Nhớ giao thừa thời bao cấp

TRẦN NGỌC 09/02/2021 14:40

(QNO) - Đã có nhiều người nhớ và viết về thời bao cấp thập niên bảy mươi tám mươi thế kỷ trước với nhiều ký ức vui buồn. Tôi không nhớ nhiều lắm những chuyện buồn nhưng lại không quên một số giây phút cực vui thời ấy mà mỗi khi nhớ lại thì thường hay cười một mình.

Đó là những chiều muộn, thường gọi là chạng vạng chiều ba mươi tết. Sau khi đã lo xong việc nhà - lúc ấy còn độc thân ở với ba mẹ, tôi xách nước dội sơ qua chiếc xe đạp (gọi là rửa xe đón tết) rồi đạp hướng đến trường mình.

Trường tôi ở vùng quê, cách nhà khoảng tám, chín cây số. Đường sá tương đối dễ đi nhưng khá lo là tối ba mươi thì không đủ ánh sáng, tôi phải cầm theo cái đèn pin. Những ngôi nhà dọc đường càng lúc càng thưa, bóng tối đậm dần. Tuy vậy, háo hức qua mỗi vòng xe, tôi biết trong các tổ ấm nho nhỏ ấy vẫn đang có nhiều niềm vui chờ xuân. “Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng…”, “ngày thắm tươi bên đời xuân mới…”, huýt sáo vài giai điệu xuân vui thì đã đến cổng trường quê mình rồi.

Cứ tưởng mình đến sớm nhì (sau chú bảo vệ trường) nhưng không ngờ, năm nào mình cũng trễ hơn mấy thầy địa phương. “À, chú mi dưới Tam Kỳ chừ mà lên tới trường là ngon rồi đó. Chuẩn bị đủ đội hình rồi chiến đấu nghe!” - một thầy nói. Khẩu khí nhà binh giống như hồi còn chiến tranh (lúc này hòa bình đã hơn năm, sáu năm rồi) mà nghe vẫn rộn ràng, khí thế và đầy uy lực. Do vậy, răm rắp tuân theo, tôi cất xe đạp, cùng khiêng dọn bàn ghế, bày biện cỗ tất niên.

Nói là cỗ cho oai, thật ra chỉ là bánh tét, bánh ú, cái đầu heo, đĩa lòng, rau sống, nước mắm, bánh tráng gạo (nướng, nhúng) và một số chai rượu đủ nhãn mác, đủ hình dạng, kích cỡ. Tất cả đều do công đoàn trường sắm sửa, riêng rượu hơi phong phú một chút là nhờ các cô trong trường gửi cho với tinh thần “xã hội hóa”, tặng mấy thầy đón giao thừa tại trường.

Khoảng mười một giờ đêm, hương hoa đèn nến và mâm cỗ sẵn sàng. Trong khói hương ấm áp, chúng tôi đứng bên nhau nhìn cổng trường phía xa, nhìn bàn cúng giữa sân trường rồi khấn nguyện năm mới tràn đầy niềm vui. Nhìn qua bên ủy ban xã thấy những đốm sáng, tôi biết các anh cũng trực bên đó và cũng giống như bên này, tất cả đều thành kính tiễn năm cũ, đón năm mới trân trọng và lạc quan.

Đúng giờ giao thừa, đâu đây đốt pháo, hình như bên kia vài tiếng súng chỉ thiên, nhưng tại trường tôi, chỉ có ba hồi trống trường mà nghe sao vang vang, rộn ràng và xúc động lạ thường. Thầy hiệu trưởng vừa đánh trống vừa hô “chúc mừng năm mới”, anh em tôi hò la theo. Vui thật là vui, thấm thật là thấm tình đồng nghiệp thương yêu nhau trong thời khắc thiêng liêng ấy. Thực lòng, cho đến bây giờ dù cách nửa thế kỷ rồi, trong tôi vẫn còn nguyên những cảm xúc lúc ấy!

Sau đó, hậu giao thừa đúng là “trận chiến đấu” thực sự. Lành lạnh khí trời, hơi hơi bụng đói, ấm áp ly rượu đầu năm… chúng tôi thực lòng chúc nhau năm mới thắng lợi và cạn ly liên tục. Thỉnh thoảng có anh cao hứng lấy dùi đánh trống liên hồi thay pháo, thay nhạc đón xuân. Vui nhất là có anh cầm dùi trống chạy từ đầu dãy phòng học, vừa chạy vừa hát “xuân đã về, xuân đã về”…

Gần sáng, có ai đó nhắc nhở phải ăn chút gì chứ, ừ thì ăn. Lo chi, mình ở lại tới sáng mà. Vậy là, mâm cỗ và đủ loại rượu cũng hết vừa kịp lúc trời có chút ánh sáng quang đãng mừng xuân. Bên ủy ban mở loa mời quân dân chính toàn xã dự chào cờ đầu năm mới. Anh em tôi quần áo chỉnh tề dù hơi bị nhăn nhưng chắc mặt mũi thì còn nhàu hơn, rượu chè ca hát đừ điếc cả đêm giao thừa.

Dù vậy, hàng ngũ chỉnh tề, anh em chúng tôi thay mặt thầy cô giáo và học sinh toàn trường chào cờ đầu năm với địa phương. Nghi thức giản đơn nhưng không kém phần trang trọng, thiêng liêng. Quốc kỳ kéo lên, quốc ca vang to hùng tráng bởi người hát thực lòng và háo hức đón chào năm mới với nhiều niềm tin tương lai.

Sau này, tôi thường bâng khuâng luyến tiếc khi nhớ về không khí ở những lần chào cờ đầu xuân thời bao cấp ấy. Trong trẻo, nhẹ nhàng, có chút lãng mạn dễ thương, ai cũng như ai, khổ cùng khổ nhưng vui cùng vui dù chỉ là một đêm đón giao thừa đơn giản. Sống ở thời ấy, ở trường tôi, nhất là vào đêm cụng ly rượu cuối năm, thỉnh thoảng có anh than khổ chuyện này việc kia nhưng tuyệt nhiên không thấy anh nào kêu buồn. “Buồn sao được, anh em cùng chia sẻ và cùng vui mà… Vui lên, chào xuân về tết đến, anh em mình ơi!”.

TRẦN NGỌC