Ầu ơ ví dầu...

PHI KHANH 19/03/2021 15:20

(QNO) - Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ giọng hát ru của mẹ. Mẹ ru toàn câu ca xứ Quảng, tuy mộc mạc chân chất nhưng ngọt ngào sâu lắng, để rồi những vỗ về âu yếm đó theo tôi suốt cuộc đời...

Hát ru. Ảnh: Internet.
Hát ru. Ảnh: Internet.
Đối diện nhà tôi có khách ở quê vô, là hai mẹ con người Quảng. Người mẹ trạc 30, đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi. Đứa bé bị ốm, phải đưa vào thành phố chữa trị, sau những ngày nằm viện, lại đến nhà người họ hàng ở nhờ, chờ đợt điều trị tiếp theo. Tiếng hát ru vỗ về con trẻ của người mẹ trẻ ấy vọng qua nhà tôi rất rõ.

Nghe hát, con gái 18 tuổi của tôi tỏ ra khó chịu “Mẹ ơi, ai hát bài gì nghe vừa buồn vừa mệt quá mẹ”, rồi con bỏ vô phòng. Tôi thì lặng yên lắng nghe hết bài này đến bài khác. Có đến mấy chục năm rồi mới lại nghe hát ru, ký ức thơ ấu ùa về, lòng thầm cảm ơn người mẹ trẻ.

Tự hỏi, giữa thành phố rộng lớn này, có mấy bà mẹ biết hát ru con bằng giọng trữ tình, da diết ấy? Từ nhỏ, tôi đã được mẹ cưng chiều bằng những lời ru êm ái, mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ giọng mẹ, nhớ những vỗ về âu yếm theo suốt cuộc đời mình.

Mẹ ru toàn những câu ca xứ Quảng: “Bồng con mà bỏ vô nôi/Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu/Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An”; “Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng/ Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!/ Thương cha, nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương cảnh, nhớ quê thì đừng…”; “Đất Quảng Nam, chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say/ Gặp nhau chưa mấy lăm ngày/ Đã mang ơn trượng nghĩa dày bạn ơi!”; “Ầu ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”...

Lớn lên, tôi biết hát nhiều thể loại nhạc, nhưng hát ru thì chịu. Thế hệ chúng tôi, hát ru đã dần bị lãng quên. Chợt nghĩ, một người mẹ không biết hát ru, làm sao có thể cho con những ký ức dịu dàng, đẹp đẽ về một thời trẻ dại? Tôi không trách con gái về sự khó chịu ấy, cũng như lời kết luận của con “Ca từ và giai điệu hát ru nghe buồn thê lương, hèn chi con nít mau ngủ”.

Hôm sau, tôi trò chuyện với con về hát ru, về thế hệ ông bà cha mẹ xứ Quảng quê mình bao đời gắn bó với những điệu lý, hò khoan, đối đáp, bài chòi, dân ca để trưởng thành trong sự dịu dàng, bao dung, độ lượng. Đừng khó chịu, mà hãy vui vì có những người mẹ trẻ ở những miền quê còn biết hát ru, đã mang lời ca giọng hát chan chứa yêu thương ấy lên thành phố, để gieo nhớ, gieo sầu cho những ai từng lớn lên từ những lời ru xưa.

Lời ru, tôi tin không bao giờ mất đi, bởi các cơ quan văn hóa đang cố gắng khôi phục, bằng cách tổ chức những cuộc thi hát ru, mà thí sinh không chỉ là người lớn tuổi. Lời ru có thể bị khuất lấp đâu đó trong bộn bề cuộc sống, thỉnh thoảng ta vẫn được nghe như cách tôi được nghe tiếng ru của người trẻ từ nhà đối diện vẳng lại. Hạnh phúc vô cùng.

Một chiều, tôi cố tình đợi người mẹ trẻ ấy bồng con ra ngõ. Hỏi thăm mới hay cháu bé ốm nhiều ngày, chữa trị ở quê không khỏi, đành đưa vào bệnh viện thành phố. Đứa trẻ bệnh, hay quấy khóc, người mẹ phải cưng nựng, vỗ về, hát ru con ngủ. “Con em không khỏe nên giấc ngủ không sâu. Con ngủ đó rồi lại thức đó, em phải vừa hát vừa dỗ dành cho con ngủ ngon, để con bớt nhọc nhằn thân thể chị ạ. Em ngừng ru là con thức ngay”.

Phải nói là giọng cô ấy tuy rất Quảng, mộc mạc chân chất nhưng thiết tha, ấm nồng, như muốn gửi gắm thứ tình cảm thiêng liêng nhất của một người mẹ dành cho đứa con đang ốm. Tôi nghĩ, đứa trẻ không chỉ cậy nhờ thuốc thang, bác sĩ, mà còn nương tựa lời ru của mẹ để mau lành bệnh.

Sau một tháng chữa trị, cháu khỏe hẳn. Những bài hát ru “ầu ơ ví dầu” êm ái, gần gũi, sâu lắng, tràn ngập tình yêu thương ấy đã theo mẹ con cô ấy về quê, nhưng trong tôi đọng mãi ký ức một thời được nghe mẹ, nghe những người phụ nữ quê nhà bày biện tình cảm yêu thương nhất có thể dành cho “khúc ruột” của mình qua những lời hát ru. Và nữa, còn gợi nhớ tình yêu quê xứ trong tôi qua những địa danh được nhắc trong từng câu ca.

PHI KHANH