Tản mạn đời rau
Qua đi một thời thơ bé, ai mà không nhớ cái màu rau xanh ngút ngàn của đồng quê. Những cánh đồng bát ngát với rau cải xanh mướt, rau dền đỏ tươi, điểm màu vàng của nụ bí, nụ mướp và những cánh bướm chấp chới.
Lớn một chút, được theo mẹ chị đi chơi phố cổ Hội An, nghe lừng lựng mùi thơm làng rau Trà Quế, rau húng, rau ngò, hành ta... cứ thầm lặng góp hương thơm làm nên cái không khí quyến dụ yên bình bên hông phố cổ.
Rồi những trưa hè không ngủ, len lỏi dưới giàn bí giàn bầu rình bẫy những chú ong bầu to tướng đen trũi đang âm mưu phá hoại những quả non mơn mởn. Rồi từ những ấu thơ, theo giọng kể của cha, theo trang sách học đường, cây rau cái cỏ đã là những tri thức của buổi chập chững học làm người.
Rau là biểu tượng cho đạo lý bình dân: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng” (ca dao). Còn với cụ Nguyễn Đình Chiểu, ngọn rau cũng là đạo nước non: “Tất đất ngọn rau ơn Chúa tài bồi cho nước nhà ta”.
Tôi cũng nghĩ hình ảnh cây rau đã góp phần thuyết minh cho chúng ta hiểu về lẽ sống minh triết của Bác Hồ. Chuyện kể một lần trước khi chuyển căn cứ, Bác còn nhắc nhở các đồng chí cận vệ tranh thủ trồng vài dây bí đỏ.
Khi các đồng chí cận vệ thắc mắc, Bác ôn tồn giải thích: Rồi bộ đội, nhân dân ta khi ngang đây sẽ hưởng. Và với riêng tôi, hình ảnh Bác giản dị mà đẹp nhất có lẽ đã lồng vào hai câu thơ trong chùm thơ kháng chiến: “Việc quân, việc nước đã bàn/Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau” (Hồ Chí Minh).
Thầm lặng như cỏ và bền bỉ như cỏ, giản dị không tuyên ngôn, cây rau đã tham gia gầy dựng đời sống tinh thần Việt, góp phần hình thành văn hóa Việt tự bao đời. Song mọi nhận thức chỉ có thể sâu sắc khi qua con đường trải nghiệm.
Bây giờ, trong mặt trận chống dịch Covid-19, cả Sài Gòn sang trọng hào nhoáng đã biết đến giá trị của rau. Chưa bao giờ cọng rau ngọn cỏ lại thiết thực như bây giờ, khi một thành phố lớn cần rau, khi hơn mười triệu dân đang cần rau.
Ngày mỗi ngày, sáng ra nghe từng chuyến xe rau mười tấn rục rịch từ các địa phương rủ nhau chở đến TP.Hồ Chí Minh, lòng lại ấm lạ. Là tình yêu, là sẻ chia. Mới thấy tuy nhỏ bé nhưng cọng rau ngọn cỏ luôn có mặt trong đời sống con người, từ vật chất đến tinh thần.
Bạn tôi từ TP.Hồ Chí Minh gọi điện thoại về, dòng tâm tư như có nước mắt: bây giờ thèm những lời rao thân thiết mà trước đây vẫn thường thấy trên Facebook: “nội em có mớ rau xanh, rau nhà làm, rất sạch, 5k/bó, ai ăn dùm nội”.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Và một triết lý nho nhỏ đã nảy mầm: Trên hành trình văn hóa Việt, thấy thấp thoáng màu xanh rau cỏ!