Quê nhà thơm thảo
(QNO) - Những ngày này, khi Sài gòn đang vật lộn với cơn dịch giã chưa từng có, cũng là lúc hàng triệu người miền Trung đang học tập, mưu sinh hay chọn thành phố vốn hào phóng và độ lượng này làm nơi lập nghiệp cũng rơi vào cảnh lao đao. Thành phố hào hiệp trong cơn bạo bệnh, không ôm hết mọi phận đời xa xứ, những đứa con tha hương lại tìm về nương nhờ chốn quê.
Tôi lại nghĩ về hai chữ “QUÊ NHÀ”…
Không luận bàn về từ ngữ, nhưng tôi thích hai tiếng “quê nhà” hơn quê hương. Quê nhà cụ thể, gần gụi hơn, là nơi có căn nhà, có đồng lúa mảnh vườn đất đai cằn cỗi gắn bó cả thời thơ ấu, có bóng mẹ cha lam lũ, đau đáu nỗi nhớ con giấc xế chiều… Canh cánh nỗi quê, thi sĩ Đỗ Trung Quân đã từng cảm thán trong một chiều ba mươi Tết:
“Ta quê hương lại thiếu một quê nhà
Chiều cuối năm nhìn những chuyến xe qua
Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ
Vắng tự trong lòng vắng thổi ra”...
Vẫn biết “quê hương đâu chỉ một”. Vẫn biết với nhiều người, tình yêu với vùng đất mà họ lựa chọn gắn bó nhiều khi hiện hữu, sống động và sâu đậm hơn bóng cố hương xa mờ, có khi chỉ còn mơ hồ trong ký ức đã “mờ nhân ảnh”, như “phía chân trời mây trắng đùn lên” hay bóng hình ước lệ kiểu “vườn dâu cố quận”… Như tôi, một người từng xa quê khoảng thời gian bằng một đoạn đời Kiều lưu lạc, đã và còn mãi yêu vùng đất xứ bắc miền Trung (nơi tôi gọi là “quê con”) không kém gì nơi tôi đã sinh ra.
Nhưng vì lẽ gì đi nữa, cố hương hay quê nhà vẫn ở nơi sâu nhất, thiêng liêng nhất trong trái tim, vĩnh viễn không thể thay thế, không thể phai mờ.
Phần lớn mọi người xa quê là để mưu sinh, là bởi gặp được cơ hội tốt hơn để an cư lạc nghiệp, hoặc đi theo tiếng gọi tình yêu, hoặc để thỏa mãn khát khao khám phá, chinh phục những chân trời mới của tuổi trẻ…
Thế hệ trước, còn có một dòng người cuốn theo dòng thời cuộc đi về phương Nam, đến khi chân yếu mắt mờ lòng vẫn ngổn ngang bao nỗi niềm thế sự và đau đáu về cố xứ… Và hiếm hơn, nhưng không phải không có, là những người “bỏ xứ mà đi” vì những câu chuyện rất riêng tư, không loại trừ những lý do “lãng xẹt” bởi cách nghĩ bồng bột non dại của người trẻ tuổi…
Dù ra đi theo cách nào đi nữa, họ cũng có một khát khao mãnh liệt là thành công, thành danh để một mai trở về rạng rỡ giữa quê nhà, mát mặt ông bà, cha mẹ. Có người cũng vì cách nghĩ ấy mà đã không một lần trở lại quê hương, dù nhớ thương đến xót ruột thắt lòng. Có người dành dụm mãi mới mua được tấm vé, nhưng không đủ đồng quà tấm bánh cho người thân, đành ngậm ngùi kéo dài mãi lời hẹn…
Mỗi người một nỗi riêng, nhưng tôi biết có một điều rất thật là cả khi thành đạt lẫn lúc sa cơ lỡ vận, điều đầu tiên ta nghĩ đến là gia đình, quê hương. Vậy nên, nhiều người sau khi công thành danh toại hay lỡ bước sa chân lại tìm về chốn quê nhà, vui sống những ngày bình yên sau năm tháng bôn ba, hoặc nương nhờ qua cơn khốn khó, hoặc tựa vào gia đình, tình thân mà xoa dịu, làm lành vết thương lòng…
Và cũng có một điều rất thật, rất thiêng liêng nhưng không phải ai cũng biết, là dù thế nào đi nữa, vòng tay quê hương vẫn luôn ấm áp và rộng mở để đón những đứa con xa “từ chân trời sóng gió bao la” trở về… (Nhạc sĩ Phan Văn Minh trong ca khúc “Khúc trầm hương giao thừa”)
Quê nhà vốn dĩ như mẹ. Có thể mẹ nghèo không đủ hạt lúa củ khoai để nuôi những đứa con, đành dứt ruột để chúng ra đi. Nhưng cũng như mẹ luôn yêu thương hết thảy, quê nhà không phân biệt những đứa con thành công hay thất bại. Vẫn biết dòng đời và lòng người muôn nỗi, nhưng đứng trước mẹ, trước quê hương, mọi đứa con đều được yêu thương. Đứa thành công, mẹ tự hào phấn khởi, đứa lỡ bước lỡ làng, mẹ dang tay che chở và yêu thương hơn vạn lần.
Như quê tôi, xứ Quảng, có hơn một triệu đứa con xa xứ ở đất Sài Gòn, chưa kể các tỉnh thành phương Nam. Mỗi người mỗi phận, mỗi cuộc đời một câu chuyện riêng tư, nhưng tôi tin hết thảy họ đều thương nhớ và mong muốn trở về nơi họ được sinh ra, nuôi dưỡng và từ đó ra đi. Và dù họ trở về bằng những con đường khác nhau, thời điểm khác nhau, quê nhà vẫn luôn mong ngóng và chờ đón bằng tình yêu không thay đổi.
Tôi đã rơi nước mắt khi xem những bức ảnh, clip về những người Quảng, người miền Trung xa xứ mưu sinh giữa Sài Gòn giờ rơi vào cảnh lao đao trong cơn bão đại dịch, đến cơm cũng không đủ bữa.
Tôi đã rưng rưng khi nghe những lời chia sẻ của một người anh thân quý là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại Sài Gòn, rằng nhiều bà con giờ rất khốn khó, nhiều người tha thiết được trở về nương nhờ quê hương, chờ qua cơn bão dữ.
Và xúc động khi nghe tin lãnh đạo tỉnh điện thoại thăm hỏi và quyết định hỗ trợ cho con dân xứ Quảng tha hương đang gặp khó khăn, dù có thể không đủ cho tất cả nhưng một chút sẻ chia lúc này thật ấm áp và ý nghĩa biết bao. Đặc biệt, mong ước trở về quê hương của nhiều người đã được đáp ứng. Sắp tới sẽ có những chuyến xe đến tận nơi tâm dịch để đón những đứa con xa…
Vậy thì, hãy tạm xa Sài Gòn hào hiệp để trở về với quê nhà thơm thảo nhé những đứa con thương quý.
Không phải phụ lòng hay rời bỏ nơi đã cho ta cơm áo và cuộc sống tương đối đủ đầy, mà xem như trên bước đường mưu sinh, có lúc mỏi gối chồn chân, đau ốm, “về vườn xưa gối tay nằm bệnh” (Trịnh Công Sơn). Về để nghỉ ngơi cho lại sức rồi mai kia lại lên đường, cuốn vào dòng chảy mới.
Sài Gòn đang cơn bạo bệnh rồi sẽ qua, với sự chia sẻ của đồng bào cả nước.
Thành phố hào phóng và độ lượng này vẫn sẽ là nơi rộng mở đón mọi phận đời từ tứ xứ, để cùng nhau vun đắp, dựng xây và chia sẻ.
Còn lúc này đây, hãy về với quê nhà, cùng nghe câu hát “Người Quảng dáng nâu”:
“Trẻ dáng nâu bước qua tấm lưng trâu vào đời
Gùi lụa bàn chân thô, ra đi nam bắc ngược xuôi
Lại nhớ sông nhớ bến, lại nhớ trăng quê nhà
Khi bước chân chùng rồi từng đêm mơ khói hương nguồn cội
Một hôm men lối quê lại về với dáng nâu…” (Lời bài hát “Người Quảng dáng nâu” - Thơ Nguyễn Trung Bình, nhạc Phan Văn Minh).