệ hại như năm ấy, giảm đến một nửa. Có hộ mất trắng ngoài đồng. Có hộ gặt được về nhà thì ngấm lụt, lên mộng. Đường bê tông liên xóm vừa làm xong mấy năm nay đã xuống cấp, sạt lở vì nước lũ chảy xiết; chẳng biết huy động ở đâu để khôi phục lại, trong khi sức đóng góp của gần hai ngàn dân trong thôn đã lùi về con số không vì thiên tai liên tiếp. Đêm ấy cả làng cũng không có múa lân, không phát quà Trung thu cho hơn 400 em nhỏ. Nhà văn hóa thôn không có điện và cái sân rộng vẫn nhão nhoẹt bùn non, cao đến mắt cá chân. Cả làng ngập sâu trong nước gần hai mét trong suốt mấy ngày qua, lúa ướt, gà heo trôi, tôn bay ngói sạt. Ai cũng lo cái đói sẽ cận kề cho đến ngày giáp hạt năm sau. Còn lòng dạ đâu mà lo chuyện lồng đèn lân cẩu!
“Tôi đã cho anh em đi trả lại tiền đóng góp Trung thu của bà con nộp trước hôm bão đến và xin lỗi họ. Tôi quyết xin nghỉ làm bí thư vì xét thấy không đủ khả năng!” - anh bí thư nói mà giọng sũng nước. Không khí càng nặng nề hơn dưới mái hiên nhà người bạn khi những ngọn đèn cầy vừa được ai đó thắp lên trong đêm cúp điện.
Và trăng kìa. Một cái đĩa màu vàng nhợt nhạt lộ ra phía sau những ngọn tre đã trụi lá. Những ngõ đường làng cả tuần nay bao trùm một bóng đêm dày đặc vì không ánh điện, giờ đây đang hiện ra nhờ nhờ dưới ánh trăng. Mà cái màu trăng cũng lạ, chỉ là một màu vàng úa như là chú Cuội của các em đã thấy rõ nỗi buồn dưới trần gian nên lòng dạ cũng héo hắt. Thầy giáo cấp 2 nói như an ủi: “Bên trường tôi đã chuẩn bị quà bánh cho các em, nhưng cũng đâu tổ chức được lễ đón Trung thu. Năm nay xã cũng không tổ chức được, huống gì thôn! Chuyện này là do trời chớ phải do mình đâu. Thôi thì hẹn sang năm ta tổ chức linh đình hơn...”.
Để phá tan bầu không khí u ám của một đêm Trung thu chỉ còn trăng suông, anh bạn chủ nhà quay vào trong bế ra đứa cháu ngoại vừa hơn 3 tháng tuổi và khoe: Nó vừa biết lật chiều nay các ông ạ! Và anh kể chuyện về mẹ của đứa bé. Mẹ bé ra đời thời đói khổ bao cấp chỉ nặng dưới một ký lô, khóc suốt ba tháng trời vì không có sữa mẹ. Nhà nghèo, phải nấu nước gạo thay sữa. Thời đó, cơm còn không đủ ăn nói gì đến Trung thu. “Trước đó, lũ chúng ta lớn lên trong chiến tranh, cũng chỉ biết đến chú Cuội ngồi gốc cây đa, bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời trong những câu chuyện truyền miệng, cũng chỉ ngồi dưới hầm tránh bom mà "tùng chinh chinh" thôi, chứ biết gì trung thu trung thiếc! Thế mà bây giờ cháu ngoại tôi cũng xinh ra phết đây các bác này!”.
Tất cả chúng tôi im lặng, chìm vào suy tưởng…
Dường như sự có mặt của trẻ con luôn làm cho người lớn dễ dịu lòng lại. Nhưng những câu chuyện của quá khứ cũng khiến những ai từng trải qua một thời kỳ gian khó cảm thấy những thua thiệt nào đó của hiện tại chẳng có ký lô nào.
Và kỳ lạ thay, bấy giờ ánh trăng đã lên cao đến giữa sân nhà bạn, màu trăng đã vàng đậm hơn và tỏa xuống một thứ ánh sáng hoàn toàn tươi mới, lấp lánh.
Đêm rằm tháng Tám ấy tôi ngủ lại nhà bạn ở quê. Vừa chợp mắt một lát, tôi bỗng choàng dậy vì nghe mang máng tiếng trống lân thúc giục ngoài đường. Tiếng trống càng lúc càng gần hơn. Bạn tôi cũng trở dậy, mở cửa ngồi chờ. Đoàn lân chỉ năm bảy đứa trẻ đi ngang qua, cùng với những ngọn đuốc nhỏ làm bằng ống trúc và vài cái lồng đèn bánh ú. Chiếc đầu lân chỉ bằng cái rổ nhỏ, màu sắc sơ sài lắc lư sau lưng “ông địa” đi chân không, mặc quần xà lỏn. Chúng vừa đi vừa múa nhưng chẳng dừng lại bất cứ nhà nào. Thấy tôi trầm ngâm nhìn theo, anh bạn chủ nhà nói: Chúng ta hay cả lo! Dù thế nào bọn trẻ cũng tự tạo được một đêm Trung thu của riêng chúng!
Năm nay, dịch bệnh kéo dài vào đúng ngày vui của những bé thơ, chắc là Trung thu cũng chỉ là “ai ở đâu ở yên đó” thôi. Tuổi thơ của con cháu chúng ta lại vẫn có rất ít ngày vui mà đáng lẽ phải có. Cả những ngày nghỉ hè cũng chỉ ru rú trong nhà cùng cha mẹ! Hết chiến tranh lại đến thiên tai rồi dịch bệnh. Tôi muốn nói với mấy đứa cháu khi mang về nhà cái trống cơm và chiếc lồng đèn ông sao: Chỉ có vậy, hãy tự chơi và tự vui ở nhà trên nền nhạc của kênh Youtube các cháu nhé! Hy vọng sang năm dịch bệnh sẽ không còn, tổ dân phố sẽ tổ chức vui chơi và ông sẽ mua nhiều đồ chơi hơn rồi dẫn cháu xuống phố coi múa lân!
Viết đến đây, lòng tôi lại rưng rưng vì tình yêu con trẻ! Liệu là vì chúng ta hay cả lo! Dù thế nào bọn trẻ cũng tự tạo được một đêm Trung thu của riêng chúng! Như lời bạn tôi nói cách nay hơn chục năm không?